Không phải là bóng đá tổng lực của người Hà Lan nổi danh toàn thế giới thập niên 1970 mà Barcelona đã khéo léo cải tiến để biến nó thành triết lý tiqui-taca phù hợp hơn với bóng đá hiện đại, bóng đá tổng lực của Tito Vilanova được hiểu theo nghĩa là phát huy sức mạnh của tất cả những con người đang có trong tay để biến Barca thành đội bóng chiến thắng.
Ở Barca, ai cũng có thể ghi bàn
Messi là cả một kho bàn thắng nhưng Barcelona không chỉ biết sống dựa vào những bàn thắng của Messi. Chính xác đã có 15 cầu thủ ghi bàn cho đội chủ sân Camp Nou cho tới thời điểm này của mùa giải. Tất cả những người không ghi bàn đều có "lý do chính đáng": Valdes và Pinto là những thủ môn, Abidal và Cuenca chấn thương và chưa chơi một phút nào, trong khi các cầu thủ trẻ Bartra, Dos Santos hay Montoya có quá ít cơ hội vào sân…
Ở Barca hiện tại, bàn thắng có thể đến từ bất kỳ đâu và bất kỳ ai.
Trong danh sách lập công còn có cả Thiago Alcantara và Mascherano. Thiago bị chấn thương hành hạ và hiếm khi được ra sân, trong khi Mascherano vốn chuyên tâm vào nhiệm vụ phòng ngự và không được dâng cao như Pique trong những tình huống đá phạt góc. Với Azulgrana lúc này, có cảm tưởng như mọi cầu thủ được ra sân đều đặn đều có thể ghi tên mình trên bảng tỷ số.
Barca đã ghi được tổng cộng 80 bàn thắng trên mọi mặt trận (57 bàn ở Liga, 11 ở Champions League, 8 ở Cúp Nhà Vua, 4 ở hai trận tranh Siêu cúp). Các hậu vệ đóng góp tới 12 bàn trong số đó với 6 bàn của Adriano cùng 3 bàn của Jordi Alba. Hàng tiền vệ cũng sở hữu tới 17 pha lập công, riêng Cesc Fabregas có 7 bàn cùng 5 bàn của đội phó Xavi. Đó là nền tảng giúp Azulgrana duy trì sự ổn định dù trên hàng tiền đạo chỉ có một người đạt phong độ cao là Messi (34 bàn). Các cầu thủ tuyến dưới đã gánh vác nhiệm vụ săn bàn vốn thuộc về Villa (mới có 8 bàn), Tello (4), Pedro (2) hay Alexis Sanchez (1)…
Điển hình là trong trận tiếp Atletico hôm 16/12, Barca đã nhập cuộc không tốt, để Falcao mở tỷ số trước và Messi bị vô hiệu hóa. Trong hoàn cảnh ấy, một hậu vệ (Adriano) đã giúp đội chủ sân Camp Nou khai thông bế tắc và một tiền vệ (Busquets) ghi bàn thắng bản lề tạo đà cho chiến thắng. Cú đúp của Messi chỉ được thực hiện ở thời điểm đội bóng đã gạt bỏ được sức ép cùng sự căng cứng tâm lý ban đầu.
Đã biết ghi bàn từ tuyến hai
Dưới thời Pep Guardiola, Barca gần như không biết ghi bàn từ những cú sút xa. Điểm yếu ấy hình thành do sự thiếu hụt những chân sút xuất sắc nơi hàng tiền vệ và một phần bởi chính triết lý bóng đá của “Pep”. Barca của Pep thường cố gắng đưa bóng vào sát vòng cấm, chia tách hàng thủ đối phương và tạo ra khoảng trống nhờ những đường chuyền và sử dụng những đường chọc khe cho Messi, Villa hay Pedro băng xuống cắt mặt và đưa bóng vào lưới. Lối chơi ấy đôi khi bị bắt bài và Barca trở nên bế tắc bởi thiếu các giải pháp dự phòng.
Barca của Tito đã biết khắc phục điểm yếu ấy với 12 bàn thắng ghi được từ những cú dứt điểm bên ngoài vòng cấm sau 28 trận. Sau trận thua sốc trên sân Celtic, trận đấu mà đội bóng Scotland đã biết phong tỏa, bịt kín các lỗ hổng và cô lập Messi, Barca càng sử dụng nhiều hơn những cú sút xa. Chỉ 4 ngày sau thất bại ấy, Barca đã đánh bại Mallorca 4-2 với cả 4 bàn thắng được thực hiện từ ngoài vòng cấm, bao gồm cú đúp của Messi và 2 pha lập công của Xavi, Tello.
Nếu tiếp tục hiệu suất như hiện tại, Barca của Tito có thể ghi được 30 bàn thắng từ những cú dứt điểm từ xa trong mùa giải này, gấp đôi thành tích của Azulgrana dưới thời người tiền nhiệm Guardiola.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)