Thành công của Barcelona của mùa này không nằm ở sự toả sáng của Luis Suarez, mà là việc Thomas Vermaelen có thể lấy lại được phong độ đỉnh cao hay không |
Thời Pep Guardiola đạt tới đỉnh cao châu Âu, không ai dám nói Barcelona mạnh ở hàng thủ. Họ thủng lưới ít không phải vì Victor Valdes là thủ môn đẳng cấp thế giới, Gerard Pique không phải vừa tới Barca từ Man Utd là đã vụt sáng trưởng thành ngay, đôi cánh lúc nào cũng tấn công chẳng phải là quá mạnh trong cả phòng ngự. Số lượng bàn thua của Barca thấp vì họ cầm được quá nhiều bóng. Khi đối phương không có bóng, họ ghi bàn vào lưới Barcelona bằng cách nào? Thời ấy, tuyến giữa của Barcelona quá mạnh với cặp Xavi - Iniesta ở đỉnh cao phong độ, Busquets vừa đạt độ chín. Trên hàng công, sức mạnh từ đôi chân của Lionel Messi khiến cho Pep chẳng bao giờ phải lo về hiệu suất ghi bàn, bởi lẽ kiểu gì Barca cũng thắng trận nhờ... "lấy công bù thủ".
Hậu quả mà Guardiola để lại cho Tito Vilanova và Gerardo Martino sau này là một hàng thủ chắp vá, không có tính kế thừa và thường phải lôi các... tiền vệ phòng ngự xuống án ngữ trước mặt thủ môn. Đây chính là một trong những lí do mà Pep rời bỏ Barca để sang Bayern: ông thấy rõ ngày tàn của Barca đã đến, mà nguyên nhân nhãn tiền là hàng thủ quá xập xệ. Móng không vững làm sao nhà có thể chắc? Hậu quả của vấn nạn này không đến ngay, mà nó đến từ từ, và khi đến thì rất đau đớn: Barcelona mất trắng Champions League của mùa năm kia sau khi thất bại 0-7 trước Bayern ở thế chiếu trên (khi đó Barca vẫn được đánh giá cao hơn Bayern); và rồi mùa năm ngoái dưới tay Gerardo Martino, Barca hoàn toàn trắng tay, chỉ nhận được một chiếc Siêu Cúp khởi đầu mùa bóng vô thưởng vô phạt. Khi mà lối chơi tiqui-taka bị bắt bài, Xavi Hernandez đến với tuổi xế chiều, hàng công có nhiều xáo trộn (có thể nói hàng công của Barca bây giờ có đầu tư mạnh tới cỡ nào cung không thể được như thời hoàng kim với thế hệ của những Messi, Eto'o, Henry hay trước đó là cả Ronaldinho), thì khả năng cầm bóng cũng yêu đi. Như một hệ quả tất yếu, Barcelona yếu đi thấy rõ và điểm yếu ở hàng phòng ngự lộ ra như một vấn đề nhức nhối.
Những giải pháp mang tính "ăn xổi" như kéo Alex Song hay Javier Mascherano về đá trung vệ chẳng thể nào mang tới hiệu quả trong thời gian lâu dài. Nói trắng ra, hàng thủ của Barca chưa bao giờ đích thực là một hàng thủ trong vài năm trở lại đây. Những hậu vệ cánh mà Barca tậu vệ từ Sevilla hay Valencia như Daniel Alves, Adriano và gần đây nhất là Jordi Alba đều có thiên hướng tấn công, dâng cao bám biên như những tiền vệ. Nhận thấy vấn đề nổi cộm này, ngay lập tức Luis Enrique đã nhấn mạnh việc xây dựng một hàng thủ "đúng chất một hàng thủ" sau khi ngồi lên ghế huấn luyện Barcelona đầu mùa này. Ông cho các hậu vệ tập rất nặng, và đồng thời bổ sung một loạt những người chơi ở tuyến phòng ngự trên TTCN bằng những số tiền tương đối "nặng kí". Hè vừa rồi Enrique đã mua tới 3 hậu vệ là Jeremy Mathieu, Thomas Vermaelen và Douglas với tổng giá trị chuyển nhượng lên tới 40 triệu euro. Lúc này, số lượng các hậu vệ của Barcelona đã lên tới con số 10, nhiều nhất trong 14 năm qua. Những người có thể lấp đầy 4 vị trí trước mặt Claudio Bravo hoặc Marc-Andre ter Stegen ngoài 3 cái tên trên còn có Jordi Alba, Adriano (hậu vệ trái), Dani Alves (hậu vệ phải), Pique, Mascherano, Bartra và Song (trung vệ).
Hiệu quả lâu dài của hàng thủ này chưa rõ ra sao, nhưng rõ ràng nó đang mang đến những hiệu ứng tích cực đầu tiên. 2 trận vừa qua Barcelona chưa để thủng lưới bàn nào, và đó là thành tích cực kì đáng ghi nhận với một Barca đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ. Với một hàng thủ vững chắc, chỉ cần đợi 1 hay 2 năm nữa, liệu Barca có thể trở lại vị thế như một đối thủ mà "nghe tên đã biết là thua" của các đội bóng khác đến từ châu Âu? Còn nhớ giai đoạn 2008 - 2010, bất cứ đội bóng nào cứ nghe tên Barca là xác định nếu họ không tạo nên một cơn địa chấn, hoặc trên băng ghế chỉ đạo của họ không phải là ... Jose Mourinho, đội bóng ấy sẽ nắm chắc phần thua. Lại nhắc tới Jose Mourinho, chính ông chứ không ai khác là khắc tinh của Pep Guardiola trong thời đỉnh cao của Barcelona. Triết lý của Mourinho là "xây nhà từ móng, trồng cây từ gốc", và chỉ có cách đó mới làm cho Inter của ông vượt qua được Barca của Pep và rồi Bayern của Van Gaal sau đó trong trận Chung kết. Còn nhớ hàng thủ trong tay Mou lúc ấy bao gồm Maicon, Lucio, Walter Samuel và Cristian Chivu; trên ghế dự bị cũng là những Ivan Cordoba hay Marco Materazzi. Đó là hàng thủ đã đưa một Inter Milan được đánh giá không cao đến ngôi vô địch Champions League 2012/13. Trong những năm gần đây, mà đơn cử là năm ngoái khi Real Madrid lên ngôi vô địch và Atletico cán đích thứ hai tại Champions League, hàng thủ bao gồm Sergio Ramos - Pepe - Carvajal - Marcelo của Real hay Godin - Miranda - Filipe Luis - Juanfran của Atletico đều có khả năng chuyên môn tốt về phòng ngự số đông và tấn công khi cần thiết. Hàng thủ ngày trước của Barca đương nhiên không có tính đa năng này, và họ suy tàn là điều tất yếu.
Bây giờ để khôi phục lại Barcelona, Luis Enrique có vẻ đang đi đúng hướng với việc xây dựng một hàng thủ cực kì mạnh mẽ. Nếu Luis Suarez hay Neymar thất bại, thì Messi vẫn còn ở đó; nếu Rakitic không toả sáng thì Iniesta vẫn sẽ có thể thay phần. Thế nhưng, khi mà Gerard Pique đã xuống phong độ, Carles Puyol đã giải nghệ, nhiệm vụ tiên quyết của Enrique hẳn nhiên là xây dựng một lớp kế cận trong ít nhất là 2-3 năm tới để người ta nhìn vào đội hình của Barca có thể yên tâm về mọi tuyến, chứ không phải là giống như nhìn vào một lực sĩ "cơ bắp nhưng chân nhỏ" như Barca của ngày trước nữa.
Về cơ bản, Enrique đang làm quá tốt thứ mà Vilanova và Martino không làm được. Ông chính xác là người mà bấy lâu nay Barca cần?
Thành Nguyễn