Mới dẫn dắt Barca 3 trận, nhưng HLV Gerardo Martino đã bắt đầu thể hiện cá tính của ông, cho dù chạm vào một lối chơi đã trở thành biểu tượng ở đây như Tiki-taka là một công việc vừa mạo hiểm, vừa tốn thời gian. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những thay đổi tương đối “rón rén” và dựa trên những nền tảng cũ mà Pep Guardiola và sau này là Tito Vilanova để lại.
Trung thành với công thức 4-3-3
Trước khi Martino ngồi vào chiếc ghế nóng, Barca đã rất thành công với sơ đồ 4-3-3, hệ thống đã được sử dụng thành công từ thời của Pep Guardiola cho đến Tito Vilanova. Martino có lẽ cũng hiểu được rằng ông chẳng cần phải thay đổi về hệ thống chung, nhất là khi 4-3-3 vốn là sơ đồ phù hợp nhất với Tiki-taka.
Martino đã để lại những dấu ấn đầu tiên lên lối chơi của Barca |
Trong hai trận đầu tiên dẫn dắt Barca, gặp Santos và tuyển các ngôi sao Thái Lan, Martino để nguyên Barca của Pep và Tito ra sân. Như thường lệ, đội bóng xứ Catalunya áp đặt lối chơi bằng thời lượng kiểm soát bóng vượt trội và những đường chuyền liên tục, cũng như áp sát để đoạt lại bóng ngay sau khi mất. Lối chơi không có gì thay đổi so với thời của Pep. Kết quả? Họ ghi được đến 15 bàn thắng chỉ sau 2 trận đấu, rất ấn tượng.
Cách sử dụng Messi cũng không có gì thay đổi. Ngôi sao người Argentina tiếp tục được xếp chơi như một số 9 ảo, người xuất phát cao nhất, nhưng không bám vòng cấm, mà di chuyển rộng và thậm chí là lùi về khá sâu để kiếm bóng. Chơi bên cạnh Messi, những Pedro, Fabregas hay Sanchez cũng đã bắt đầu tìm được tiếng nói chung. Ngay như Neymar, người đã có bàn thắng đầu tiên cho Barca, cũng đã cho thấy sự hòa nhập rất nhanh với các đồng đội mới. Tân binh người Brazil không chỉ giúp Barca tấn công đột biến hơn mà còn tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, buộc các đồng đội khác phải nỗ lực hơn.
Những dấu ấn của Martino
Về cơ bản, Martino không tạo ra một cuộc cách mạng về lối chơi, nhưng cũng có thể gọi những dấu ấn của ông là một cuộc cách tân. Cách tân về nhịp độ thi đấu, các phương án tấn công và những giải pháp gia tăng chiều sâu cho hàng phòng ngự.
Thứ nhất, Martino vẫn yêu cầu các tiền vệ nắm thế chủ động thông qua kiểm soát bóng, nhưng sự khác biệt là ông yêu cầu các cầu thủ phải triển khai bóng nhanh hơn, thay vì cứ chuyền đi chuyền lại nhiều lần. Thay vì đá chậm và chờ đối phương sơ hở, Barca đẩy nhanh tốc độ các đường chuyền và thực hiện liên tục các miếng đánh trực diện với sự tham gia của các tiền đạo và các tiền vệ tấn công. Sự linh hoạt của Messi cũng như khả năng xâm nhập vòng cấm của Iniesta hay Fabregas được đánh giá cao ở khả năng gây đột biến trong những pha bóng điển hình này.
Thứ hai, nếu các miếng đánh trực diện rơi vào tình trạng bế tắc, Barca sẽ chuyển sang các phương án khác là đánh biên và sử dụng nhiều hơn các cú sút xa, vốn bị coi là cách tấn công “cầu may” (lời Xavi) dưới thời Pep và Tito. Adriano, Fabregas và Iniesta và Neymar là những người “năng” dứt điểm từ xa nhất gần đây (Adriano thậm chí đã khiến mành lưới Santos bằng một cú sút sấm sét). Đây là một thứ vũ khí lợi hại để giải quyết trận đấu.
Thứ ba, Martino đang gia cố chiều sâu phòng ngự của Barca bằng cách bố trí một trục dọc duy trì cự ly thật kỷ luật bao gồm Pique, Mascherano và Busquets. HLV người Argentina đã chỉ đạo Busquets, cầu thủ đóng vai trò then chốt trong hệ thống này, ít dâng cao hơn trước. Trong vai trò tiền vệ phòng ngự, anh chỉ quanh quẩn bên phần sân nhà, chiến đấu, thu hồi bóng và kết nối giữa hàng thủ và các tuyến còn lại. Ba cầu thủ này chơi rất gần nhau, chỉ sử dụng những đường chuyền ngắn và không cần di chuyển rộng. Họ hứa hẹn sẽ giúp Barca phòng ngự an toàn hơn dưới thời Martino.
Tuy nhiên, tất cả những thay đổi đều không để lại dấu ấn rõ ràng. Tất nhiên, mọi cuộc cách tân đều cần thời gian, nhưng vào thời điểm này, chúng ta vẫn chưa rõ ông Martino có thể đem lại cho Barca những gì.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)