Liga những ngày gần đây trở nên ồn ào không phải vì Real Madrid đã tạo được khoảng cách lên tới 7 điểm so với Barca, dù đó là điều không mấy người dám nghĩ tới khi mùa giải năm nay chưa bắt đầu. Sự ồn ào vẫn xuất phát từ chính hai đội bóng lớn nhất Tây Ban Nha ấy, nhưng lại liên quan tới một thế lực khác: Trọng tài.
Điều thú vị là trong "cuộc ồn ào" này, ai cũng tự nhận mình là nạn nhân. Real Madrid thì từ lâu đã lớn tiếng nói về việc Barca được các "thế lực hắc ám" chống lưng, và vũ khí chính là các trọng tài. Không chỉ có RFEF, cả UEFA cũng bị Madrid "xỉa xói" (trong vụ 5 câu hỏi "tại sao" của Mourinho sau trận lượt đi bán kết Champions League mùa trước). Dù cả Madrid lẫn Mourinho đã phải chịu những án phạt nặng từ cơ quan quản lý bóng đá cao nhất châu Âu, họ vẫn không chịu ngừng điệp khúc "tôi là nạn nhân" của mình. "Luôn có một bộ luật cho riêng Real Madrid, và một bộ luật khác cho phần còn lại", Mourinho cứ có cơ hội là lại nói thế.Các cầu thủ Barca đã nói nhiều hơn về các trọng tài
Những ngày gần đây, mức độ căng thẳng thậm chí càng tăng cao, dù Madrid đã làm được điều họ chưa bao giờ làm được từ khi Pep Guardiola lên dẫn dắt Barca là tạo được khoảng cách 7 điểm với đối thủ này để từ đó tiến gần hơn tới chức vô địch Liga. Đỉnh điểm là trận "Kinh điển" mới đây ở Cúp Nhà Vua. Sau trận ấy, Sergio Ramos, người bị đuổi khỏi sân ở những phút cuối, lên chửi bới ầm ỹ trên Twitter. Hiền như Casillas cũng bị phát giác chửi trọng tài ngay trên sân (sau phải xin lỗi, lấy lý do giận quá mất khôn). Mourinho thậm chí còn hành xử theo kiểu "giang hồ" khi đứng chờ trọng tài ở bãi đỗ xe, chỉ để hét vào mặt ông ta những câu khó nghe cho hả nỗi tức giận. "Tôi nghe các cầu thủ nói rằng sẽ chẳng bao giờ có thể thắng được Barca ở Camp Nou (vì trọng tài)", vẫn lời "Người đặc biệt".
"Barca không nói về vấn đề trọng tài", Pep dõng dạc khẳng định lại những gì ông từng nói giữa lúc căng thẳng liên quan tới vấn đề trọng tài bị đẩy lên cao. Nhưng Pep nói một đằng, các học trò của ông, lại làm một nẻo. Sau khi Iniesta bị từ chối 1 quả penalty trong trận gặp Betis, Xavi bảo "năm nay trọng tài bắt ép chúng tôi hơn", còn Valdes thì nói rằng đó chỉ là một trong rất nhiều những quả penalty mà các trọng tài không cho Barca được hưởng. Sau trận hòa Villarreal, lại tới lượt Messi lên tiếng phàn nàn. Cầu thủ người Argentina cáo buộc các trọng tài "cứ thích dơ thẻ ra dọa", thế nên anh và các đồng đội lắm lúc có ý kiến cũng không dám nói.
Mà không chỉ có học trò của Pep, cả ông chủ của Pep cũng phàn nàn về trọng tài. Trước sức ép từ dư luận, Chủ tịch Sandro Rosell đã buộc phải lên tiếng, nói rằng "công tác trọng tài từ đầu mùa này không có lợi cho Barca". Rosell còn có một phát biểu khó hiểu khác, rằng "mọi chuyện sẽ được cân đối lại vào cuối mùa bóng". Những phát biểu của người chịu trách nhiệm cao nhất ở Camp Nou lại mở ra một cuộc bút chiến mới giữa cánh báo chí hai bên. Trong khi phía các báo thân Barca ca ngợi hành động và phát ngôn của Rosell hết lời, thì những tờ báo thân Madrid lại mỉa mai những gì Rosell và Guardiola đã làm chẳng khác nào hiện tượng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".
Sau trận bán kết lượt đi Cúp Nhà Vua giữa Valencia với Barca, những tranh cãi lại được dịp bùng phát sau pha xử lý gây tranh cãi của trọng tài Gonzalez ở phút thứ 18 của trận đấu. Lúc ấy, thủ môn Pinto của Barca đã có pha cản bóng bằng tay ngoài vòng cấm, trong một cơ hội ăn bàn rõ ràng của Valencia. Tuy nhiên, trọng tài đã không thổi phạt Pinto, và tất nhiên cũng chẳng có thẻ đỏ như mong muốn của người Valencia. Phía Valencia tất nhiên giận dữ với quyết định này của trọng tài, nhưng những phản ứng dữ dội nhất sau đó lại đến từ phía... Madrid. Pha bóng ấy, với họ, chính là câu trả lời rõ ràng nhất cho câu hỏi vẫn được để ngỏ lâu nay: Ở Tây Ban Nha, đâu là đội bóng được trọng tài ưu ái nhiều nhất?
Tất nhiên, còn lâu người ta mới trả lời được câu hỏi này, trừ khi có thêm một vụ tương tự Calciopoli bị phanh phui. Nhưng có một sự thật không ai có thể chối cãi, và tất cả đều có thể thấy rõ trong thời gian qua: Chỉ có Real Madrid và Barca mới được "quyền" kêu ca về các trọng tài. Dĩ nhiên, chẳng ai cấm người Valencia, Sevilla,... lên tiếng, song vấn đề họ có kêu thì cũng chỉ để cho... đỡ tức thế thôi chứ chẳng đến được tai ai và chẳng giải quyết được vấn đề gì. Cũng như chuyện trước đây, đã có không ít cầu thủ phàn nàn rằng các trọng tài ở Liga quá khó "nói chuyện", khác hẳn với phong cách thân thiện của các trọng tài ở Premier League, nhưng phải tới khi Messi lên tiếng, người ta mới "mổ xẻ" vấn đề này. Khác biệt ở đây là gì? Messi là cầu thủ hay nhất thế giới, và anh chơi cho Barca.
Và còn một sự thật khác, "nhức nhối" hơn: Khi kêu ca về đội ngũ cầm còi, người Barca hay Madrid đều chẳng hi vọng, chính xác hơn là không hướng tới mục đích làm cho công tác trọng tài trở nên tốt hơn. Họ chỉ lên tiếng với mục đích gây sức ép để giới áo đen hạn chế thổi bất lợi cho mình, làm điều ngược lại với đối thủ, và điều cuối cùng mà họ hướng tới vẫn chỉ là làm sao có lợi nhiều nhất cho mình. Ngay trong những phát biểu của người Barca, vốn luôn cố gắng thể hiện sự "tôn trọng tối đa" công việc của các trọng tài, cũng cho thấy điều này. Xavi chẳng bảo "trọng tài mùa này thổi bất lợi cho Barca nhiều hơn các mùa trước", Rosell chẳng nói "sẽ xem xét và cân đối lại mọi chuyện vào cuối mùa" là gì?
Trong cuộc chiến này, vì thế, người chiến thắng sẽ chỉ có thể là Real Madrid, hoặc Barca, cũng có thể là cả hai. Theo cách nào thì phần còn lại cũng chỉ biết im lặng chịu đừng, và Liga thì vẫn là một "đống rác rưởi lớn nhất thế giới", như nhận xét cay nghiệt mà Chủ tịch Sevilla Jose Mario del Nido đưa ra trước tình trạng bất công trong việc phân chia bản quyền truyền hình. Nói một cách hình ảnh, nếu Liga là một bãi rác, thì Barca và Real chính là những "ông Vua" cố gắng thu lợi tối đa cho bản thân trên bãi rác ấy. Theo cách không có lợi chút nào cho môi trường.
Còn khái niệm "công bằng" ư? Quên nó đi, vì đây là Liga...
(Theo Thể Thao Văn Hóa)