Được coi là một trong những kẻ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá thế giới, mùa giải 2011-2012 không danh hiệu lớn của Barca cho thấy đội bóng xứ Catalunya cần một sự thay đổi, không phải về bản chất và triết lý của lối chơi trình diễn, mà là sự điều chỉnh trong hệ thống phòng thủ và tấn công để nó vẫn đẹp mắt nhưng hiệu quả hơn.
Người gánh vác sứ mệnh lịch sử này, không ai khác là Tito Vilanova, HLV kế nhiệm Pep, chiến lược gia thành công nhất của Barcelona kể từ khi CLB này ra đời. Theo các chuyên gia bóng đá TBN, Barca của Tito sẽ là sự trở về với phiên bản hay nhất của đoàn quân áo đỏ-xanh, khi lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu 6 danh hiệu năm 2009: La Liga, Champions League, Cúp Nhà Vua, Siêu cúp TBN, Siêu Cúp châu Âu, và Cúp Thế giới các CLB.
Sau cái năm vinh quang tột đỉnh đó, Barca bắt đầu một công cuộc làm mới mình với mục đích không để các đối thủ bắt bài, và tiếp tục gây bất ngờ. Tuy vẫn gặt hái thành công lớn những năm tiếp theo, nhưng đến mùa bóng vừa kết thúc này thì rõ ràng tiqui-taca đã bị bắt bài, và không ít lần bất lực trước những chiếc xe buýt nhiều tầng của đối phương.
Vì thế, Tito đang tính đến chuyện quay lại với mô hình mang lại cú ăn 6 lịch sử: chiến thuật 4-3-3. Hệ thống chiến thuật chỉ với ba cầu thủ ở phía sau tạo ra quá nhiều khoảng trống khi đối phương phản công, như có thể thấy trong các cuộc gặp Valencia, Real, Chelsea hay Milan. Với 3-4-3, rõ ràng Barca luôn cầm bóng hơn đối thủ nhưng cũng dễ vỡ hơn, và bất cứ một sai lầm nào ở hàng thủ cũng phải trả giá đắt.
Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi vị HLV mới ưu tiên củng cố hàng thủ, khi yêu cầu ban lãnh đạo cho mua một trung vệ và một hậu vệ trái. Sự củng cố cho phép Tito chơi với hàng thủ bốn người, gồm hai trung vệ cố định và hai hậu vệ cánh, những người có thể thay nhau tham gia tấn công tùy vào diễn biến trên sân.
Tito cũng không muốn di chuyển các vị trí quá nhiều như thời gian gần đây. Biên chế đội hình cũng không quá chật hẹp như dưới triều đại của Pep, và mỗi một cầu thủ được xác định rõ ràng hơn vai trò cố định của mình. Sự thay đổi quá nhiều các giải pháp chiến thuật khiến các cầu thủ như Thiago và Cesc đôi khi mất phương hướng, hay Alves khó thích nghi với vai trò chạy cánh phải.
Tito sẽ cố gắng khai thác các phẩm chất của từng cầu thủ theo bản năng tự nhiên của họ. Rõ ràng, Tito cũng đánh giá cao tính đa năng của cầu thủ, nhưng sẽ chỉ sử dụng nó như một giải pháp tùy thời điểm chứ không mang tính nhất quán. Sau mùa giải thất bại, Tito muốn Barca phải chắc chắn, mỗi cầu thủ hãy di chuyển ở không gian mà họ cảm thấy thoải mái và hiệu quả nhất.
Sự trở về với 4-3-3 cũng đồng nghĩa Barca sẽ tăng cường tấn công từ hai biên, giữ bóng, di chuyển liên tục để tạo khoảng trống, hợp thành các tam giác ở giữa sân cho đến khi một cầu thủ thoát khỏi sự đeo bám của đối phương và kết thúc các cuộc tấn công, từ trực diện lẫn hai cánh.
Trong nhiều trận mùa 2011-12, Barca thường gặp khó khăn với lối phòng thủ nhiều tầng , và Pep đã cố gắng sử dụng các cầu thủ được đôn lên từ tuyến trẻ như Cuenca, Tello để tạo ra sự năng động. Tito sẽ duy trì điều này nhằm mở sân, và tạo ra nhiều khoảng trống. Ông cũng sẽ tìm cách để Messi không cảm thấy cô độc trong mạng nhện mà các đối thủ giăng ra, mà được chia sẻ trách nhiệm ghi bàn từ các đồng đội phía sau.
Duy trì tiqui-taca nhưng tăng cường các đường chuyền vượt tuyến, có thêm nhiều cú sút cự ly gần với sự tham gia của tất cả các tuyến, đó cũng là điểm nhấn trong lối chơi của “Tito Team”
Thách thức cao như đỉnh Everest
Tito không phải Pep, và ông cũng không muốn mình như thế. Pep chỉ có một, duy nhất và không thể lặp lại. Tito biết thế, cũng như Zubizarreta và Rosell, tất nhiên cả cầu thủ nữa. Do đó, Tito sẽ hành động có phần khác Pep. Tito không thể đóng vai nhà truyền giáo cho Barca cũng như người phát ngôn của CLB, thậm chí không có vai trò như thư ký kỹ thuật. Tito phải làm việc để “chỉ là” một HLV thuần túy, đáng tin, mà như thế cũng là nhiều lắm rồi. Tito sẽ phải thuyết tất cả rằng giờ đây ông không còn là trợ lý nữa, mà là người chỉ huy, lãnh đạo một phòng thay đồ đầy những ngôi sao nhiều cá tính, và chứng tỏ mình là thủ lĩnh thực thụ.
Khó khăn nữa cho Tito là có một số người chỉ coi ông như giải pháp tình thế, con tốt trong chiến lược của Rosell nhằm “đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận” nền tảng “Guardiolismo, Laportismo và Cruyffismo” (chủ nghĩa Guardiola, chủ nghĩa Laporta và chủ nghĩa Cruyff). Laporta cho rằng Tito sẽ chỉ tồn tại trong khi còn chiến thắng và đây không phải là một dự án lâu dài.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ vậy. Số đông nhìn thấy Tito là sự tiếp tục, ông xứng đáng nhận được sự ủng hộ cao nhất để kế tục thành công công trình khổng lồ mà Pep để lại. Trước mắt, Tito sẽ phải đưa ra một loạt quyết định quan trọng mà người tiền nhiệm đã “lẩn tránh”: tương lai Alves; giảm hay không giảm vai trò của Puyol, Xavi, những người đã bị gánh nặng của tuổi tác hoành hành; tìm ai thay Abidal; cũng như những cộng sự của Pep đều lần lượt ra đi như GĐ quan hệ đối ngoại Estiarte và một số trợ lý kỹ thuật khác; thay đổi như thế nào hệ thống chiến thuật đã đưa Barca lên đỉnh vinh quang nhưng bị bắt bài vào năm cuối triều đại Pep… Những quyết định đó mang ý nghĩa sống còn với Tito và Barca.
Tito hiểu thách thức của mình hệt như đỉnh Everest, nhưng ông vẫn chấp nhận, một sự quả cảm hiếm có. Ông cần phải tiếp tục như vậy, vì mình, vì cả Barca. Ngược lại, Barca phải ủng hộ Tito một cách toàn diện nhất. Chỉ có thế con thuyền màu đỏ-xanh mới tiếp tục băng về phía trước. “Đoàn kết là sức mạnh”, không còn con đường nào khác.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)