Sức nóng cùng ngọn lửa đầy thù hận của El Clasico từ xứ Catalan đã lan tới tận dải Gaza, khi BLĐ Barcelona mời cựu chiến binh Israel, Gilad Shalit tới Nou Camp trong vai trò khách mời danh dự khiến thế giới Hồi giáo nổi giận. Cơ quan đặc vụ Mossad (Israel) cảnh báo, phong trào Hamas hoàn toàn có thể biến Nou Camp thành "chảo lửa" theo đúng nghĩa đen của từ này...
TỪ NGỤC TÙ TỚI NOU CAMP
Ốm yếu, còm nhom và không thành tích trong chiến đấu, nhưng Gilad Shalit được người Israel cũng như phương Tây "ngợi ca" như một chiến binh huyền thoại trong cuộc xung đột chưa biết bao giờ mới tới hồi kết ở Trung Đông giữa Israel và Palestine ở dải Gaza.
Gilad Shalit sinh năm 1986 ở Nahariya, Israel. Thời niên thiếu, cậu bé Shalit đã hâm mộ Barca và nuôi giấc mơ trở thành cầu thủ. Theo nguồn tin từ báo chí Israel, năm 1995, Shalit được gia đình đưa đến trung tâm đào tạo trẻ của CLB nổi tiếng Israel, Hapoel Tel Aviv, nhưng chỉ vài tháng thì cậu bé đến từ Nahariya bị trung tâm Hapoel từ chối vì thể lực ốm yếu và không có khả năng phát triển.
Gilad Shalit sẽ dự khán trận El Clasico...
Thể lực không tốt, nhưng như thừa nhận của Shalit, anh rất gan dạ và lỳ đòn, nên vào tháng 7/2005, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Shalit gia nhập quân đội Israel và chiến đấu trong đơn vị tăng thiết giáp cùng người anh trai Yoel.
Rồi ngày 25/6/2006, trung sĩ Shalit bị quân đội của Phong trào Kháng chiến Hồi giáo Hamas bắt làm con tin trong một trận chiến ở Kerem Shalom. Từ đó, chàng trung sĩ trẻ mang 2 quốc tịch Israel và Pháp (bà nội là người Pháp) trở thành tâm điểm trên cả chiến trường lẫn bàn đàm phán giữa Israel và Hamas.
Israel, Pháp, Liên minh châu Âu và cả G8 liên tục gửi yêu cầu Hamas phải trả tự do cho Shalit. Bên kia chiến tuyến, Hamas tuyên bố viên trung sĩ Israel sẽ phải nằm trong ngục tù bí mật ở dải Gaza, chừng nào những "chiến binh tử vì đạo" người Palestine vẫn còn bị giam giữ trong các nhà tù ở Israel.
Rốt cuộc, tới ngày 10/11/2011, Israel và Hamas mới tìm được tiếng nói chung trên bàn đàm phán. Theo đó, Shalit được tự do sau hơn 5 năm tù tội. Đổi lại, Tel Aviv phải trao trả 1.027 tù nhân người Palestine có liên quan đến phong trào Hamas.
Và ngày 7/10 tới, tức đúng 1 năm sau ngày được phóng thích ra khỏi giải Gaza, cựu chiến binh Gilad Shalit sẽ có mặt tại Nou Camp để dự khán trận El Clasico giữa Barcelona và Real Madrid với tư cách khách mời danh dự của PCT Barcelona, ông Carles Vilarrubi.
LỜI KHẨN CẦU CỦA CÁC CULE NGƯỜI PALESTINE
Ngoài những lý do mang tính truyền thông tuyên truyền, Shalit xứng đáng được thưởng thức trận El Clasico theo lời ông Carles Vilarrubi, bởi trong cuộc trò chuyện trên đài truyền hình Israel sau ngày được tự do, Shalit cho biết, trong ngục tù anh vẫn thường xuyên nghe tin tức về bóng đá và đặc biệt là thông tin về đội bóng yêu thích Barca.
CLB này chính là động lực để anh hy vọng trong những ngày tháng ở chốn lao tù. Shalit tự nhủ rằng: "Tôi không thể chết ở trong tù, khi chưa một lần được dự khán El Clasico ở Nou Camp". Sau ngày tự do, Shalit giã từ vũ khí để cầm bút viết cho chuyên mục thể thao của tờ Hebrew Daily Yedioth Ahronoth. Dĩ nhiên, Barca luôn là đề tài yêu thích của Gilad Shalit.
Nhưng với những "chiến binh tử vì đạo" của phong trào Hamas ở bên kia chiến tuyến, Gilad Shalit là hiện thân của xung đột, khiến Nhà nước Palestine vẫn chưa thể ra đời như mong muốn của Liên Hiệp Quốc từ năm 1948.
Vậy nên, việc Barca mời cựu chiến binh này tới Nou Camp trong đêm El Clasico đã khiến Hamas và người Palestine nổi giận. Trên trang tin điện tử Intifada của người Palestine, 650 cule người Palestine đã cùng ký một bản kiến nghị gửi cho Chủ tịch Barca, ông Sandro Rosell với nội dung: "Thưa ngài Rosell! Chúng tôi hiểu việc mời Gilad Shalit là một thiện chí của CLB dành cho một cule đã phải chịu đựng 5 năm giam cầm ở Gaza.
Nhưng mong ngài hiểu cho rằng, Shalit không phải là công dân Israel đơn thuần. Anh ta là một trung sĩ thuộc lực lượng quốc phòng Israel, một đội quân kể từ năm 1967 đã chiếm đóng bất hợp pháp các vùng lãnh thổ của người Palestine ở Đông Jerusalem, bờ Tây sông Jordan, dải Gaza và Cao nguyên Golan của Syria".
BARCELONA! CÁC ÔNG MUỐN GÌ?
Nhưng không phải người Palestine nào cũng kiên nhẫn viết thư yêu cầu gửi Sandro Rosell. Lãnh đạo Hamas xem hành động mời Gilad Shalit - một nhân vật theo họ là "kẻ giết người" là không thể chấp nhận được và kêu gọi người Palestine cùng thế giới Ả Rập tẩy chay Barca.
Bởi họ không thể chấp nhận một CLB lớn, luôn hô hào những giá trị nhân văn, nhân đạo và hòa bình như Barca lại "vinh danh một chiến binh thuộc đội quân đã gây ra bao tội ác ở dải Gaza". Một nhân vật cấp cao của Hamas lên tiếng: "Barcelona muốn gì và có ý gì?".
Như một hành động "đổ dầu vào lửa", một số nguồn tin từ Tel Aviv cho rằng, cơ quan tình báo Israel Mossad nhận thấy, câu hỏi đầy căng thẳng của Hamas đồng nghĩa với việc phong trào này sẽ lại tổ chức một cuộc đánh bom liều chết, mà mục tiêu của họ sẽ đêm El Clasico ở Nou Camp.
Thông tin trên hẳn khiến cho người TBN cảnh giác, còn Carles Vilarrubi cùng BLĐ Barca thì không thể ngờ được rằng, lời mời dành cho Shalit lại khiến cho bầu không khí ở Trung Đông căng thẳng đến thế. Nhưng ngài Vilarrubi vẫn nói cứng: "Chúng tôi mời Gilad Shalit vì thiện chí và hòa bình. Không ai có quyền nghi ngờ Barca trong vai trò sứ giả hòa bình trong cuộc xung đột bao năm qua ở dải Gaza".
Nhưng Barca có phải là thiên sứ hòa bình ở Trung Đông, khi mà khán đài Nou Camp chỉ có một cựu chiến binh người Israel? Thế nên, để làm dịu làn sóng phẫn nộ của người Palestine cũng như tránh nguy cơ có thể bị Hamas "thổi tung Nou Camp", các quan chức Barcelona đã... chữa cháy bằng cách mời 3 người Palestine đến Nou Camp xem El Clasico.
Trong đó có Mahmoud Al Sarsak - cựu cầu thủ Palestine, nhân vật cũng từng sống trong cảnh tù tội trong nhà giam của Israel, mới được tự do vào ngày 10/7 vừa qua. Hai nhân vật khác bao gồm Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Palestine, Jibril Rajoub và một quan chức ngoại giao Palestine.
Hành động này của Barcelona đương nhiên là câu trả lời nhẹ nhàng cho câu hỏi của Hamas: Các anh cứ bình tĩnh! Chúng tôi muốn hòa bình, vì ở Nou Camp không chỉ có người Israel. El Clasico năm nay đúng là đặc biệt, nó khiến cho một người Do Thái như Gilad Shalit và một người Arab như Mahmoud Al Sarsak ngồi lại với nhau dưới mái vòm Nou Camp, để cùng nhìn về một hướng, cùng cổ vũ cho một đội bóng. Nhưng chưa thể biết được nước cờ của Barca sẽ làm câm họng súng hay họ sẽ đứt tay vì trót nghịch dao?
(Theo Bóng Đá và Cuộc Sống)