Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Barca chậm chạp trên TTCN: Cần sự dứt khoát từ Rosell

Chủ Nhật 17/07/2011 13:47(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Tròn một năm chính thức trở thành Chủ tịch Barca, triều đại của Sandro Rosell đã lên tới đỉnh cao của sự cường thịnh, như đội bóng thành công nhất, hùng mạnh nhất và thậm chí là đẹp đẽ nhất thế giới, theo cách đánh giá của số đông giới mộ điệu toàn cầu. Song, ở bên ngoài đường piste, không phải lúc nào vầng hào quang toả ra từ “người khổng lồ Catalunya” cũng rực rỡ như vậy.

1. Chuyện gần nhất xảy ra vào ngày 10/7, khi Wagner Ribeiro, người đại diện của Neymar, lên tiếng: “Tôi không thích cách hành xử của Barca. Họ tiếp xúc với Neymar khi cậu ấy đang tập trung cùng Selecao, và thông qua cha của cậu ấy. Trong thời điểm mà FC Santos đã mở cửa cho cả họ và Real Madrid thương thảo trực tiếp, họ cần phải đặt vấn đề với tôi - người đại diện chính thức - thay vì tiếp xúc thẳng với cầu thủ”.

Trong cơn bực bội, Wagner Ribeiro tuyên bố “nghiêng về phía Real Madrid”, bất kể trước đó, Muricy Ramalho (HLV Santos) tỏ ý ủng hộ Neymar về Barca hơn. Tuy vậy, tất cả những động thái đó đều trở thành thừa thãi. Vài ngày sau, mọi người đều hiểu rằng Barca chỉ vào cuộc với ý đồ ngáng trở Real Madrid, còn mục tiêu đích thực của họ vẫn là Cesc Fabregas và Alexis Sanchez.

Sandro Rosell cần phải dứt khoát hơn trên TTCN

2. Kể từ khi Cesc thành danh với Arsenal, sau khi bị “bắt cóc” khỏi La Masia, Barca chưa từng nguôi ý định đưa anh tái hồi Camp Nou. Mỗi độ Hè sang, câu chuyện này lại được xới lên và những cuộc thương thảo lại tiếp diễn.

Đưa Cesc “Châu về Hợp Phố” là một phần quan trọng trong cương lĩnh tranh cử của Rosell. Trong cũng như sau quá trình ấy, ông cũng đã hồ hởi thực hiện lời hứa. Rất tiếc, những chiến dịch chỉ mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông, chứ không bao gồm nhiều hành động mang tính thực tiễn. Cách nay một năm, một lời chỉ trích đã từng được cất lên với khá nhiều sức nặng, bởi người công kích không phải Laporta, mà là Cựu chủ tịch Joan Gaspart: “Nếu thật sự muốn có cậu ấy, thì Rosell nên bay thẳng sang Luân Đôn, chứ đừng loanh quanh mãi ở đây!”

Tiến hành những “thương vụ” một cách bí mật, nhằm tận dụng tối đa danh tiếng của CLB bảo đảm cho thành công, cũng đã trở thành một ngón đòn quen thuộc của Barca dưới triều Rosell. Nó vừa là một sự “trả thù” cái lỗ hổng luật lệ ở Tây Ban Nha đã khiến họ bị tước đoạt Cesc Fabregas hay Gerard Pique ngày trước, vừa là một sự “thức thời”.

3. Nhưng, đó lại không phải là điều bảo đảm chắc chắn cho thành công trên thị trường chuyển nhượng, bởi còn phải có điều kiện đủ là sự dứt khoát của người nắm quyền quyết định.

Barca đã luôn “nhấc lên, đặt xuống” những mục tiêu trong tầm ngắm rất lâu, nhưng lại chỉ thực hiện được không nhiều những bản hợp đồng thành công (theo nhiều nghĩa), như Dani Alves ngày trước. Với cái giá “cắt cổ” phải trả, Ibrahimovic rõ ràng là một thất bại. Bộ ba Villa - Silva - Mata của Valencia đã được theo sát suốt hai mùa bóng, nhưng kể cả vào thời điểm “Los Che” đang lao đao vì nợ nần, Barca cũng chỉ lấy được mỗi mình Villa, chậm một năm, và với một mức giá khá cao. Chygrynskiy hiển nhiên là một nỗi thất vọng. Ibrahim Afellay chưa chứng tỏ được gì nhiều. Và lúc này, vụ Alexis Sanchez càng lúc càng giống một vũng lầy, cho dù anh đã mở toang cửa.

Cái phong khí cương quyết và hào sảng của một thời Barca đường đường chính chính tiến vào thương trường, để nhất định mang về Camp Nou một Maradona, một Romario, một Ronaldo hay một Rivaldo vẫn chưa được tái hiện dưới tay Rosell. Ngược lại, ông chủ hiện tại dường như càng lúc càng lún sâu hơn vào phong cách “cò kè bớt một thêm hai”, dưới những sức ép nợ nần. Nhưng, thời buổi “người khôn của khó”, dễ gì để Udinese hay Arsenal bị “bắt nạt”?

Barca sở hữu nhiều nhà đào tạo xuất sắc hơn là những chuyên gia đàm phán thực thụ trong guồng máy của mình, và điều đó chỉ “làm khổ” Cesc hay Sanchez, những người đứng trước tương lai bất định. Sandro Rosell vẫn có thể tự tin tiếp tục con đường, nhưng bây giờ, khi đến cả Johann Cruyff cũng đã lên tiếng rằng “Muốn có Cesc, Barca thế nào cũng phải trả nhiều tiền!”, thì người ta cũng buộc phải nhớ đến một nhận xét của Laporta: “Rosell không đủ sự dũng cảm!”

Mua bán kiểu Rosell

David Villa

Barca gần như đã đạt được thỏa thuận mua Villa từ trước khi Rosell lên làm chủ tịch một năm, dưới thời Laporta. Dẫu vậy, Barca vẫn mất khá nhiều thời gian mới có được chân sút này. Mà giá thì không hề rẻ: 40 triệu euro.

Cesc Fabregas

Từ mùa trước, Barca đã theo đuổi Cesc. Nhưng trong cả mùa Hè ấy, Rosell không hề trực tiếp làm việc với người Arsenal. Kết quả là Cesc đành lỡ hẹn với Camp Nou. Mùa này, chuyện tương tự đang tái diễn.

Alexis Sanchez

Đồng ý rằng cách làm việc của Udinese là thực sự khó chịu. Nhưng nếu Barca dứt khoát hơn trong những cuộc thương lượng, thì sẽ không có chuyện đội bóng Italia bất ngờ trở mặt và khiến vụ này đình lại.



(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X