Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Barca & sự kiêu ngạo của những ông chủ

Thứ Bảy 23/08/2014 21:09(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Những vấn đề không bao giờ ngẫu nhiên mà đến. Với Barca, những gì diễn ra trong thời gian qua xuất phát từ chính tư tưởng và cách làm việc của những người đứng đầu Camp Nou.

1. Khi còn tại vị, Sandro Rosell thường có thói quen chê bai các đối thủ, và luôn tự hào về Barca. Tất nhiên, giai đoạn thành công với Pep Guardiola rất đáng để bất kỳ ai tự hào, chứ không chỉ Rosell có tư cách người đứng đầu bộ máy Barca.

Vấn đề là cách tự hào về đội nhà của Rosell không như những vị chủ tịch khác. Để khuếch trương bản thân và sức mạnh của CLB dưới kỷ nguyên lãnh đạo của mình, Rosell đào bới những vấn đề trong quá khứ. Đặc biệt, người tiền nhiệm Joan Laporta như một thứ gì đó ghê tởm trong mắt Rosell. Phải nhìn nhận một cách công bằng, chính Laporta, dù khiến CLB thua lỗ trong quản lý tài chính, đã đặt nền tảng lớn để Rosell thành công.

HLV Guardiola tỏ ra rất thất vọng sau thất bại của Bayern Munich

Đến Pep Guardiola cũng từng là “nạn nhân” của các ông chủ ở Barca.


Việc Rosell kiện Laporta và bộ máy cũ ra tòa là nguyên nhân khiến Pep Guardiola không hài lòng. Chính vì thế, khi quyền lợi của Pep bị gạt ra ngoài trở thành giọt nước tràn ly và cuộc chia tay là tất yếu. Cuộc chia tay của Pep cũng mở ra thời gian hỗn loạn với Barca, và cho đến giờ CLB xứ Catalunya vẫn chưa thể tìm lại chính mình.

Khi Barca gặp rắc rối trong vụ chuyển nhượng Neymar, mà chính mình tạo ra, Rosell quyết định chạy trốn. Hành động ấy được mô tả ngắn gọn, “huyendo como un cobarde”(trốn chạy như một kẻ hèn nhát).

Rosell đã bỏ lại những rắc rối với pháp luật cho chính những cộng sự trước đó của mình.

2. Josep Maria Bartomeu là một con người hoàn toàn khác Rosell. Từng là phó chủ tịch dưới thời Rosell, nhưng giữa hai người là cá tính trái ngược. Bartomeu trầm lặng hơn.

Bartomeu có một điểm đáng chú ý, được mô tả là “haciendo el fanfarron” (ám chỉ một kẻ thích khoe khoang).

Vừa tiếp quản chiếc ghế chủ tịch, Bartomeu “tát” Rosell bằng cách công khai chi tiết về vụ mua Neymar, và tổng chi phí lên đến 86,2 triệu euro. Chưa dừng lại, bằng ảnh hưởng của mình, Bartomeu gạt Toni Freixa khỏi cương vị người phát ngôn CLB. Trước đó, Toni Freixa như một cánh tay phải của Rosell. Toni Freixa tuyên bố, Bartomeu thiếu năng lực để trở thành một chủ tịch CLB lớn như Barca.

Một cuộc nổi loạn được Freixa âm thầm thực hiện, nhằm lật đổ Bartomeu, hoặc ít nhất là phải tiến hành bỏ phiếu bầu người xứng đáng ngồi ghế chủ tịch. Nhưng Bartomeu nhanh chóng dẹp loạn, khi bố trí các cộng sự của mình vào những vị trí có ảnh hưởng lớn. Kết quả, không đơn thuần là giữ vai quyền chủ tịch, Bartomeu chính thức trở thành chủ tịch Barca mà không trải qua bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào.

3. Khi còn tại vị, Joan Laporta thất bại về mặt kinh doanh, nhưng Barca luôn được xem là đội bóng của vẻ đẹp. Laporta mắc không ít sai lầm trong việc điều hành, nhưng ông được đánh giá cao khi biết đặt lợi ích CLB lên trên tất cả.

Một đội bóng nói riêng, và bất kỳ thể chế xã hội nào nói chung, sẽ chinh phục được trái tim mọi người nhờ vẻ đẹp, cũng như chính người đứng đầu. Barca của hiện tại không làm được như vậy. Họ vừa thiết lập lỷ lục về tài chính, nhưng đồng thời sống chung với rất nhiều điều tai tiếng.

Barca đang cố nhờ Tòa án Trọng tài Thể thao để thoát án phạt của FIFA, và luôn cho rằng mình làm đúng khi chiêu mộ cầu thủ trẻ. Nếu Barca đúng, thì FIFA đã không phải vào cuộc, đồng thời hoãn thi hành án để đội bóng xứ Catalunya minh chứng cho sự trong sạch. Quyết định mới nhất mà FIFA đưa ra cho thấy, Barca không “sạch”.

Theo Thể Thao Văn Hoá

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X