Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Diego Simeone: Hiện thân của bố già

Thứ Bảy 19/04/2014 22:30(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Mặt gian hùng, bản lĩnh đầy người, tính cách lưu manh, tinh quái như Bố Già băng Cosa Nostra. Ngủ ngáy như bễ lò rèn, mắt mở trừng trừng như Trương Phi thời Tam Quốc. Kính Chúa nhưng lại sùng Phật và tin thuyết Âm dương Ngũ hành. Ông là Diego Simeone…

HÌNH BÓNG CỦA BỐ GIÀ

Trong tiểu thuyết “Bố già” của Mario Puzo, nhân vật Michael Corleone nói với một cộng sự: “Để tao nói cho mày một bí quyết mà tao học từ cha (Vito Corleone) của tao: Hãy cố nghĩ xem những thằng xung quanh mày nghĩ gì. Như thế, không gì là không thể”.  Bí quyết của gia đình Corleone là vậy, họ từng bước leo lên từng nấc thang thành công nhờ thấu hiểu mọi hiện tượng và đặc biệt là những nhân vật trong tổ chức của mình.

 

Cách tổ chức, xây dựng “gia đình” Atletico của Diego Simeone cũng tương tự như nhà Corleone trong tiểu thuyết lừng danh này. Nhà cầm quân 43 tuổi người Argentina từng nói với German Burgos và Juan Vizcaino - hai “phó tướng” của mình ở Atletico Madrid: “Những người làm việc xung quanh tôi là quan trọng nhất. Tôi cần những con người có khả năng, vì những con người đó sẽ giúp tôi ngày một mạnh mẽ và thành công hơn”.

Trận bán kết Champions League lượt đi, Barcelona - Atletico Madrid, khi Diego Ribas sút tung mành lưới của Jose Pinto, Simeone không quên hướng lên khán đài nơi có các CĐV áo sọc Đỏ-Trắng, hất 2 tay lên, kêu gọi họ hô vang nhằm tiếp thêm động lực cho các học trò.

Nhưng người ta không thấy hành động tương tự ở Tata Martino của Barcelona khi Neymar ghi bàn. Đó là minh chứng cho thấy, không phải nhà cầm quân nào cũng có “tiểu xảo” mượn sức mạnh của người khác như Simeone. CĐV là “những kẻ xung quanh”. Nhưng “kẻ xung quanh” quan trọng nhất với Simeone vẫn là cầu thủ, cần phải hiểu họ. Nhưng từ hiểu người tới sử dụng con người không đơn thuần chỉ là nghệ thuật, mà phải có bản lĩnh.

Martino có thể hiểu rõ từng cá tính mỗi cầu thủ ở Barca nhưng ông có thể áp đặt triết lý của mình tới từng “ông giời con” tầm cỡ Messi? Simeone thì khác, nhà cầm quân có biệt danh Cholo áp đặt niềm tin sắt đá của mình tới mọi thành viên ở Vicente Calderon tới mức cực đoan, mà người ta phải gọi là “Học thuyết Cholista”.

Vậy Simeone là mafia? Không sai! Mafia, thuật ngữ này theo một số nhà nghiên cứu, vốn xuất phát từ ngôn ngữ Latin là “mi fe”, nghĩa là “Đức tin của tôi”. Mafia ra đời như thế, vì không thành viên nào trong gia đình mafia được phép đi ngược lại với “Đức tin” của kẻ cầm đầu.  Nhưng để các học trò tuân theo “Đức tin” cực đoan kiểu mafia, Simeone cũng luôn biết cách động viên và bảo vệ họ - một nguyên tắc vàng của các gia đình mafia Italia.

“Ông Trùm” của Vicente Calderon chỉ khác thủ lĩnh của gia đình Corleone ở chỗ, trong khi bố già Vito Corleone tính cách ôn hòa, điềm đạm, luôn bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh thì từ thời khởi nghiệp ở Vélez Sársfield, Simeone đã nổi lên như một thủ lĩnh bốc đồng, nóng tính, thiếu kiềm chế nhưng thừa tiểu xảo.

NGỦ KHÔNG NHẮM MẮT, CHOLO YỂU MỆNH NHƯ TRƯƠNG PHI?

Từ quê hương Argentina, Italia cho tới Tây Ban Nha, không một cậu học trò tiểu xảo, tinh quái hay láu cá nào có thể qua mắt Simeone. Thậm chí khi đi ngủ, xin phép được nói hơi quá, tới bọn ruồi muỗi cũng không thể... qua được mắt Cholo, bởi ông thầy của Atletico - giống như một chiến binh, không bao giờ nhắm mắt dù đã chìm vào cõi mộng.

Ngoài bà vợ cũ Carolina Baldini thì cô nàng Julieta Spina - người đẹp một thời của Simeone hiểu hơn ai hết đặc tính này của nhà cầm quân Argentina.  Trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Caras (Argentina) vào tháng 8/2011, chân dài bốc lửa 27 tuổi xứ Tango tiết lộ: “Quan hệ xong, Simeone lăn ra ngủ. Anh ngáy rất to và đôi khi còn nghiến răng ken két nhưng điều làm tôi ngạc nhiên và sợ là Simeone không nhắm mắt. Anh ấy ngủ với đôi mắt trợn trừng ghê rợn”. Trước đó, Javier Zanetti - đồng đội của Simeone ở Inter và ĐT Argentina cũng từng “nói xấu” về đặc điểm khá kỳ lạ ấy của Cholo với tờ Ole.

Theo y học hiện đại phương Tây, ngủ không nhắm mắt là một bệnh lý, là cái tật do nhiều nguyên nhân khác nhau, có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của con người. Nhưng theo nhân tướng học của người phương Đông thì... dị tướng ắt kỳ tài. Người Tàu gọi những anh có tật ngủ mở mắt trợn trừng là “nhãn khai miên”, có tướng con cá (Ngư hình), thoạt nhìn qua có vẻ ngu nhưng rất thông minh. Gặp những năm thuộc hành Thủy rất tốt, đắc thời sẽ lên như diều. Nhưng thật không may cho “nhãn khai miên”, bởi những anh có nhân tướng này thường là yểu mệnh.

Điển hình như Trương Phi. Viên tướng nổi tiếng của nhà Thục thời Tam Quốc ngủ không bao giờ nhắm mắt mà sức địch muôn người, “ở trong đám trăm vạn quân lấy đầu thượng tướng dễ như trở bàn tay”. Oai hùm lẫm liệt khiến Tào Tháo cũng phải sợ, ấy thế mà có ai ngờ Phi lại chết bởi một tên thợ may trong lúc... trợn trừng đôi mắt ngủ.  Tên thợ may đồ sát Trương Phi năm nào chắc hẳn cũng ngạc nhiên như cô nàng Julieta Spina lúc chứng kiến Simeone mắt trợn trừng nhưng ngáy vang như bễ lò rèn, như quên cả đất trời...

NGỒI THIỀN, SIMEONE “TU THÀNH CHÍNH QUẢ”

Diego Simeone theo Thiên Chúa giáo. Ông thầy của Atletico Madrid vẫn thường cùng các học trò cầu nguyện trong phòng thay đồ trước mỗi trận cầu quan trọng. Vào những dịp rảnh rỗi, Cholo vẫn tới nhà thờ như một con chiên ngoan đạo. Nhưng bên cạnh Đức Jesus Christ, trong tâm của Simeone còn có Đức Phật A-di-đà. Vậy có thể xem ông thầy của Atletico là một Phật tử?

Theo nguồn tin từ Vavel, ngoài nghiên cứu thuyết Âm dương Ngũ hành, Simeone từ lâu đã tập thiền theo trường phái thiền tuệ của đạo Phật. Mục đích thiền tuệ của Cholo là hướng tới cuộc sống hài hòa, giảm căng thẳng và áp lực từ sức ép thành công sân cỏ, cũng như hạn chế tính nóng nẩy, bốc đồng của mình.

Nhưng quan trọng hơn, việc tĩnh tâm của thiền tuệ hay còn gọi là chánh niệm giúp Simeone phát triển sức mạnh của tâm tĩnh lặng, nhằm đạt được lực tập trung mạnh mẽ của tâm để thực hiện những khả năng siêu phàm. Người ta cho rằng, cái “học thuyết Cholista” được Cholo “ngộ” ra từ những đêm tĩnh tâm thiền tuệ với những bài kinh Chánh niệm như “quán thân”, “quán pháp”, “quán thọ” và “quán tâm”.

Phật dạy, tĩnh tâm đọc các bài kinh trên 7 ngày cho tới 7 năm, sẽ được chứng một trong “thánh tứ quả” là Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và cao nhất là A La Hán. Simeone bắt đầu thiền và biết tới Phật từ khi giải nghệ để theo nghiệp cầm quân năm 2006, tính đến nay cũng đã qua 8 cái “xuân-hạ-thu-đông”. Vậy cứ theo lời Phật, ông thầy Atletico có thể đã là một A La Hán, có thể xem như một bậc thánh.

Đấy, trong con người Simeone, có sự ma mãnh của bố già Vito Corleone, cái thất phu của Trương Phi, lòng bác ái của Đức Chúa, sự giác ngộ của Đức Phật… thôi thì đủ cả. Nhưng liệu Simeone có… La Liga và Champions League?

Theo Bongdaplus.vn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X