Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Barcelona: Nguồn sống từ bóng chết

Thứ Tư 08/10/2008 14:28(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Nếu được hỏi về sự khác biệt rõ nét nhất mà HLV Guardiola đem lại cho Barcelona thời kì hậu Rijkaard, chắc hẳn NHM của xứ Catalan sẽ nói ngay đến một Barca "tinh nhuệ" trong các tình huống bóng chết.


3 bàn tại La Liga, cộng thêm 1 bàn tại Champions League, đó đều là những pha chọc thủng lưới đối phương từ các tình huống bóng chết (không tính penalty). Có lẽ giờ đây các đối thủ của đoàn quân Pep Guardiola sẽ phải cảm thấy run sợ khi hứng chịu những đường phạt góc hay đá phạt trực tiếp dành cho Blaugrana. 4 pha chuyển hóa bóng chết thành bàn của các Cules lúc này, chỉ qua 6 trận tại giải đấu quốc nội và 2 trận tại Champions League, đã gấp đôi so với những gì Barcelona triều đại Frank Rijkaard làm được ở mùa giải trước. Khi ấy, đội chủ sân NouCamp chỉ ghi được vỏn vẹn 2 bàn từ các chấm đá phạt trong suốt cả mùa giải.

Marquez (4) rất nguy hiểm với những pha lên tham gia đá phạt góc

Rõ ràng Guardiola đã nhận ra căn bệnh "nan y" kéo dài từ mùa giải trước của Barcelona để đưa ra phương thuốc điều trị hiệu quả nhất, đó chính là khả năng tận dụng yếu kém các pha bóng chết, đặc biệt là phạt góc. Ở thời kì đỉnh cao, Ronaldinho rất nguy hiểm với những pha sút phạt hàng rào nhưng trong mùa giải năm ngoái anh "im bặt" hoàn toàn. Và bây giờ, khi các chuyên gia đá phạt như Deco, Ronnie rời xa Nou Camp, Barca càng khó khăn hơn trong việc ghi bàn từ các pha bóng chết. Henry khi còn khoác áo Arsenal là một cầu thủ rất hay ghi bàn từ các pha sút phạt nhưng lúc này phong độ của anh không còn được như trước. Điều đó lý giải tại sao một hậu vệ như Dani Alves lại là người thực hiện nhiều nhất các pha sút phạt hàng rào cho Barca.

Hiện tại hàng công của Barcelona không phải những người có duyên với các pha làm bàn bằng đầu. "Chú lùn" Messi hay “Titi” Henry chưa bao giờ được đánh giá cao ở khả năng không chiến, trong khi "Báo đen" Eto'o chỉ giỏi đột phá và tung ra các cú nã đại bác sấm sét bằng chân thay vì dùng đầu. Ngay cả Gudjohnsen, "người băng" đến từ Bắc Âu, nơi nổi tiếng với những cầu thủ to lớn và thích ghi bàn bằng đầu, cũng chỉ có thói quen chọc thủng lưới đối phương bằng chân. Nhưng không phải lẽ đó mà Barca bớt đi độ nguy hiểm ở những pha đá phạt góc, khi mà trong đội hình của họ có rất nhiều trung vệ có thể hình và khả năng không chiến lý tưởng như Marquez, Puyol hay Pique. Thêm vào đó là tài chuyền bóng như đặt của "Vua kiến tạo" Xavi. Đó là những nhân tố có thể mang lại nét đột biến cho Barca mỗi lần họ lâm vào thế bế tắc.


Messi ăn mừng bàn thắng “chộp giật“ trong trận gặp Atletico

Trong một vài trận đấu đầu tiên của mùa giải, khả năng phối hợp từ các tình huống bóng chết của Barca là rất kém, đặc biệt là ở phần sân nhà. Thật ngạc nhiên khi các trung vệ sáng giá như Pique, Puyol, Marquez và sau này là Caceres lại thường xuyên nhận phần thua thiệt trong các pha chống phạt góc. Nhưng sau một thời gian "đóng cửa luyện công", hàng thủ của Barca lúc này đã không còn sợ hãi những pha bóng tương tự mà họ đã từng để thua trước Numancia hay Racing nữa.


Không chỉ tham gia tốt vào việc "phá" bóng chết của đối phương, các trung vệ của Barca còn kiếm thêm "nguồn sống" cho các Cules từ những tình huống lên tham gia tấn công khi đội nhà được hưởng phạt góc. Một kịch bản khá cũ đang được Barca lặp đi lặp lại, đó là Xavi câu bóng vào trong vòng cấm, đúng đà bật nhảy của Marquez hay Puyol, và tiếp theo đó sẽ là cú lắc đầu mạnh như búa bổ. Đó chính xác là những gì đã đem lại cho Marquez hai bàn thắng giống hệt nhau trong hai trận đấu gặp Atletico (vòng 6 La Liga) và Sporting Lisbon (vòng đấu bảng thứ nhất Champions League).

Puyol cũng suýt chút nữa có được hai pha ghi bàn tương tự người đá cặp nếu anh may mắn hơn một chút, đó đều là những pha bóng diễn ra trong trận thắng Sporting Gijon 6-1 ở vòng 3 La Liga. Ở tình huống thứ nhất, Puyol đánh đầu hóc hiểm đưa bóng bay từ từ đến trước vạch vôi cầu môn trước khi Eto’o dễ dàng tiếp bóng và ghi bàn. Nhưng với quỹ đạo bay khi ấy của trái bóng, nếu tiền đạo người Cameroon không chạm chân thì bóng cũng sẽ đi vào lưới. Còn ở tình huống thứ hai, Eto'o được thay thế bởi một hậu vệ đối phương.

Marquez và bàn thắng trong trận gặp Lisbon

Bàn thắng xuất phát từ chấm đá phạt còn lại của Barcelona là kết quả của pha bóng "chộp giật" mà Messi đã ma mãnh ghi vào lưới Atletico, trong một lần hiếm hoi anh được trao trọng trách đá phạt trực tiếp. Thông thường Dani Alves mới là ưu tiên số 1 trong những tình huống Barca được hưởng quả đá phạt trước vòng cấm. Với khả năng kỹ thuật vượt trội cùng với việc sở hữu những cú sút sấm sét, các đường đá phạt của Alves luôn luôn biến hóa khôn lường. Anh đã từng đưa bóng dội xà ngang khung thành Betis trong một tình huống như thế.

 

Với những ngôi sao hiện tại trong đội hình như Marquez, Puyol, Pique hay Xavi, Messi và Alves, Barcelona có đủ tự tin để bước lên và nhấn chìm đối thủ, đưa cái chết đến khung thành đối phương từ chính những đường bóng chết như thế.

 

  • Ngô Thắng
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Lịch thi đấu căng như dây đàn, liệu Real có thể tiếp tục nói hai từ "hài lòng"?

Lịch thi đấu căng như dây đàn, liệu Real có thể tiếp tục nói hai từ hài lòng?

Lịch thi đấu căng như dây đàn, liệu Real có thể tiếp tục nói hai từ "hài lòng"?

Trong những mùa giải gần đây, chúng ta luôn thấy một khả năng xoay sở rất tốt của HLV Carlo Ancelotti với những gì Real Madrid có trong tay. Nhưng ở mùa này, khi cơn bão chấn thương lũ lượt kéo tới, liệu chiến lược gia người Italia có thể tiếp tục nói chúng tôi hài lòng với đội hình hiện tại?

Video

Xem thêm
top-arrow
X