(Bongda24h) – Người ta đang đồn ầm lên chuyện Cristiano Ronaldo đòi rời Real vì những khúc mắc với đội bóng. Người ta cũng đang nghi ngại tương lai của Fabregas sau quãng thời gian tiền vệ này đánh mất mình ở Nou Camp. Nhưng khi mà Ronaldo vẫn còn muốn đứng ở ngã ba đường thì Fabregas đã lên tiếng thể hiện sự trung thành với “cái nôi” của mình. Sự trái ngược đó liệu có phải vì tiền?
Nói cụ thể hơn là Fabregas được sinh ra, lớn lên và trưởng thành tại Barcelona. Anh đi tôi luyện ở Arsenal nhưng cuối cùng cũng tìm về tổ ấm. Trong khi Ronaldo thực chất chỉ là một anh lính đánh thuê. Có thể lúc này anh đang là không thể thay thế tại Bernabeu nhưng xét về sự gắn bó, CR7 chẳng thể bằng Casillas hay Raul hoặc Guti trước kia được. Vậy mà những trung thần ấy cũng đều rời Real khi sự nghiệp chưa khép lại. Vẫn biết cuộc đời luôn bất biến nhưng dường như, cái sự bất biến ở Nou Camp lâu bền và ổn định hơn tại Berbabeu rất nhiều.
Barca đại diện cho sự phát triển của các cầu thủ bản địa được tôi rèn không chỉ ở chuyên môn mà còn là tình yêu, lòng trung thành với nơi họ gắn bó. Thế mới nói ở Barca có dòng máu Catalan. Người ta chẳng mấy khi nói rằng ở Real có dòng máu này nọ nào cả. Cũng bởi Barca phát triển nhân lực dựa trên chiến dịch dài hơi. Họ đầu tư cả tình yêu cho các cầu thủ. Real thì không được như vậy.Tương quan lực lượng giữa dàn lính đánh thuê của Real và Barca
Hãy nhìn vào những con số thống kê sau để nhận biết rõ sự khác biệt. Những con số chẳng biết nói dối ấy khẳng định một điều rằng Real lớn mạnh nhờ túi tiền của Perez được bảo hộ bởi Hoàng gia Tây Ban Nha (Real có thể vay tiền các ngân hàng lớn ở xứ bò tót như Santander, Madrid, Salamanca… mà không cần thế chấp khi họ đã có tín chấp từ Hoàng gia). Bởi vậy mà dù nợ nần xêm xêm nhau (578 của Barca và 589 với Real ) nhưng cách chi tiêu của mỗi đội bóng lại hoàn toàn khác biệt.
Đội hình của Real ngoại trừ hai cái tên cây nhà lá vườn là Casillas và Adan đều đến nhờ mua sắm. Những Ronaldo, Kaka, Ramos, Coentrao… góp phần thâm hụt ngân quỹ của Nhà trắng đến 501 triệu euro phí chuyển nhượng suốt các năm qua. Có thể giá trị của họ giờ cao hoặc thấp hơn vốn đầu tư ban đầu nhưng cũng có thể nhận định rằng giá trị dàn “lính đánh thuê” ở Berbabeu đang là 501 triệu euro.
Trong khi đó số lính đánh thuế ở Nou Camp lại khiêm tốn hơn rất nhiều, về lượng, khi họ chỉ phải bỏ ra 244 triệu euro cho mua sắm. Con số này bằng chưa đến nửa những gì Real đã bỏ ra. Còn đội quân tự cung tự cấp của Barca thì nhiều vô kể, rải đều trên các tuyến. Nào là Valdes, Puyol, Muniesa, Busquets, Pedro, Tello, Cuenca, Messi, Thiago… Ngay cả hai đời HLV Guardiola và Vilanova, họ cũng chẳng tốn phí đưa về.
Real mùa nào cũng có hàng khủng mà chẳng phải cân đo đong đếm. Trong khi Barca thời hậu Laporta luôn trong chính sách thắt lưng buộc bụng. Điều đó chỉ nói lên một phần sự khác biệt trời vực về giá trị dàn lĩnh đánh thuê mỗi nơi. Vấn đề quan trọng nhất chính là chính sách phát triển. Bởi vậy mà có lẽ ở Nou Camp, sự trung thành là rõ rệt hơn ở Bernabeu rất nhiều.
Cũng bởi vậy mà khi một ngôi sao không hài lòng, chuyện anh ta rời Real dễ đến lắm…
Minh Minh