Thứ Tư, 25/12/2024Mới nhất
Zalo

Chuyện “thầy Nhô”

Thứ Ba 25/12/2012 09:26(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Những khán giả yêu phim truyền hình Việt Nam hẳn sẽ không thể nào quên “Chuyện làng Nhô”, có tay thày giáo Trịnh Khả coi thường luật pháp, tự tạo ra những luật lệ riêng, muốn biến làng thành vương quốc của mình bằng những lý thuyết sai lệch, để rồi làng Nhô trở nên đại loạn. Bây giờ ở Madrid hình như đang có phần 2 của phim ấy, lần này mang tên “chuyện thày Nhô”, với Jose Mourinho đóng chính.

1. Jose Mourinho lúc đầu chỉ đấu tranh vì cái ông này cho là đúng. Việc một HLV không có được quyền tự quyết trong các mặt chuyên môn, chuyển nhượng đã luôn là vấn đề nhức nhối của mọi CLB có nhiều ngôi sao. Và với tính cách của mình, HLV người Bồ Đào Nha không chấp nhận điều đó.

Jose Mourinho
 

Nhưng trong một nỗ lực phản kháng quá đà, ông biến mình thành nhân vật chính của một bộ phim truyền hình như ở trên. Những thứ mà “thày Nhô” đề ra biến Bernabeu thành một nơi loạn lạc, phản bội lại những “hương ước” tốt đẹp của nơi này. Và quan trọng nhất, những hành động ấy lộ rõ là nó phục vụ cho bản thân Mourinho, chứ không còn vì cái chung nữa.

2. Đã 10 năm, kể từ trận chung kết Champions League với Bayer Leverkusen, cũng là lúc mà Iker Casillas chói sáng và trở thành thủ môn số 1 của Real Madrid, anh chưa bao giờ phải ngồi dự bị. Điều đó có 2 nguyên nhân. Đầu tiên, là lý do tinh thần. Casillas là một sản phẩm của Real Madrid, và sự xuất hiện của anh mang tính biểu tượng. Đặc biệt là sau khi Raul ra đi, thì việc Casillas đứng trong khung thành càng có nhiều ý nghĩa tinh thần hơn.

Thứ hai, quan trọng hơn, là lý do chuyên môn. 10 năm qua, Casillas chưa bao giờ rời khỏi tốp những thủ thành xuất sắc nhất thế giới. Anh là cầu thủ có phong độ ổn định nhất của Real. Chỉ riêng lý do này đã đủ để anh bắt chính.

Cùng một lúc, Mourinho mắc 2 sai lầm. Việc để Casillas dự bị là một sự xúc phạm mạnh mẽ với những người Real, vốn vẫn đang có cảm giác mình bị xúc phạm vì những pha chặt chém của Pepe và sự tiêu cực mà Mourinho tạo ra trong nhiều trận đấu. Yếu tố tinh thần bị tổn hại.

Sau đó, sự tồi tệ của người bắt thay, Adan, tố cáo rằng quyết định ấy không dựa trên chuyên môn. Nó là một quyết định phản logic, được đưa ra dựa trên cảm tính. Nó chỉ đơn giản là một tuyên ngôn quyền lực của “thày Nhô”.

3. Năm 1989, sau một vòng đấu của cúp châu Âu, chủ tịch của Real Madrid khi đó là Ramon Mendoza bước vào phòng thay đồ. HLV Leo Beenhakker vừa có một quyết định động trời là cho huyền thoại Emilio Butragueno ngồi dự bị. Mendoza hỏi Beenhakker: “Ông vừa làm gì thế?”. HLV trả lời: “Tôi xoay vòng lực lượng”. Vị chủ tịch thậm chí không buồn nghe câu trả lời: “Không, ông đang ngồi trên di sản của Real Madrid, đừng bao giờ làm thế một lần nữa”.

Leo Beenhakker ra đi vào cuối mùa giải, sau khi đoạt cú đúp La Liga, Cúp Nhà Vua và Siêu Cúp Tây Ban Nha. Kịch bản ấy đã được tái hiện trong trận đấu gặp Malaga. Ở một mức độ khác. Bởi Casillas bây giờ là sản phẩm duy nhất của lò đào tạo Castilla có mặt trong đội hình chính, là niềm tự hào tối thượng và duy nhất của Bernabeu.

Và Casillas chỉ là một giọt nước tràn ly, là ví dụ tiêu biểu cho việc “thày Nhô” đã từ lâu muốn biến Bernabeu thành “làng Nhô”. Luật lệ của Real Madrid không dễ bị phá bỏ. Bởi ở đây, người ta không đói khát thành tích như Chelsea hay Inter. Họ đã và sẽ đuổi nhiều HLV giành cúp ra đường, nếu ông không tôn trọng “hương ước làng”.

Có thể Mourinho chẳng sai khi muốn tập trung quyền lực. Có thể thôi. Nhưng ở Real, người ta không sống đơn giản như thế.

Đức Hoàng - Bongdaplus.vn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X