Thứ Bảy, 27/04/2024Mới nhất
Zalo

Cho những ai căm ghét Ronaldo

Thứ Hai 11/02/2013 20:27(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Những ai từng đọc Tsubasa, bộ truyện tranh Nhật Bản tạo cảm hứng cho những Zinedine Zidane, Alessandro Del Piero, Fernando Torres hay Francesco Totti... trở thành cầu thủ chắc không thể quên được cuộc so tài giữa hai đối thủ truyển kiếp Tsubasa và Kojiro.

Tsubasa là Messi, Kojiro là Ronaldo?

Tsubasa sinh ra trong một gia đình khá giả, bóng đá đơn giản là tình yêu và chơi bóng là để thỏa mãn đam mê, phong cách trên sân, đúng như cái tên của cậu: Tsubasa, nghĩa là “đôi cánh”. Kojiro thì khác, nhà nghèo nên chơi bóng để được nhận vào học miễn phí tại một trường có phong trào bóng đá mạnh và xa hơn nữa là giúp đỡ gia đình. Cả hai cân tài cân sức, nhưng người chiến thắng luôn là Tsubasa.

Ronaldo không biết đầu hàng
Ronaldo không biết đầu hàng

Có lẽ tác giả Yoichi Takahashi cũng không ngờ rằng sau này có một cặp cầu thủ ngoài đời lại có nhiều điểm tương đồng với hai nhân vật trong tác phẩm của mình đến vậy. Lionel Messi là hiện thân của Tsubasa, hoàn hảo từ kỹ năng cho đến tính cách, thân thiện, hòa đồng, khiêm tốn và được tất cả mọi người yêu quý. Cristiano Ronaldo cay cú ăn thua như Kojiro và cũng chẳng bao giờ thắng được đối thủ lớn nhất của mình.

Nếu khả năng của Messi bây giờ là 10 điểm, thì bẩm sinh anh đã có 8 điểm. Còn Ronaldo để có điểm 9.5 như hiện tại, anh đã xuất phát từ điểm 5 trung bình, như mọi cầu thủ chuyên nghiệp khác. Mỗi ngày chống đẩy ít nhất 3.000 lần, những bài tập “đứng lên ngồi xuống” dã chiến với một chiếc tạ trên vai, tập bất cứ lúc nào có thể, kể cả khi đang… nghỉ ngơi, người ta chỉ có thể tìm thấy Ronaldo trên sân hoặc trong phòng thể lực, và khi vẫn không tìm thấy, thì hóa ra Ronaldo đang ở trong phòng riêng, xem ti-vi và… tập cơ bụng.

Hãy nghe Gary Neville kể lại quá trình trưởng thành của Ronaldo: “Trở về từ World Cup 2006, tôi ngạc nhiên khi thấy cậu ấy trong phòng thay đồ. Khi đến với đội bóng, Ronaldo vẫn là một cậu bé gầy gò, mảnh mai; giờ thì vạm vỡ như một võ sĩ quyền anh hạng nhẹ”. Ở câu lạc bộ nào, Ronaldo vẫn luôn là người đến sân tập sớm nhất và về muộn nhất, dù anh đã trở thành cầu thủ số một thế giới hay chưa. Ngay chính Alex Ferguson, người hiểu rõ hơn ai hết giá trị của nỗ lực để thành công, từng khẳng định Ronaldo là người duy nhất mà ông từng chứng kiến luôn nỗ lực để vượt qua chính bản thân thân mình.

Tôi sống vì giá trị bản thân

Chẳng ai dám nói câu này trừ người phải có niềm tin tuyệt đối vào khả năng của mình. Khi còn ở Manchester United, Ronaldo đã bất chấp tất cả, tiếng cười chê trước mỗi động tác hỏng kèm theo cả sự thất vọng và sốt ruột của các đồng đội, thậm chí còn bị đội trưởng Neville hét vào mặt: “Cậu làm cái quái gì vậy, ở đây chúng tôi không làm như vậy”. Mặc! Ai thích nói gì thì nói, không suy suyển. Làm gì có ai mặt dầy như thế! Nhưng nếu biết ngượng thì có lẽ Ronaldo đã chẳng dám tiếp tục thể hiện cái tôi của mình trên sân nữa và không bao giờ sửa được nhược điểm cũng như hoàn thiện khả năng rồi trở thành một kẻ tầm thường như anh vẫn vậy.

Trong quan hệ với người bạn thân Wayne Rooney, Ronaldo không ngần ngại thúc trọng tài rút thẻ đỏ khi tiền đạo người Anh phạm lỗi với Ricardo Carvalho trong trận tứ kết Anh-Bồ Đào Nha ở World Cup 2006, nhưng khi quay trở lại câu lạc bộ, CR7 cũng sẵn sàng lao vào Carvalho như muốn ăn tươi nuốt sống hậu vệ Chelsea. Làm gì có ai vô tình thế! Nhưng cũng không ai chuyên nghiệp như vậy, đã vào sân là chỉ nghĩ tới thắng lợi cho đội nhà, và dù có bị khán giả Anh tẩy chay nhưng “nếu gặp phải tình huống như thế tôi vẫn sẽ làm như vậy” .

“Trong phòng thay đồ, trên sân tập, ở bất cứ đâu, Ronaldo không ngần ngại nói với các đồng đội rằng anh muốn trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, thậm chí vĩ đại nhất”, Rooney kể. Người ta đồn rằng trong hợp đồng của Ronaldo với Real có một điều khoản rằng anh luôn phải là cầu thủ nhận lương cao nhất thế giới, và khi không được như thế anh sẵn sàng đòi ra đi. Những người chỉ trích luôn nghĩ, cũng dễ hiểu, rằng Ronaldo đã có tất cả, đẹp trai, giàu có, nổi tiếng và có bao nhiêu kiều nữ vây quanh, anh còn muốn gì nữa?

Nhưng nghĩ như thế là không hiểu Ronaldo. Khi bạn sinh ra đã hơn người khác, bạn không phải làm gì nhiều, nhưng nếu kém hơn, thậm chí kém rất nhiều, không có khát khao bạn sẽ chẳng là gì cả. Ronaldo vẫn giàu có dù không trở thành cầu thủ số một thế giới và nếu yên phận là bản chất của anh thì giờ chẳng ai được chứng kiến cuộc ganh đua hiếm có trong lịch sử bóng đá giữa anh và Messi.

Tổng kết lại, những tính xấu của Ronaldo trong bóng đá không nhằm mục đích gì khác ngoài để hoàn thiện bản thân và để chiến thắng. Đó là những tính cách cần thiết để người ta đi đến thành công không chỉ trong bóng đá mà cả trong cuộc sống; đó như một lời chỉ dẫn cho những ai thua thiệt trong cuộc đời; như những phương pháp hiệu quả nhất để bù đắp lại sự thiếu hụt bẩm sinh dù có thể khiến ta trở nên đáng ghét. Khi yếu hơn, bạn không thể lấy kẻ sinh ra đã mạnh để làm gương, mà phải học theo người cũng yếu nhưng mạnh lên nhờ siêng năng rèn luyện. Ronaldo có thể vẫn kém Messi, nhưng anh đã vượt qua tất cả những cầu thủ trước đây tài năng hơn mình.

Cuộc đời là thế, không phải những ai tài năng nhất đều là những người giành chiến thắng. Barcelona mạnh nhất thế giới, nhưng sao ngay từ đầu người ta không trao luôn chức vô địch Champions League đi mà bắt chờ đợi lâu thế để mọi người cứ phải đoán già đoán non? Đấy là vì kẻ yếu vẫn luôn có cách vượt qua người mạnh hơn để giành vinh quang cuối cùng về cho mình, và đó cũng chính là vẻ đẹp của cuộc đời.

Người đoạt danh hiệu là người đã giành được chiến thắng chứ chưa chắc đã phải người tài nhất. Nhưng cũng đừng vì vậy mà căm ghét Messi. Anh có tự bỏ phiếu cho mình đâu; khiêm nhường, thân thiện không phải là tội và chỉ được lợi mà thôi. Còn những ai ngã lòng do nghĩ rằng Ronaldo đã hết cơ hội thì cũng đừng vội chán nản, vì con người này chẳng bao giờ biết đầu hàng, dù Messi có giành 10 Quả bóng Vàng đi chăng nữa…

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X