Ở tuổi 24, Gareth Bale đã hoàn tất vụ chuyển nhượng tới Real Madrid và tự biến mình thành cầu thủ đắt giá thứ hai trong lịch sử bóng đá, chỉ kém Cristiano Ronaldo.
Đi kèm với vụ chuyển nhượng đình đám là những lời ra tiếng vào về việc liệu Bale có xứng đáng với 91 triệu euro (theo số liệu của báo Tây Ban Nha), và anh sẽ làm được gì khi mà Cristiano Ronaldo vẫn đang ở Bernabeu. Vấn đề liệu Bale có đóng góp được gì sẽ được bàn sau, còn hiện tại chủ đề đáng quan tâm là cái giá trên trời kia.Bale hoàn toàn xứng đáng với số tiền mà Real bỏ ra?
Thành công với "bom tấn"
Khi Ronaldo chuyển từ M.U sang Real với mức giá kỷ lục 96 triệu euro (2009), không nhiều người nghi ngờ rằng tài năng của anh có đạt tới số tiền ấy không. Bởi vì CR7 đã giúp M.U đoạt tất cả những danh hiệu lớn. Bản thân Ronaldo cũng đoạt danh hiệu QBV ở tuổi 23, khi là linh hồn đưa M.U giành cú đúp Premier League và Champions League. Tài năng của Bale chưa được thể hiện ở cấp độ cao như Ronaldo nhưng lại tương đương về giá trị chuyển nhượng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới khủng hoảng sâu sắc.
Nếu xét về khía cạnh thương mại, đúng là Real có thể nhanh chóng thu hồi vốn chỉ trong một thời gian ngắn khi bỏ tiền ra mua một cầu thủ như Bale. 2 tuần sau khi đưa Ronaldo tới Bernabeu, Real đã thu hồi vốn một cách nhanh chóng qua tiền bán áo đấu cùng các nguồn thu khác.
Sở dĩ CLB Hoàng gia TBN có thể làm được điều đó là bởi họ có một lượng cổ động viên khổng lồ trên toàn thế giới, tức một thị trường rất rộng để tiêu thụ đủ các loại sản phẩm mang nhãn hiệu Real. Việc thu hồi vốn cho vụ Ronaldo diễn ra rất nhanh vì anh đã là một siêu sao hàng đầu ở M.U, CLB có lượng fan toàn cầu hơn cả Real. Với Bale có thể không phải 2 tuần, nhưng Real rồi cũng sẽ thu lợi nhuận từ bán áo đấu “GB11” ước tính một tháng rưỡi.
Xứng đáng đến từng xu?
Nó cũng giống như ngành điện ảnh vậy. Một bộ phim Hồng Kông nếu chỉ phát hành trong nước thì sẽ kiếm ít tiền, nhưng nếu nó được phát hành rộng rãi ra nước ngoài, doanh thu sẽ tăng gấp bội. Chung quy của vấn đề nằm ở thị trường tiêu thụ, và Real có thị trường toàn cầu với quy mô không kém gì các hãng phim Hollywood. Nên nhớ rằng theo đánh giá của Forbes, Los Blancos là thương hiệu thể thao đắt giá nhất thế giới, vượt trên M.U.
Với nguồn thu khổng lồ hàng năm, Real chẳng có gì phải lăn tăn nếu họ chi ra 91 triệu cho Bale. Vấn đề không phải là số tiền đó có đúng giá trị thực của Bale hay không, mà nó phản ánh thị trường của Real có sức tiêu thụ như thế nào và doanh thu hàng năm đạt được là bao nhiêu.
Nên nhớ rằng cái tên Gareth Bale và hình ảnh của anh đã xuất hiện nhan nhản trên trang bìa các tờ báo lớn suốt hơn 100 ngày qua. Kèm theo cái giá 91 triệu euro, Real đã có một màn PR đại thắng cho ngôi sao mới của mình. Giá trị thương hiệu Bale đã tăng gấp đôi chỉ sau 3 tháng Hè.
Khi Alan Shearer sang Newcastle, mức giá của chân sút huyền thoại này là 15 triệu bảng. Tại sao 15 triệu bảng (17,6 triệu euro hiện nay) khi đó là một kỷ lục, nhưng giờ chỉ đủ mua được một cầu thủ trình độ khá? Vì khi đó bóng đá Anh chưa giàu như ngày nay, chưa vươn cánh tay thương mại của mình tới mọi ngõ ngách trên hành tinh. Gần 20 năm sau, thời thế đã khác khi những CLB như Real, Barca hay M.U có CĐV (hay khách hàng) ở gần như mọi quốc gia.
Nhìn từ góc độ thương mại, Bale hoàn toàn xứng đáng với 91 triệu euro, thậm chí cái giá 120 triệu euro như Tottenham thách thức cũng chẳng phải đắt.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)