Thứ Bảy, 27/04/2024Mới nhất
Zalo

Điểm nóng cuối tuần: Khốc liệt derby Catalonya

Thứ Bảy 07/01/2012 12:08(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Trận derby Catalonya giữa Barcelona và Espanyol cuối tuần này không chỉ là một trận bóng thông thường. Nó là phương tiện để thể hiện xu hướng chính trị, tư tưởng dân tộc của một mảnh đất bị phân rã bao nhiêu năm nay vì nội chiến. Chính vì thế, chẳng có trận derby Catalonya nào diễn ra trong không khí bình an và hữu hảo!

Joan Gamper, một người Thụy Sĩ, lập nên CLB Barcelona vào tháng 10/1899. Johan Cruyff, một người Hà Lan, đi vào huyền thoại ở Barcelona trong cả tư cách cầu thủ và HLV. Ngoài Cruyff và Gamper, truyền thống hào hùng của Barcelona còn được vun đắp bởi Ladislao Kubala - cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử CLB. Ngày xưa, Barcelona có Kocsis, Czibor, Kubala, Cruyff, Neeskens, Romario, Stoichkov, Koeman, Ronaldo, Rivaldo, Ronaldinho và giờ là Messi…

Tóm lại, các cầu thủ vĩ đại nhất làm nên niềm tự hào Barcelona đều là những người nước ngoài. Mà cũng chẳng cần phải là cầu thủ vĩ đại. Bản chất “ngoại quốc” của Barcelona đã được thể hiện ngay từ khi đội này mới được thành lập. Trong thời kỳ đầu, phần lớn cầu thủ Barcelona là những người Anh.

Những cuộc đối đầu Espanyol và Barcelona luôn rất căng thẳng

Hoàn toàn ngược lại, Espanyol là đội bóng của người TBN - điều được thể hiện rõ ràng ngay từ tên gọi của đội. Đấy là CLB bóng đá đầu tiên tại TBN được thành lập chỉ bởi các fan bóng đá người TBN. Và ngay từ khi thành lập, Espanyol đã muốn dùng chính cái đặc điểm này để tạo ra một sự tương phản với Barcelona. Họ được hoàng gia bảo hộ, có chữ Real trong tên đầy đủ của CLB (Real Club Deportivo Espanyol hay RCD Espanyol).

Đa số cổ động viên của Espanyol là người TBN nhập cư từ những xứ sở khác (do Barcelona là một thành phố công nghiệp, phát triển rất mạnh hồi giữa thế kỷ 19). Họ không nhất thiết phải cổ súy tinh thần Catalan. Nếu như Barcelona luôn là biểu tượng của tinh thần Catalan bất diệt trong giai đoạn Franco cầm quyền ở TBN, thì ở một thái cực khác, ngay trong xứ sở Catalonya, Espanyol lại là đội bóng hướng đến tinh thần TBN. Espanyol thân Franco. Espanyol chống lại chủ nghĩa ly khai. Espanyol của những kẻ chỉ điểm… Tóm lại, giới hâm mộ Barcelona có thể gọi đội làng giềng dễ ghét của họ bằng đủ mọi kiểu khác nhau.

Gọi bằng cách nào đi nữa thì tóm lại, Barcelona và Espanyol vẫn là 2 kẻ tử thù trong làng bóng xứ Catalonya. Barcelona là niềm tự hào của người Catalan chính gốc, là một điều gì đó có ý nghĩa quan trọng hơn một CLB bóng đá đơn thuần. Còn Espanyol lại là đội bóng của sự thất bại. Họ chẳng có gì khác, ngoài vài lần đoạt Cúp Nhà Vua. Thế mới tương phản. Và trận derby xứ Catalonya phải tương phản như thế thì mới khốc liệt. Mỗi năm, giới hâm mộ Espanyol chỉ cần trông ngóng chiến thắng trước Barcelona ở La Liga, chứ đâu có trông mong danh hiệu vô địch!

Hấp dẫn ở chỗ, tuy Espanyol không đủ mạnh để tranh ngôi vô địch, nhưng họ lại có thể ngăn cản Barcelona vô địch, và đã nhiều lần làm được như vậy. Năm 1973, Espanyol đã thắng Barcelona bằng bàn duy nhất, từ chấm phạt đền, để… Atletico Madrid đoạt chức vô địch. Năm 1982, Barcelona cũng mất ngôi vô địch vì thua Espanyol ngay tại sân nhà. Cuối mùa bóng 2006/07, Espanyol lại tưng bừng chiến đấu, gỡ hòa 2-2 trong những phút chót ở trận gặp Barcelona, giúp Real Madrid vô địch La Liga.

Nếu không tính đến trận Barcelona – Real Madrid mà nhiều người gán ghép một cách khiên cưỡng là derby của TBN, thì cặp Espanyol – Barcelona thật sự là trận derby hấp dẫn nhất trên sân cỏ La Liga. Cặp này luôn “máu lửa”, dù hiếm khi thật sự cân bằng xét về thực lực đôi bên. Thật ra, tầm quan trọng của trận derby này có ý nghĩa cao hơn đối với các cổ động viên Espanyol. Nguyên nhân thì cũng dễ hiểu.

Hận thù xuyên thế kỷ

Espanyol ra đời chỉ sau Barcelona 1 năm, nghĩa là đội nào cũng đã tồn tại hơn 1 thế kỷ. Và đấy là hơn 1 thế kỷ… ghét nhau. Có lần, huyền thoại Johan Cruyff bị… đuổi xuống khỏi xe taxi ngay tại Barcelona. Lý do đơn giản, tài xế taxi là cổ động viên của Espanyol.

Trong chế độ Franco, Espanyol được chính quyền trung ương ở Madrid ca ngợi là “đội bóng yêu nước”. Đôi khi, Espanyol là đội duy nhất ở xứ Catalonya được dân Madrid nhìn nhận. Trớ trêu ở chỗ, người dân xứ Catalonya khi ấy lại xem Espanyol là CLB “ngoại quốc”, trên cơ sở các thành viên hoặc cổ động viên Espanyol là những người duy nhất trong xứ này nói tiếng TBN (thay vì dùng tiếng Catalan).

Tất nhiên, ảnh hưởng của Barcelona phải mạnh hơn Espanyol, vì Barcelona là thủ phủ của xứ Catalonya, nơi tuyệt đại đa số người dân đều phản đối chế độ Franco, cũng là nơi mà số đông theo phe Cộng Hòa trong cuộc nội chiến 1936-1939. Espanyol thuộc về thiểu số, nhưng đấy lại là phe chiến thắng. Từ trước khi Franco chiến thắng, các cổ động viên Espanyol cũng đã tỏ ra ủng hộ chủ nghĩa phát xít và cổ vũ cho Franco rồi. Bây giờ, người ta vẫn gọi sân nhà của Espanyol là một “Bernabeu mini”.

Vì cả một lịch sử đối đầu, với gốc rễ cắm sâu trong những bất đồng về chính trị, xã hội, nên chẳng bao giờ là chuyện kỳ lạ khi cổ động viên đôi bên choảng nhau trên khán đài. Gần đây, chính Espanyol đã chủ động cấm một vài phần tử cực hữu đến SVĐ, nhất là trong các trận gặp Barcelona, để tránh những rắc rối không cần thiết.

Trong lịch sử, rất ít cầu thủ từng khoác áo cả Barcelona lẫn Espanyol, ít hơn cả số cầu thủ từng khoác áo cả Real Madrid lẫn Barcelona. Cổ động viên của 2 đội bóng xứ Catalonya ghét nhau đến nỗi khi cặp đấu này diễn ra thì phần khán đài dành cho đội khách luôn có rất nhiều chỗ trống. Quan điểm của các cổ động viên: không thể giúp đối thủ làm giàu bằng cách mua vé vào sân của họ!

Hồi năm 2005, Barcelona nói rõ với cầu thủ Argentina Javier Saviola rằng anh không còn chỗ trong đội, bảo anh nên tự kiếm đội bóng mới. Nhưng khi Saviola nói rằng muốn sang Espanyol, và Espanyol cũng sẵn sàng trả tiền chuyển nhượng, thì Barcelona lại không bán Saviola. Chủ tịch Joan Laporta nói thẳng: “Còn lâu mới bán ngôi sao cho Espanyol!”.

(Theo báo Bóng Đá)
 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X