Fabregas, Rossi, Alexis, điểm chung giữa họ là gì: Tài năng, đắt giá, là những mục tiêu chuyển nhượng hàng đầu của Barca và đều rất khát khao được đặt chân đến Camp Nou.
Nhưng ngược lại, nếu hỏi đội hình hiện tại của Pep cần bổ sung vị trí nào để trở nên hoàn hảo: Câu trả lời là chẳng cần thêm ai cả. Chi viện chỉ là để phòng ai đó chấn thương hay quá tải, vậy thôi. Thế nên lần đầu tiên trong lịch sử, Barca là người đi “săn” và cũng là người chủ động ra giá, cái giá mà họ cho là hợp lý, và thêm điều nữa: Hợp tình, khi mà Barca đang thống trị châu Âu và là một đích đến mơ ước.
Hài hòa giữa kinh tế và thể thao
Sở hữu một thế hệ tài năng trưởng thành từ La Masia, Xavi, Messi, Iniesta hay Pedro còn có những lứa đàn em thực sự chất lượng ở tuyến trẻ để nếu muốn, họ cũng phần nào đáp ứng được nhu cầu tăng cường quân lực cho đội một mùa giải tới. Đó cũng là điều cho phép Barca cân nhắc kỹ lưỡng về bài toán cân đối thu chi. Barca qua một năm dưới thời Rosell đã giảm đi đáng kể các khoản nợ, một phần là nhờ việc ít vung tiền ra mua cầu thủ. Ngoài ra, hiện tại thì Barca đang làm chủ những danh hiệu danh giá và chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ ngừng việc chinh phục lại. Những yếu tố đó và cộng thêm các gương mặt kể trên cứ mở miệng ra là nói đến Barca đã tạo điều kiện thuận lợi cho Rosell và các đồng sự chẳng việc gì mà phải vội trong việc thương lượng, đã vội thì phải chi đậm, mà điều đó lại ảnh hưởng đến tình hình tài chính của CLB.
Alexis Sanchez đang ở rất gần với Barcelona?
Đơn cử như trường hợp của Cesc, được cho là mục tiêu số 1 của Barca mùa này và thực chất thì Barca cũng rất tích cực thúc đẩy vụ việc. Nhưng tích cực không đồng nghĩa với tăng giá, giá khởi điểm của Cesc mà Barca đề nghị là 30 triệu euro và đã vài ngày qua, chưa thấy họ đả động đến con số nào cao hơn thế. Nhận xét khách quan ra, khi Cesc đã nằng nặc không muốn cống hiến cho Arsenal nữa, Barca mới là bên ở thế dễ thở hơn để điều chỉnh giá cả. Cùng lắm thì mùa sau, thử xem ai là người mất kiên nhẫn trước, Cesc hay chính Arsenal. Tư tưởng từ thượng tầng của CLB: Chủ tịch Rosell, Phó Chủ tịch Josep Bartomeu hay Giám đốc kỹ thuật Zubizarreta đều thống nhất: Sẽ không ai về Barca dưới dạng “bằng mọi giá”.
Chiến lược thương lượng đa phương
Hôm thứ 4, Bartomeu đã trò chuyện với báo chí rằng CLB đang gặp gỡ Udiniese để bàn về tương lai Alexis. Ông bảo rằng Barca biết Alexis là một chân sút tài năng, nhiều CLB đang theo đuổi và Barca sẽ phải giữ liên lạc thường xuyên với Udinese và xem xét tình hình. Song song với việc này, Barca cũng đang đàm phán với Arsenal về việc đi hay ở của Fabregas. Vụ Rossi cũng đang tiến hành, có tin Barca chỉ đưa ra giá ban đầu cho tiền đạo này là 17 triệu euro, cách khá xa so với mức 29,5 triệu euro như Villarreal mong muốn. Nhìn tổng thể, do đang nắm những lợi thế nhất định như đã phân tích, Barca cứ dàn trải việc tuyển quân ra nhiều hướng, để các CLB sở hữu những cầu thủ Barca muốn mua thấy rằng Barca không phải cứ muốn “trúng thầu” bằng bất cứ giá nào và hễ không mua được người nọ, thì có người kia!
Tất nhiên là kế sách này cũng có mặt trái của nó, tức là Barca có khi chẳng mua được ai, nhưng một khi Barca đã chiếm được cảm tình lớn từ những cái tên họ đang muốn mang về Camp Nou, thì họ tận dụng ưu thế đó là phải. Việc ứng xử với những người đại diện của các ngôi sao cũng được thực thi nhất quán: Barca không chấp nhận kiểu mặc cả theo dạng đưa truyền thông vào cuộc nhằm thổi giá thân chủ lên, rồi kì kèo thêm cá điều khoản khác... Tức là nếu có sức ép từ sự can thiệp của bên không liên quan, Barca sẽ dẹp bỏ việc tiếp tục nói chuyện với người đại diện ấy ngay. Ví dụ như việc gia hạn hợp đồng với Alves, rút cục, hai bên đều thỏa mãn, số tiền lương yêu cầu tăng thêm từ Alves đã được Barca giải quyết bằng cách tìm nhà tài trợ từ Brazil, và việc này được thực thi mà theo Barca là không hề có áp lực từ truyền thông. Nói thế nào đi nữa thì giờ Barca đang là người chiến thắng và đang dựng xây triều đại của mình, vậy ai mà không muốn được góp mặt vinh danh ở đế chế Barca đó?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)