Mười ngày sau khi Eric Abidal nâng cao chiếc cúp VĐ Champions League tại Wembley, Barca lại mở rộng cửa đón một “hỷ sự”. Không vang dội như lần thứ tư chinh phục thành công đỉnh cao Cựu lục địa, nhưng chiến công âm thầm này không kém phần quan trọng, mà thậm chí có lẽ còn đáng mừng hơn thế.
1. Năm tài chính này, các nhà ĐKVĐ châu Âu “chỉ còn” lỗ trước thuế 21 triệu euro. Một bức tranh toàn cảnh vẫn mang gam màu chủ đạo là u ám, song, người ta cần nhớ rằng vào năm ngoái, Barca đã lỗ tới 83 triệu. Hạn chế tới 3/4 mức thâm hụt chỉ sau một năm, dù thế nào, cũng mang dáng dấp của một kỳ tích.
Barca là một đội bóng đẹp đẽ trên nhiều phương diện, và có lẽ chính sự phóng khoáng đã làm hại họ trên thương trường, “mặt trận không tiếng súng”. Hẳn rất nhiều người còn nhớ là vẻ ngoài hào nhoáng của “niềm tự hào xứ Catalunya” đã hoen ố đi ít nhiều sau khi cựu Chủ tịch Joan Laporta và đương kim chủ tịch Sandro Rosell “bôi tro trát trấu” vào mặt nhau, với vũ khí là những vấn đề nhạy cảm về chuyện tiền bạc. Niềm vui liên tiếp đến với Barcelona
Sandro Rosell là một vị Chủ tịch gắn liền với những chiến tích, nhưng ít nhất thì theo lời tự bạch của ông, không gian sáng sủa ấy gắn liền với quyết định “liều mạng” đi vay nóng thêm 155 triệu euro để chi trả các khoản ngắn hạn, khi ông bị báo cáo sai về thâm hụt thực tế của CLB, một “di sản” tệ hại mà ông nhận được từ người tiền nhiệm.
Nhìn rộng ra, Pep Guardiola cũng phải nhận một phần trách nhiệm, với cách chi tiêu “hào phóng” trong các cuộc shopping của mình (xấp xỉ 92,5 triệu euro mỗi mùa, kể từ khi tại vị).
2. Một cái vòng luẩn quẩn từ lâu lắm đã hành hạ những nhà quản lý bóng đá chuyên nghiệp ở châu Âu: muốn có tiền, phải có danh hiệu để quảng bá tên tuổi đội bóng; nhưng muốn có danh hiệu, phải mở hầu bao như những ông hoàng.
Cây càng cao, gió càng mạnh, những thách thức ấy của thời cuộc đã từng tạo nên những sự tàn phá theo đúng nghĩa. Ở Anh, các “đại gia” đều là những con nợ khổng lồ. Ở Ý, cả một guồng máy đã từng thịnh vượng giờ chỉ còn là hoang phế. Ở Tây Ban Nha, Barca và Real Madrid đều phải bóc lột “phần vụn bánh” của những địch thủ nhược tiểu. Những nhà quản trị hàng đầu cũng bó tay. Galliani đã từng phải cam chịu sự lép vế của AC Milan, Uli Hoeness không phải lúc nào cũng duy trì được uy thế cho Bayern Munich, còn phương thức và kết cục của Luciano Moggi thì tất cả đều đã biết.
Vậy nên, dù chưa thể cân bằng về tài chính, bản báo cáo mới nhất này cũng xứng đáng để những nhà lãnh đạo của Barca bật champagne. Nói như Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế Javier Faus: “Đó là những khoản đầu tư hiệu quả nhất trong những năm gần đây, là một tín hiệu đầy hy vọng, để chúng ta tiếp tục giảm lỗ trong hai năm tới. Chúng ta không thể tiếp tục bị thất thoát tiền bạc nữa!”
Nhìn nhận một cách khách quan, cơ sở của bước đột phá này này là danh hiệu VĐ Champions League, với hệ quả là những khoản thu nhập kếch sù. Nhưng bên cạnh đó, Pep mùa này cũng đã mua sắm có chọn lọc hơn, và Barca cũng đã chi tiêu cẩn trọng hơn.
Vẫn phải hướng đến những thành công trên sân cỏ, nhưng “doanh nghiệp” Barca hẳn cũng phải toan tính thêm để củng cố nền móng của mình. Chẳng đội bóng nào có thể hy vọng VĐ châu Âu năm này qua năm khác.
3. Không phải đến tận bây giờ, sự lành mạnh về tài chính và vinh quang mới tạo nên những lựa chọn nặng nề. Đầu thập niên trước, Karl-Heinz Rummenigge đã từng nói: “Bayern Munich hài lòng với chính sách cân bằng của mình, chứ nhất định không muốn thành công theo kiểu Real Madrid”. Real Madrid ấy, “Los Galaticos” phiên bản đầu tiên ấy, đã sụp đổ cùng chính sách “Zidane y Pavon” của Florentino Perez.
Barca hiện tại đã có Messi, và La Masia hiện tại không thiếu những gương mặt còn giàu tiềm năng hơn Pavon của Castilla năm xưa. Một con đường mà trước Guardiola cùng Pedro, Frank Rijkaard cùng Krkic đã thử dấn thân. Vấn đề là sự nhẫn nại có được duy trì đến tận cùng hay không?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)