Thứ Tư, 25/12/2024Mới nhất
Zalo

Barcelona trở thành nô lệ của lối đá tiqui-taka: Khi Vua Midas xuất hiện ở kỷ hiện đại

Thứ Ba 10/09/2013 19:32(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
(Bongda24h) - Nhiều người cứ nghĩ rằng Pep Guardiola đã phát triển thành công tiqui-taka đến mức rực rỡ từ ý tưởng của Frank Rijkaard, rằng Barcelona là những nhà sáng lập của bóng đá chuyền ngắn, kĩ thuật, không cần quá nhiều thể hình. Điều đó có thể đúng cách đây 2 năm. Sau khi tiqui-taka mang lại cho Barca vô số thành công, đội bóng xứ Catalan ngày càng phụ thuộc và trở thành nô lệ của lối đá này, một điều vô cùng nguy hiểm cho họ trong tương lai.

Messi, Xavi và Iniesta, bộ ba ngôi sao do Barcelona tự đào tạo
Barcelona - Vua Midas của kỉ hiện đại

Đầu tiên, cần phải định nghĩa thế nào là một ông chủ và thế nào là một nô lệ. Ông chủ có quyền sai bảo nô lệ, bắt nô lệ phục dịch, làm những thứ có lý hoặc vô lý để phục vụ lợi ích của bản thân. Nô lệ là người được ông chủ ban phát lợi lộc sau khi tận tâm, dốc sức làm việc. Điều này rất rõ ràng. Những năm 2010 (chỉ khoảng 3 năm trước), khi Barcelona thiên biến vạn hóa khôn lường để từ lối đá tiqui-taka trở thành những ông vua của thế giới, họ là ông chủ của lối đá đầy màu sắc này. Thế nhưng kể từ khi xem các trận đấu của Barca bắt đầu thấy "thiếu muối", đơn điệu, nhàm chán và buồn ngủ bởi họ chỉ biết chuyền qua chuyền lại, là lúc ấy họ bắt đầu làm mọi thứ để phục vụ tiqui-taka. Từ lúc ấy, họ đã là nô lệ của tiqui-taka.

Bằng chứng cho điều đó là sự tụt dốc thê thảm của Barcelona trong năm vừa qua. Những tàn dư còn sót lại của một thời hoàng kim đứng trên đỉnh thế giới đương nhiên vẫn hoàn toàn đủ sức giúp cho Barca đánh bại các đội bóng nhỏ để lên ngôi tại La Liga, giải đấu mà Real không quá đặt nặng trong bối cảnh Kền kền trắng là đối trọng duy nhất của Los Blaugrana tại đấu trường trong nước, sau khi đã lên ngôi tại mùa trước và chú trọng Champions League hơn. Tại một giải đấu danh giá mà các đối thủ thực sự mạnh và đã bắt bài được lối chơi của Barca, họ đã phơi bày ra những kết quả rất tồi của mình nếu so với tầm vóc mà giới mộ điệu khoác vào cơ thể của đội bóng xứ Catalan: loại đội bóng nhà giàu PSG bằng... bàn thắng trên sân khách (PSG là tập thể của nhiều cá nhân xuất chúng nhưng chưa thi đấu với nhau được bao lâu), trước khi thắng ngược Milan 4-0 ở trận lượt về nhờ ... một mình Messi thì thua 2 bàn trắng đầy xấu hổ. Đỉnh điểm, đương nhiên là trận phơi áo vỡ mặt trước Bayern. Barca thua 0-7, và người ta giật mình nhận ra họ không còn là chúa tể tiqui-taka cách đây vài năm.

Lí do giải thích cho điều này có thể tóm gọn bằng một câu truyện ngụ ngôn. Khi vua Midas chạm tay vào bất cứ thứ đồ gì thì nó sẽ trở thành vàng, và ông trở thành nô lệ của nó. Đến khi thất bại và... chết đói, ông mới nhận ra rằng những vinh hoa phú quý mà bàn tay mình mang lại đã làm mình mê muội đầu óc. Càng ngày, ông càng tham lam, thèm vơ vét mà không nghĩ đến những thứ cơ bản nhất như đồ ăn, thức uống. Trường hợp của Barcelona, nói chung là... chẳng có gì khác. Nhờ vào tiqui-taka, họ lên ngôi tại La Liga, thống trị châu Âu, làm cả thế giới kiêng nể, kính sợ. Từ đó, họ nghĩ tiqui-taka là chìa khóa duy nhất để đi tới thành công. Guardiola rời ghế, Vilanova lên, ông làm mọi cách để Barca tiếp tục đá tiqui-taka, mà quên mất rằng chính Barca đã tạo nên tiqui-taka và khi thời điểm đến, họ cần vứt bỏ nó. Hãy nhớ lại xem, trước đây khi còn là ông chủ của tiqui-taka, Barca đã vô địch theo cách nào: đành rằng họ đá chuyền ban ngắn, nhưng Iniesta vẫn đốt lưới Chelsea vào những phút cuối cùng của một trận bán kết để cứu cả đội, rồi sau đó, Messi bằng một cú đánh đầu không phải sở trường sau đường chuyền của Xavi để chiến thắng cả Manchester United. Thời kì hoàng kim của Barca vẫn chứng kiến những giây phút lên ngôi của bóng đá tạt cánh đánh đầu hay sút xa rất truyền thống. Đến khi họ trở thành nô lệ của tiqui-taka, những pha bóng như thế không còn. Vilanova quên mất điều vô cùng cơ bản của bóng đá, đó là tính bất ngờ, giống như Midas quên mất mình còn cần đồ ăn thức uống. 

Vào trận, ai chẳng biết là Barca sẽ chuyền, chuyền, chuyền, Messi rê vài nhịp rồi sút! Các đội bóng nhỏ thì không đỡ nổi, còn những Bayern, Real hay PSG "đỡ ngon ơ". Để bị lệ thuộc vào lối chơi đã trở thành bản sắc không phải là điều hay ho gì, và đây chính là con đường mà các đế chế khác đã đi vào để rồi lịm tắt, là lí do khiến cho nhiều đội bóng suy tàn. Một khi tính bất ngờ không còn, Messi lười nhảy lên đánh đầu, Iniesta ngại đột phá, Xavi không thích sút xa, Barca đi xuống là tất lẽ dĩ ngẫu. Điều đáng mừng cho Barca là cái tên vô danh trước khi cập bến Nou Camp Tata Martino đã thấy điều đó, mà biểu hiện đầu tiên là "bắt" Iniesta sút xa, thế nhưng lại có một quyết định sai lầm là để Villa tới Atletico Madrid, dẫn tới việc không còn một ai đủ sức đá cắm, một tiền đạo chuyên dứt điểm mà một đội bóng ắt phải cần khi hoàn cảnh ép buộc, như Benzema ở Real, Mandzukic ở Bayern hay Negredo ở Man City. Không thể mãi đá số 9 ảo, chuyền qua chuyền lại mà thành công cứ nối tiếp thành công được.

Muốn thành công, phải thay đổi. Muốn sắc bén, phải mài giũa hàng ngày. Không thể nào hoài cổ mãi rồi chờ thành công đến, suy cho cùng cách ấy chỉ là dã tràng se cát Biển Đông. Ở một nơi khác, Pep Guardiola đang từng bước tự chứng minh mình là nô lệ của tiqui-taka bằng cách ép buộc Bayern đá chuyền ngắn, để rồi họ vẫn thắng nhờ tạt cánh đánh đầu hoặc sút xa. Mỗi đội bóng có một bản sắc, và bản sắc đó cần được liên tục chuyển biến, thay đổi. Barca vẫn có thể đá chuyền ngắn, nhưng hãy để cho Messi tiếp tục nhảy lên đánh đầu trong ánh mắt vô vọng của Rio Ferdinand và Edwin van der Sar như ngày nào.
  • Thành Nguyễn - Bongda24h.vn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X