Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Diego Simeone: "Người đặc biệt" mới của Atletico Madrid và Châu Âu

Thứ Hai 19/05/2014 06:42(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Bóng đá thế giới không chỉ hấp dẫn chúng ta khi nó sản sinh ra những ngôi sao trên sân đấu mà nó còn hấp dẫn cả trên băng ghế HLV. Atletico Madrid vừa giành chức vô địch Liga thứ 10 trong lịch sử và tất cả đều phải thừa nhận kiến trúc sư cho chiến thắng ấy là Diego Simeone. Điều gì đã khiến nhà cầm quân có biệt danh “El Cholo” trở nên đặc biệt?

Khi nói đến một HLV giỏi, người ta thường hay nói đến khả năng “đọc” trận đấu, vận hành chiến thuật linh hoạt theo từng đối thủ và sử dụng cầu thủ đúng lúc, đúng chỗ. Nhưng xét cho cùng, chiến thuật là do con người tạo ra và cho dù chiến thuật của HLV là như thế nào thì ông ta cũng không phải là người trực tiếp triển khai nó mà là các cầu thủ của ông ta làm điều đó. Thế nên, một HLV giỏi thực sự là người không chỉ có năng lực chiến thuật sắc sảo mà điều quan trọng hơn là ông ta phải biết truyền thụ được các ý tưởng của mình đến các cầu thủ và phải làm cho cầu thủ của mình thấm nhuần và thực hiện một cách xuất sắc những ý tưởng chiến thuật mình đề ra.

Không thể phủ nhận là Simeone đang sở hữu trong tay một đội hình có chất lượng vào loại tốt nhất của Atletico trong rất nhiều năm trở lại đây. Một thủ môn tài ba Courtois. Một cặp trung vệ cực kỳ đáng tin cậy Godin-Miranda. Hai tiền vệ sáng tạo Raul Garcia và Koke. Và cuối cùng, một sát thủ đúng nghĩa Diego Costa. Người ta nói “có bột mới gột nên hồ”. Rõ ràng là cần phải có những cầu thủ chất lượng như vậy thì Atletico mới có thể đi hết con đường ở Liga.
 

Diego Simeone đang biến giấc mơ của Atletico Madrid thành sự thực
 

Nhưng rất nhiều cầu thủ tỏa sáng ở mùa này không chỉ nhờ tài năng tự thân của họ mà có dấu ấn của Simeone trong đó. Điều đã tạo nên thương hiệu “El Cholo” chính là ông đã xây dựng được một Atletico Madrid có lối chơi phòng ngự tập thể, phản công sắc bén, kỷ luật sắt, tự tin và trở thành một khối thống nhất đúng nghĩa cả trên sân đấu lẫn trong phòng thay đồ.

Về chiến thuật, Atletico chủ yếu sử dụng hai sơ đồ quen thuộc là 4-2-3-1 (trước kia thường là là Koke đá hộ công, Falcao là mũi nhọn duy nhất hoặc hiện nay thường là Koke/Raul Garcia hộ công, Diego Costa đá cao nhất) hoặc 4-4-2 (Villa-Diego Costa là cặp tiền đạo, Koke dạt cánh). Chiến thuật trên sơ đồ chỉ có vậy nhưng Simeone đã quán triệt cho các cầu thủ Atletico lối chơi có tính đồng đội cao. Các cầu thủ được yêu cầu cùng tham gia phòng ngự  bằng cách tranh chấp bóng, kèm người khi bị tấn công. Simeone thường xuyên nhấn mạnh triết lý bóng đá của ông với các cầu thủ trong những buổi tập và trong giờ nghỉ giữa hiệp.

Triết lý ấy là: “Sự tập trung phải là tuyệt đối. Niềm tin chiến thắng phải duy trì đến phút cuối cùng. Cả đội là một khối thống nhất, khép kín, chiến đấu và tập trung tối đa từ tinh thần đến thể lực cho từng trận đấu một”. Atletico vẫn đá với 4 hậu vệ như thông thường nhưng khi bị tấn công, đặc biệt là trước các đối thủ mạnh, hiếm khi nào người ta thấy họ phòng ngự với chỉ 4 hậu vệ thuần túy.

Simeone không chủ trương đá phòng ngự kiểu xe bus hai tầng bằng cách kéo hẳn đội hình Atletico xuống thấp và bố trí hai tuyến phòng ngự và tiền vệ thật gần nhau để tạo số đông trong và xung quanh vòng cấm mà ông yêu cầu tiền vệ Atletico phải di chuyển không bóng liên tục để phủ kín các khoảng trống bên phần sân nhà và hỗ trợ các hậu vệ phòng thủ bằng cách tạo số đông (ít nhất 2-3 người) ở hầu khắp mọi vị trí trong và xung quanh cấm địa khi đối mặt cầu thủ đối phương.

Điển hình là trận bán kết lượt về Champions League gặp Chelsea. Người ta đã chờ đợi Atletico cố thủ ở London bằng hai tuyến đê quai gần nhau nhằm bịt kín từng milimet vuông mặt cỏ nhưng thực tế không hẳn như vậy. Simeone vẫn đòi hỏi cầu thủ của mình chơi phòng ngự cực kín kẽ nhưng không phải bằng cách lùi hẳn về sân nhà, tạo thành chiếc xe bus 2 tầng kiểu các đội bóng nhỏ hay ngay cả Chelsea của Mourinho vẫn dùng.

Thay vào đó, người ta thấy Atletico duy trì sự chắc chắn nơi hậu phương bằng cách di chuyển đồng bộ theo dạng khối của cả các tiền vệ trên sân. Họ vẫn dâng cao tấn công, vẫn phối hợp bóng ở phía trên khi có cơ hội nhưng khi mất bóng, họ lập tức lùi sâu về sân nhà rất nhanh để cùng với các hậu vệ hợp thành một mạng lưới phòng thủ để đảm bảo làm sao khi một cầu thủ Chelsea có bóng ở bất kỳ vị trí nào gần hoặc trong cấm địa Atletico thì luôn có tới 3 cầu thủ Atletico đứng chắn phía trước hoặc vây quanh anh ta khiến không gian bị bóp nghẹt. Khi ấy, cầu thủ Chelsea cực khó đột phá hay chọc khe mà thường là phải trả bóng ngược lại về phía sau cho đồng đội hoặc là bị đoạt bóng.

Không phải ngẫu nhiên mà Atletico là đội thủng lưới ít nhất Liga mùa này và họ giữ sạch lưới tới 20/38 trận của mùa giải. Chính Barca và Real Madrid với những ngôi sao tấn công hàng đầu thế giới với đầy đủ những phẩm chất siêu hạng từ tốc độ (Bale, Ronaldo) tới kỹ thuật rê dắt bóng (Messi) đã góp phần giúp lối chơi phòng ngự của Atletico được trui rèn và trở nên nhuần nhuyễn. Không chỉ biến Atletico thành một pháo đài cực khó bị đánh chiếm, Simeone còn truyền được ngọn lửa niềm tin tới các cầu thủ. Họ tin tưởng anh tuyệt đối và họ cũng tin tưởng vào chiến thắng của Atletico cho tới tận những giây phút cuối cùng.

Sự tự tin cao độ của Atletico được thể hiện qua các cuộc đối đầu đỉnh cao của họ với Real, Barca ở Liga mùa này, với Barca và Chelsea ở Champions League. Trong đó, có thể kể ra hai ví dụ sinh động để minh họa: Trước Barca ở Camp Nou vừa qua và trước Chelsea ở bán kết lượt về Champions League, Atletico đều phải đá sân khách, đều bị đối thủ dẫn trước nhưng họ vẫn không bộc lộ bất kỳ dấu hiệu nào của sự sợ hãi, buông xuôi, mất phương hướng hay rối loạn trong phòng ngự hoặc mất thế trận.

Trước Barca, người ta không biết Simeone đã nói gì với các cầu thủ của ông trong phòng thay đồ vào giờ nghỉ giữa hiệp nhưng ngay đầu hiệp hai ai cũng thấy Atletico bất chấp cả việc mất Diego Costa và Turan từ hiệp 1 vì chấn thương, vẫn dồn lên tấn công, đặt Barca dưới áp lực thường trực. Tương tự như vậy là trước Chelsea, Atletico cũng vẫn chơi tấn công mạnh mẽ, tạo sức ép liên tục như sóng vỗ bờ để buộc đội bóng Anh mắc sai lầm dẫn đến những bàn thua thay vì đá phòng ngự phản công để rình rập cơ hội. Cái độc đáo của Simeone là ông đã gây bất ngờ cho đối thủ bằng cách tiếp cận lối chơi táo bạo của mình. Đấy là sự mới mẻ trong tư duy chiến thuật và đã được đền đáp xứng đáng.

Với Simeone, Atletico vừa biết chơi phòng ngự phản công sắc sảo, vừa có thể tấn công hiệu quả khi cần thiết. Đấy là điều đặc biệt vì thường thì các đội bóng tấn công hay lại không giỏi đá phòng thủ phản công và ngược lại, các đội bóng có đặc sản phòng thủ phản công lại rất lúng túng khi buộc phải chủ động tấn công tìm kiếm chiến thắng. Khi trở lại Vicente Calderon để bắt đầu cầm quân ở đây, Simeone sở hữu những trải nghiệm phong phú trong sự nghiệp cả với tư cách cầu thủ (từng đá cho Atletico Madrid, Racing, Sevilla ở Liga, Lazio, Inter Milan ở Serie A) cũng như HLV (Racing, Estudiantes, River Plate, San Lorenzo, Catania) và chúng đã trở thành tài sản quý giá giúp ông thích nghi hoàn hảo với vị trí mới ở Vicente Calderon.

Nhà vô địch Liga (với chính Atletico Madrid mùa giải 1995-1996), vô địch Serie A (với Lazio mùa giải 1999-2000), đoạt siêu cúp Châu Âu (với Lazio), cúp UEFA (với Inter Milan) đã trở thành tấm gương về một sự nghiệp thành đạt để cầu thủ Atletico Madrid nhìn vào, lắng nghe và học hỏi. Simeone là học trò của Carlos Bilardo mà Carlos Bilardo là HLV nổi tiếng coi trọng kỷ luật cả trong thi đấu lẫn trong quản lý đội bóng nên Simeone đã học hỏi và hấp thu phẩm chất này từ cựu HLV đáng kính từng dẫn dắt Argentina của Maradona vô địch World Cup 1986.

Đến lượt mình, anh truyền thụ nó tới các cầu thủ Atletico, biến đội bóng này thành đội bóng “chiến binh” nơi kỷ luật được tuân thủ tuyệt đối, không có chỗ cho những “cái tôi” nổi loạn. Và họ thành công ở Liga một phần cũng nhờ sự nghiêm khắc của Diego Simeone.

Theo Thể Thao Văn Hoá

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X