Barcelona thực ra là đội bóng như thế nào khi Gerardo Martino cầm quân? Họ khởi đầu mùa giải với 11 trận, thắng 10, hòa 1 giống như mùa trước nhưng khác biệt đến từ cách phòng ngự.
Siêu phản công với Fabregas
Nhìn bề ngoài thì đúng là họ đá tiki-taka. Nhưng cách mà họ thắng thì lại không phải bằng tiki-taka. Những người Catalunya đã chiến thắng 2 trận liên tiếp bằng lối chơi phòng ngự toàn sân và phản công chớp nhoáng. Sau khi Barca thắng trận “El Clasico” nhờ vào 2 bàn thắng từ các tình huống chuyển giao có góp mặt Neymar, họ nối tiếp với 2 trong 3 bàn thắng vào lưới Celta Vigo đến từ phản công nhanh và đều có mặt Cesc Fabregas.
Celta Vigo là một mối đe dọa không chỉ vì họ vừa thắng ấn tượng trước Malaga mà còn bởi hàng thủ của Barca từ đầu mùa chưa có vẻ gì là quá an toàn. Thế nhưng thầy trò Luis Enrique đã không ghi được một bàn thắng nào, và lý do đến từ thế trận chuyển giao công - thủ mà Barca áp đặt.
Tình huống Alexis Sanchez mở tỷ số là một ví dụ. Cesc Fabregas tranh chấp bóng sâu bên phần sân đội chủ nhà và cắt được đường chuyền của Cabral trước khi mớm thẳng cho Pedro, người chọc khe luôn để Fabregas chạy vọt qua khe hở giữa Cabral và Mallo. Yoel đỡ được cú sút của Fabregas nhưng Sanchez đã có mặt để đá bồi.
Bàn thắng thứ 3 cũng là một pha phản công khác. Messi đoạt bóng ngay bên phần sân đội bạn rồi xộc thẳng vào trung lộ để kéo hết hậu vệ Celta ra đối phó trước khi mớm sang trái cho Fabregas băng vào dứt điểm.
Ngoài ra còn có những tình huống phản công đáng kể khác, như ở phút 74 khi lại là Messi cắt bóng bên phần sân Celta và đưa bóng sang trái để Pedro sút đập xà, hay một tình huống ở phút 81 khi một lần nữa Messi cắt bóng nhưng tự đột phá thay vì chuyền cho Pedro đang chạy chỗ rất thoáng.
Trở lại với tư tưởng của Guardiola
Chiến thắng này cùng với trận thắng Real Madrid đã diễn tả một cách đá mới của Barcelona. Họ trở lại với cách phòng ngự toàn sân mà Pep Guardiola đã từng sử dụng, nhưng thay vì dâng lên thật cao để tranh chấp, HLV Martino yêu cầu các cầu thủ tấn công di chuyển ở lưng chừng giữa sân và tìm cách che góc chuyền của cầu thủ Celta.
Cách đá này không quá tốn sức, các cầu thủ tấn công không cần phải lao tới đối phương để cướp bóng mà chỉ cần đứng che không gian giữa các cầu thủ Celta và chờ họ chuyền. Để tránh mất bóng, Celta buộc phải lên bóng chậm mà chắc, gián tiếp giúp hàng thủ Barca có thì giờ chuẩn bị để ngăn chặn một đợt tấn công. Khi có cơ hội cắt bóng, lập tức những ngôi sao tấn công bên phía đội khách bung sức để đánh vào cầu môn, và họ có rất nhiều khoảng trống để thực hiện bất kỳ ý tưởng nào.
Cũng trong trận đấu này, lần đầu tiên Martino dùng cả Song và Busquets, đưa Xavi và Iniesta ra ngoài. Hàng tiền vệ 3 người (Fabregas - Song - Busquets) tạo ra một lớp phòng ngự thứ hai sau 3 cầu thủ hàng công. Celta mất rất nhiều thời gian lẫn sức lực để đưa được bóng vào gần cầu môn vì họ vừa phải tránh ý đồ cắt bóng của các cầu thủ tấn công đối phương và lại phải vừa vượt qua những cầu thủ chơi thể lực như Song và Busquets, và tiếp đến thì bộ tứ vệ Barca đón họ.
Chưa hết, Busquets và Song có mặt trong khi Iniesta và Xavi không xuất phát cũng đồng nghĩa với việc Barca hạn chế số người tham gia vào mỗi đợt tấn công để chúng diễn ra nhanh, đơn giản và hiệu quả hơn. Bàn thắng phút thứ 9 có 3 người tham gia (Pedro, Fabregas, Sanchez), bàn thắng phút 54 thì có 2 người (Messi, Fabregas) trong khi bàn thắng phút 48 nhiều hơn, 4 người (Alves, Song, Fabregas, Messi).
So với Barca của Tito, Barca của Tata phòng thủ với quân số đông hơn, tấn công với ít người hơn và hiệu quả cũng lớn hơn.
Theo Thể Thao Văn Hoá