Đó là một cách nói cường điệu, nhưng xét trong bối cảnh hiện tại, thì lại rất hợp thời. Chỉ có hai HLV trên thế giới này không cần Thiago trong đội hình. Một là Tito Vilanova của Barca và hai là Vicente del Bosque của TBN.
Đây đang là một mùa hè đầy “nóng” của túc cầu giáo, với những rộn ràng quanh chuyện mua bán trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ. Vì đã quá nóng và đầy thị phi thế nên dẫu cái tên Thiago Alcantara có trở thành một món hàng “hot” cách mấy đi chăng nữa với những Manchester Utd, Bayern Munich,… thì điều đó cũng không làm cho Tito hay Del Bosque cảm thấy “nực”? Hoặc cũng có thể vì hai chiến lược gia người TBN này đủ “lạnh lùng” và lãnh đạm để không bị sốt sắng với Thiago? Nhưng không phải vậy, bởi trong tay hai con người này đã có hai con người khác. Hai tiền vệ thuộc hàng số 1 thế giới: Xavi Hernandez và Andres Iniesta. Và vì thế, họ phớt lờ đi Thiago, hoặc họ buộc phải như thế vì không muốn mạo hiểm.
Thiago tỏa sáng tại Euro U21 vừa qua |
Và khi nói đến mạo hiểm, Thiago là một trong những cầu thủ mang trong mình thứ DNA ấy. Thiago sinh ra tại Bari (Italia, 1991), có cha là người Brazil và mẹ là người TBN. Khi lớn lên, anh chọn trở thành cầu thủ của TBN, trong khi người em ruột là Rafinha (thuộc Barca B) chọn tuyển Brazil. Có lẽ Thiago có thứ gene trội của người Brazil hơn là TBN. Anh ưa phiêu lưu, thích mạo hiểm, ngẫu hứng tự bẩm sinh dù trong những hoàn cảnh đầy áp lực. Thiago thích đóng góp, nhưng theo cách của riêng mình và muốn là thủ lĩnh, làm nhân vật chính trong mỗi trận cầu. Nói ngắn gọn, Thiago không phải là một cầu thủ ham hy sinh vì đồng đội, hay có thiên hướng làm nền như Xavi, Iniesta, anh sinh ra để làm một đấu thủ.
Không ai tự tin vào bản thân Thiago hơn chính anh. Khi Barca đang bị Bayern dẫn 3-0 và chắc chắn phải lãnh thất bại não nề ngay trên sân nhà Camp Nou ở bán kết Champions League mùa giải vừa qua, Thiago vẫn còn đủ bản lĩnh để thực hiện pha xoay bóng roulette kiểu Zidane trước vòng vây đối thủ. Không bàn về sự hiệu quả hay kết quả, đó chí ít là những gì người ta trông đợi ở Barca: tinh thần thi đấu. Sau chiến thắng 4-2 của U21 TBN trước U21 Italia trong trận chung kết Euro U21 mới đây, trung vệ Rio Ferdinand của M.U miêu tả về cầu thủ xuất sắc nhất trận và cũng là chủ nhân của cú hat-trick (một đánh đầu, một chân trái, một chân phải) rằng: “Thiago muốn có bóng cả trong tình thế bị vây ép, cậu ấy muốn quả bóng ở bất kỳ đâu trên sân. Chúng ta cần sản sinh ra những cầu thủ với tâm lý chiến như Thiago.”Những dẫn chứng ấy chính là đặc điểm của một Thiago ưa mạo hiểm.
Nhưng Tito và Del Bosque sẽ phản bác ngay ý kiến của Ferdinand mà thôi. Với họ, một đội bóng là sự phân bậc rõ ràng, là một mô hình khép kín với bài bản và đảm bảo trở thành tiêu chí. Và vì tiqui-taca là một công thức, nên nó ít có chỗ cho tùy cơ ứng biến, rõ ràng nhất là ngay tại Barca. Sút xa hay tạt cánh đánh đầu sẽ dễ dàng bị quy thành “cầu may” (Xavi từng nói thế với tờ Guardian cách đây hơn 2 năm). Khoa học thuần khiết phải là tạo ra cơ hội rõ rệt gần 100%, nếu nói theo cách trên 50% thì chưa phải. Sự bài bản cũng có nghĩa là các đối thủ dễ dàng đoán bắt được đội hình ra sân của Barca hay TBN. Tito và Del Bosque luôn “tủ” sẵn 11 cầu thủ ưa thích của họ. Bài bản sẽ tạo nên đảm bảo, về lối chơi lẫn kết quả.
Khi đó, một cầu thủ như Thiago, một chú chim ưa khám phá, thích bay lượn biểu diễn, thích làm nghệ thuật hơn làm khoa học, sẽ bị đánh giá là làm rối đội hình bay, làm phá vỡ kết cấu bền vững của cả đoàn. Thế nên, dù không ít đồng đội và những bậc tiền bối khẳng định “Thiago là hiện tại và tương lai của Barca” thì trớ trêu thay anh lại không thể ra sân đủ 60% số trận ở mùa giải 2012/13 tại Barca, và giờ đây anh trở thành “món hời” trên thị trường chuyển nhượng với cái giá giải phóng hợp đồng chỉ 18 triệu euro.
Chỉ cần gật đầu với Manchester hay Bayern, Thiago sẽ được đảm bảo để bay nhảy thỏa thích, để được ra sân nhiều hơn, để chính là anh như tại giải đấu Euro U21 2013. Ở lại Barca, không ai dám hứa với Thiago rằng anh sẽ không còn khuất dưới cái bóng của Xavi hay Iniesta. Mọi người khuyên Thiago cần bình tĩnh và kiên trì, đừng nóng vội để rồi lỡ bước, nhưng không ai tin tưởng anh hoàn toàn, trừ chính anh. Chẳng phải vì thiếu niềm tin vào Thiago mà Barca mới thòng cái điều khoản đáng ghét “thi đấu không đủ 60% số trận đấu thì mức giá giải phóng hợp đồng tụt từ 90 triệu euro xuống còn 18 triệu euro” đấy sao?! Mất đi Thiago với cái giá rẻ bèo ấy sẽ là sự thất bại của Barca, của cả một cơ chế quản lý, của niềm tự hào La Masia.
Thiago mong muốn được ở lại Barca, nơi anh gắn bó và trưởng thành từ năm 14 tuổi. Nhưng khi anh nhìn vào những Mata, Cazorla hay Torres, tại Premier League, cùng giấc mơ cháy bỏng được thi đấu ở World Cup 2014 trong màu áo tuyển TBN, anh buộc phải lựa chọn. Thiago có tài năng và anh muốn được chú ý. Thiago là nhà ảo thuật trong tác phẩm điện ảnh “The Prestige” của Christopher Nolan: anh muốn có thanh thế trên sân khấu trước các khán giả, chứ không phải được vỗ tay và cúi chào họ trong cánh gà.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)