Thứ Tư, 25/12/2024Mới nhất
Zalo

Cristiano Ronaldo: Kẻ cô đơn trong ảo vọng

Thứ Sáu 20/07/2012 17:40(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Lẽ đời, sự cô đơn đến với con người khi không có sự đoái hoài, sự quan tâm; và sự cô đơn cũng đến khi sự chú ý, sự ngợi ca vượt quá giới hạn bản chất của sự không còn cô đơn. Ta thường hay nghe “cô đơn trên đỉnh vinh quang”, còn đằng này, đó là “cô đơn trong sự ảo vọng”.

Các camera hướng về một Ronaldo đang ngửa mặt lên bầu trời trong tư thế hai tay chống hông với thân người gần như bất động, cái đầu anh lắc và đôi môi anh thầm thì. Các cầu thủ TBN đang gào lên trong vui sướng, cả khán đài vẫn vô cùng hoạt náo, mọi vật xung quanh đều rất động, nhưng Ronaldo lúc ấy trông thật cô đơn. Anh tĩnh như tờ với nỗi buồn của kẻ bại trận, anh chết lặng trước sự nghiệt ngã của chấm luân lưu, và anh ngao ngán trước một định mệnh không cho anh câu trả lời. “Tại sao...?” có lẽ là câu hỏi đại trà trong hoàn cảnh này với Ronaldo. Tại sao anh không được đá Penalty? Vì Bruno Alves đã không cho anh cơ hội được sút. Đến chấm luân lưu cũng phớt lờ Ronaldo thì đúng là anh cô đơn thật sự rồi.

Một ngày sau khi BĐN thất thủ trước TBN tại bán kết EURO 2012, hoạ sĩ chuyên vẽ tranh biếm hoạ nổi tiếng Omar Momani của Goal.com “tiếp tục” chọn Ronaldo là đối tượng miêu tả. Đây là bức thứ 5 của mùa EURO ông vẽ về Ronaldo, 3 trong số đó đều mang sắc thái bi quan với nụ cười châm biếm. Bức thứ 5 này và cũng là bức cuối cùng về Ronaldo (anh đã có thể cảm thấy thoải mái được rồi), thể hiện rõ hoàn toàn sự cô đơn của Ronaldo. Một Ronaldo với đôi chân dang rộng trong tư thế của một tay cowboy đang chờ đồng hồ điểm, thứ đối mặt với Ronaldo là quả bóng trên chấm vôi trắng, một khung thành không người bắt, một cầu trường vắng tanh, một ông trăng khuyết sáng cũng rất tỏ và một chiếc phi cơ quốc kỳ BĐN xuyên qua màn đêm bao trùm lúc bấy giờ. Cô đơn 100%! Chiếc kim đồng hồ điểm đối với chàng cowboy cũng sẽ như khoảnh khắc cho phép Ronaldo lao đi sút tung quả bóng trên chấm vôi trắng kia. Nhưng chiếc kim không bao giờ điểm và khoảnh khắc Ronaldo mong mỏi thì không bao giờ đến.

Biếm họa về C.Ronaldo trên tờ Goal
Biếm họa về C.Ronaldo trên tờ Goal

Bức biếm hoạ của Momani còn trở nên nổi tiếng hơn khi nhiều người ví von nó là một lời tiên tri đối với Ronaldo. Thực tế sau đó hoàn toàn cho phép sự ví von trên là có cơ sở khi Ronaldo bất ngờ bị “bỏ quên” tại sân bay khi tuyển BĐN xách va li về nước. Ronaldo bị bỏ lại một mình và “một mình” có nghĩa là sự cô đơn. Cô đơn trong tranh, và cô đơn cả trong thực tế, với Ronaldo chẳng khác nào là sự cô đơn toàn tập.

EURO 2012 là một cơ hội lớn để Ronaldo toả sáng, tiếp tục duy trì phong độ xuất sắc của mùa giải vừa khép lại trong màu áo Real Madrid và giành lợi thế mà Messi không thể có được trong cuộc đua cho danh hiệu QBV 2012. Ronaldo “may mắn” hơn Messi khi anh có thêm một giải đấu nữa để tích luỹ điểm trong mắt các chuyên gia, HLV, nhà báo thể thao,… Vì thế, khi đề cập đến EURO 2012 trong sự tương quan với Ronaldo và Messi, người ta sẽ ít, hoặc không đề cập đến ý nghĩa của danh hiệu vô địch trong cuộc tỷ thí giữa 2 cầu thủ này, bởi Messi vốn không thuộc về EURO. Thay vào đó, sẽ không có gì sai nếu người ta đặt câu hỏi liệu Ronaldo sẽ cho thấy một bộ mặt như thế nào tại giải đấu này? Xét ở khía cạnh danh hiệu QBV thì màn trình diễn cá nhân của Ronaldo quan trọng hơn danh hiệu vô địch của tập thể BĐN (trừ trường hợp màn trình diễn cá nhân ấy dẫn đến hệ quả là BĐN vô địch). Do đó, với nhiều người, EURO 2012 chính là sự kỳ vọng vào một “siêu nhân” Ronaldo có thể vượt qua được nỗi ám ảnh mang tên “đá Kryptonite” Messi.

Tuy nhiên, 2 trận đấu đầu tiên của BĐN tại EURO 2012 đã nhấn chìm sự kỳ vọng ấy. Một Ronaldo vô duyên đến nỗi Momani cho rằng anh cần phải học tập thêm ở Nicklas Bendtner. Ronaldo không thể hiện được gì nhiều và bởi vì anh là ngôi sao xuất sắc nhất tuyển, thế nên đó cũng là lúc những sự chỉ trích cần tìm cho nó một mục tiêu. Những căng thẳng và xung đột giữa Ronaldo với HLV Bento, giữa Ronaldo với chính người hâm mộ BĐN,… được làm luận chứ để báo chí định hướng người đọc đến một tương lai ảm đạm của Ronaldo và các đồng đội. Từ kỳ vọng, giờ là sự thất vọng.

Nhưng rồi, thời điểm cảm xúc với được cọc đến. Hai trận tiếp theo của BĐN chứng kiến một sự trở lại ngoạn mục của Ronaldo. Xoá đám mây mờ u ám của 2 trận trước đó, Ronaldo bừng lên toả sáng và góp công chính giúp BĐN giành quyền vào bán kết. Từ đáy vực, cảm xúc người hâm mộ trồi dậy một cách mạnh mẽ. Đó là quy luật cảm xúc tất yếu khi sự thiếu hụt bắt nguồn từ sự kỳ vọng quá nhiều được bù đắp. Một cú huých và giới truyền thông lại tiếp tục vào cuộc. Họ phũ ngay lớp mặt nạ của sự chỉ trích trước đó và thay bằng một bộ mặt đến ưa nhìn. “Màn trình diễn của Ronaldo tại kỳ Euro 2012 là rất xuất sắc”, báo chí tụng ca Ronaldo theo kiểu như thế, nhưng theo một cách vô tình hay hữu ý mà họ viết dư cụm từ “tại kỳ EURO”, trong khi EURO 2012 vẫn chưa khép lại và đâu có phải cả thảy 4 trận của BĐN anh đều thi đấu xuất sắc?... “Hãy trao QBV cho Ronaldo ngay”, những phát ngôn “dũng cảm” như thế không hề ít… “Cristiano với màn trình diễn xuất sắc như hiện tại ở kỳ Euro hoàn toàn xứng đáng giành QBV, Messi sẽ phải lãnh QBB”, Rio Ferdinand không phải là người duy nhất viết điều đó trên trang Twitter của mình… Ronaldo lúc bấy giờ không hề cô đơn? Bởi truyền thông đã làm rất tốt công việc của nó, giúp anh trở thành tâm điểm của sự chú ý?

Một trong những nguyên tắc của phân tích, trình diễn số liệu thông qua đồ thị là phải thể hiện giá trị trung bình. Màn trình diễn của Ronaldo tại kỳ EURO 2012 cũng như một đồ thị có dạng đường dốc lên, với đáy dốc là 2 trận đầu và đỉnh dốc là 3 trận còn lại (thực tế là chỉ 2 trận). Vậy là đã rõ đường trung bình dành cho Ronaldo sẽ là ra sao. Chỉ tiếc là ở trạng thái cảm tính lấn át lý tính, nhiều người đã cứ ngỡ đường trung bình ấy của Ronaldo “cao” như đỉnh dốc kia. Kỳ vọng, rồi thất vọng và sau là ảo vọng. Ronaldo bỗng chốc trở thành quả bong bóng được thổi phồng to nhất EURO 2012 ở giai đoạn ấy, trước thềm trận bán kết. Nhưng rồi người TBN trở thành “cây kim” đủ nhọn để làm vỡ tung quả bong bóng. Truyền thông thân Ronaldo vẽ nên cho anh một con đường, trên con đường ấy, chỉ mỗi Ronaldo bước đi; sự đề cao quá mức vô hình chung biến anh trở thành kẻ cô độc trên con đường ấy. Con đường được vẽ một cách thoả sức, thoả sức đến nỗi họ quên tìm cho nó một điểm dừng; đến rìa của tờ giấy mà con đường vẫn cứ muốn kéo dài nữa, đó cũng là lúc họ bỏ quên Ronaldo. Một sự chối từ từ giới truyền thông khi phát hiện ra sự quá trớn của chính mình, khước từ Ronaldo, không kéo anh trở về với đường trung bình của chính anh, còn ai cô đơn và tội nghiệp như Ronaldo?!

Một cách nhanh chóng và tức thời, truyền thông đổi chiều và hướng người đọc đến với những câu chuyện về Casillas, về Pirlo, về Iniesta,... những người mà vốn từng bị họ bỏ quên. Ronaldo không còn xuất hiện trong những câu chuyện của họ nữa, bởi BĐN của anh và bản thân anh đã thất bại. Thực tế, Euro 2012 đã chứng kiến một Ronaldo trưởng thành hơn rất nhiều trong màu áo tuyển quốc gia, anh đồng đội hơn và hy sinh hơn, đó có lẽ là cách nhìn nhận hợp tình và hợp lý nhất thay vì phải lao vào cuộc chiến ngôn từ của sự ngợi ca vượt mức dành cho số 7 của Real Madrid.

Tờ AS của Madrid vốn rất khéo léo trong việc tìm một đối trọng cho Messi trong cuộc đua cho danh hiệu QBV. Ngày trước, họ nhắc đến Ronaldo, ở giai đoạn anh thăng hoa nhất kỳ Euro; về sau, họ gạt anh qua một bên và cho đến giờ, họ tìm thấy một nhân vật khác để thay thế anh, Iker Casillas. Đó chỉ là một trong những ví dụ nhỏ về những gì đã và đang diễn ra. Từ kẻ được xem là đối thủ cạnh tranh số 1 với Messi, chỉ trong vài ngày, những thứ mà người ta còn nhắc đến Ronaldo chỉ là những ngày hè của anh cùng cô bạn gái Irina Shayk ở Thái Lan. Ít ra thì anh cũng đã tìm thấy sự khuây khoả trong nỗi cô đơn của mình.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X