Năm thứ 5 liên tiếp, một cầu thủ Barca đứng đầu cuộc bầu chọn “Playmaker” (nôm na là mẫu cầu thủ kiến tạo, kiểm soát và phát động các đợt tấn công của đội nhà). Hiện tại, Barca - hay sâu xa hơn là La Masia, như một nhà máy sản xuất những “phù thủy sân cỏ”.
Năm 2008, trong cuộc bầu chọn của IFFHS (Liên đoàn Lịch sử và Thống kê bóng đá thế giới), Xavi là nhạc trưởng xuất sắc nhất. Dù Barca có một mùa giải không thành công, đánh dấu sự chấm hết của kỷ nguyên Frank Rijkaard và mở ra triều đại mới Pep Guardiola, nhưng Xavi được tôn vinh khi anh là linh hồn trong chiến thắng của ĐTQG Tây Ban Nha ở EURO 2008. Kể từ đó, Barca ngự trên đỉnh cao thế giới, với những nhân vật kiến tạo tuyệt vời.
Sau khi cùng Tây Ban Nha giành vinh quang trên đất Áo - Thụy Sĩ, Xavi tiến một bước dài lên đỉnh cao sự nghiệp cùng Barca. Năm 2009 có thể xem là giai đoạn rực rỡ nhất của Xavi. Ở tuổi 29, thể hiện hình ảnh của bậc thầy về điều tiết bóng và kiến tạo. Đó là năm mà lần đầu tiên Messi giành Quả bóng vàng, nhưng Xavi mới là thủ lĩnh của Barca trên sân cỏ. Không ai khác, mà Xavi là đạo diễn cho “cú ăn sáu” ngoạn mục của Barca khi ấy.
Không lạ khi IFFHS chọn Xavi là “Playmaker” của năm 2009, vượt trên Messi, Kaka và Iniesta. Cũng chính tiền vệ người Terrassa một lần nữa được IFFHS tôn vinh năm 2010, khi anh tiếp tục tỏa sáng để cùng với TBN bước lên đỉnh cao thế giới. Năm đó, Xavi chiến thắng áp đảo với 223 điểm, vượt xa đồng đội Iniesta (148) và Wesley Sneijder (128).
Số điểm mà Xavi giành được trong cuộc bầu chọn của IFFHS tăng lên theo từng năm. Trong lần bầu chọn năm 2011, giai đoạn mà Barca vừa giành La Liga, và ẵm luôn chiếc Cúp danh giá Champions League, Xavi có 232 điểm. Đấy cũng là lần đầu tiên 3 người dẫn đầu danh sách những nhạc trưởng tốt nhất thế giới là thành viên cùng đến từ một CLB - ở đây cụ thể là Barca cũng như học viện La Masia, Messi (147 điểm) và Iniesta (110).
Ở tuổi 32 (hơn một tuần nữa sẽ là 33), Xavi đã bộc lộ gánh nặng thể lực. Điều này đã thể hiện không ít lần trong mùa giải trước, khi Xavi thường xuyên dính chấn thương và phải ngồi ngoài. Anh thậm chí còn lên kế hoạch giã từ sự nghiệp quốc tế với La Seleccion để tập trung cho Barca. Xavi phần nào suy giảm phong độ so với chính anh 4 năm trước đó, nhưng đã có người kế thừa: Iniesta. Thực tế, Xavi đứng sau Iniesta với chỉ 18 điểm ít hơn. Messi một lần nữa có mặt trong top 3.
Năm năm liền trong đội hình có không chỉ một mà nhiều “phù thủy sân cỏ” hàng đầu thế giới, điều đó lý giải vì sao Barca đã và đang gặt hái hàng loạt vinh quang. Những “phù thủy” này kết hợp cùng nhau càng làm cho lối chơi tiqui-taca thêm biến ảo và hiệu quả. Có thể kể thêm những bậc thầy về kiến tạo đang đá ở Camp Nou như Fabregas, hay một Thiago Alcantara đầy tiềm năng. Họ cũng được đào tạo bài bản ở La Masia, và đang có vai trò then chốt với Barca.
Barca sẽ còn thống trị?
Hai năm nay, Barca chiếm cả 3 vị trí “Playmaker” xuất sắc nhất thế giới. Trước đó, trong giai đoạn 3 năm, từ 2008-2010, những cuộc bầu chọn của IFFSH luôn có ít nhất hai thành viên của Barca trong top 3. Cuộc bầu chọn được ra đời từ 2006, và từ đó đến nay chỉ hai lần Barca đóng góp một cầu thủ trong top 3. Hai lần ấy, Barca cũng không phải đội sở hữu cầu thủ chiến thắng.
Zidane là người chiến thắng đầu tiên khi cùng Pháp vào đến chung kết World Cup 2006, xếp trên các đối thủ Ronaldinho và Pirlo. Một năm sau, Milan là đội đầu bóng tiên thống trị bảng xếp hạng “phù thủy sân cỏ”, với Kaka dẫn đầu và Pirlo đứng sau. Messi xếp hạng 3. Kaka và Pirlo là những linh hồn thực sự trong chiến thắng của Milan ở Champions League 2007, dưới sự dẫn dắt của Carlo Ancelotti. Cũng chỉ có Kaka và Pirlo không phải cầu thủ Barca có nhiều hơn một lần vào top 3 “Playmaker”, từ khi cuộc bầu chọn này ra đời.
Kaka đã là quá khứ, Pirlo chịu thiệt thòi vì Serie A mất giá. Như vậy, còn ai đủ khả năng làm lu mờ những “phù thủy” của Barca?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)