(Bongda24h) - Khó tin đấy là một đội bóng mà các trận thắng ấn tượng trước đó đã khiến Real Betis và Rangers phải “tâm phục khẩu phục”. Điều gì đang xảy ra với một đội bóng lớn khi họ chơi như những kẻ mộng du mỗi khi rời Nou Camp? Barca mà tôi biết ở đâu rồi?
Công thức chiến thắng thiếu
Hãy nhìn vào các số liệu thống kê để nói rằng công thức chiến thắng của Barcelona đang thiếu một cái gì đó vừa hơi trừu tượng nhưng cũng vừa rất thực tế. Họ kiểm soát bóng 65% thời gian và luôn đẩy đối phương về phía phần sân còn lại vì phải căng mình chống những đợt lên bóng khó lường từ phía các “kỹ thuật gia” của Barca.
Barcelona bất lực trước một Getafe tinh quái |
Những Henry, Ronaldinho, Messi, Iniesta,… bên phía đội khách đã tung ra 9 cú dứt điểm về phía khung thành thủ môn Abbondanzeiri, trung bình 1 cú sút/10 phút (?!) Quá ít cơ hội cho thế trận một chiều và nên biết thêm rằng trong 9 cú dứt điểm ấy đã có 7 lần bóng đi… ra ngoài. Các cầu thủ Barca quá vô duyên hay có một lời nguyền nào đó đang lơ lửng trên đầu họ, chắn ngang khung thành đội chủ nhà Getafe
Và một thẻ đỏ cho Zambrotta cộng thêm 4 thẻ vàng mà các cầu thủ đội khách phải nhận phản ánh điều gì? Họ bế tắc, dễ nổi nóng và tổn thương lòng kiêu hãnh? Chính xác hơn là “bài vở” của đội khách đã bị lộ ra quá nhiều khi họ vẫn chưa có đột biến về chiến thuật.
Cũng phải nới lại về những cú dứt điểm của Getafe. Họ tung ra 11 cú sút (hơn đội khách và cả ghi được hai bàn thắng) trong thế trận kém hơn về thời gian kiểm soát bóng. Chưa chắc Getafe đã kém trong lối chơi bởi họ phòng ngự phản công đầy chủ động và tính toán.
Có lẽ đáp án hợp lý nằm nhất ở những ngôi sao Barca trong một ngày đen đủi đã chỉ biết “múa may” chứ không cụ thể hoá được cơ hội của mình lần nào. Và cả những yếu kém tâm lý có hệ thống trong những lần hành quân xa của Barca nữa chứ!
Ám ảnh Coliseum
Michael Laudrup cho rằng trận đấu với Barca cũng bình thường như bao trận đấu khác và HLV người Đan Mạch đã đúng.
Lịch sử chứng minh rằng Coliseum chưa bao giờ là nơi “đi dễ, về lành” cho Barca trong mấy năm gần đây. Đoàn quân của Rijkaard từng bị cầm chân nơi đây trong dip khai xuân đầu năm. Và một cú sốc kinh hoàng sau đấy khi Getafe “đè bẹp” Barca bốn bàn không gỡ sau khi thua 5-2 ở Nou Camp để lội ngược dòng ngoạn mục tại Cúp Nhà vua vào ngày 10/5 vừa rồi, khởi đầu một mùa hè nóng bỏng mà hẳn không culé nào quên được.
Sự bất lực hiện rõ trên gương mặt các siêu sao Barcelona |
Và đêm qua, kỳ tích lại xuất hiện khi lần lượt Del Moral và J.Albin chọc thủng lưới Valdes trong những tình huống sắp xếp tấn công cực kỳ đơn giản. Getafe thực sự không ăn may khi những tình huống nguy hiểm được họ tạo ra mang tính ý đồ cao của một kẻ “rình rập” đầy chuyên nghiệp.
Cần nhớ là trong 5 trận gần đây, Getafe đã “nhặt” trọn vẹn 6 điểm trong hai trận trên sân nhà và “bỏ túi” đến 6 điểm trong 3 trận trên sân khách. Một thành tích không thể coi thường, nhất là khi họ vừa trải qua một cuộc khủng hoảng cả về nhân sự cầu thủ lẫn HLV (Bernd Schuster đã bỏ họ mà đi trong thời điểm khó khăn nhất để sang… Real)
Laudrup đã giúp các học trò lấy lại tự tin và chiến thắng hoành tráng về tỉ số trước dàn sao của Barca như là một lời khẳng định về tài năng của HLV trẻ này. Cũng là một cách nhìn khác, để thấy Coliseum thực sự đã trở thành một “pháo đài” rất khó công phá tại La Liga.
Và thay đổi đi Rijkaard!
Nhìn Real cứ lừng lững trên đầu bảng xếp hạng hẳn không chỉ các culé mà ngay cả Rịkaard cũng rất “sôi máu”. Nhưng đường đua vốn đã khốc liệt khi những Valencia, Alectico Madrid, Sevilla đều bộc lộ tham vọng và sẵn sàng trở lại thì những trận thua trước các đấu thủ “tí hon” có thể khiến Barca khóc hận ở cuối mùa.
Frank Rijkaard cần một sự cách tân |
Lối chơi của Barca trong tư duy của HLV Hà Lan chỉ có 2 dạng: 4-3-3 và 3-4-3. Phương án thứ hai đem lại những kết quả tồi tệ với một hàng hậu vệ cực kỳ dễ tổn thương (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Phương án thứ nhất từng đem lại những vinh quang nhưng có vẻ nó đã lỗi thời và dần phụ thuộc vào sự toả sáng cá nhân quá nhiều.
Cũng có thể vì sự vắng mặt của Eto’o nên người ta thấy nhớ các bàn thắng của “báo đen” nhiều hơn. Có thể vì hơn chục năm hiếm khi Henry chơi tiền đạo cắm nên chân sút người Pháp chưa quen với vai trò mới. Có thể Ronaldinho, Messi cũng phải dừng lại những pha bóng ma quái của mình do quá tải…. Vâng, dù thế nào đi chăng nữa, thất bại vẫn hiển hiện rõ hơn là giả thuyết.
Và trách nhiệm chính là của HLV trưởng khi Rịkaard chưa tạo ra một đột phá nào về tái cấu trúc tư duy chiến thuật của mình.
Hẳn là “thánh Johan” (Cruff), chủ tịch Laporta và hàng triệu culé đã bắt đầu thấy sốt ruột. Thay đổi ngay thôi Rijkaard, kẻo người ta sẽ thay ông!
- Nhất Chi Mai