Andres Iniesta đã ở đây hai năm trước, và lần này, Quả bóng Vàng cũng không phải là của anh. Nhưng nếu giá trị của Quả bóng Vàng là sự thừa nhận tối cao với cá nhân một cầu thủ, thì Iniesta có lẽ cũng không cần nó nữa, vì bất chấp vai trò thầm lặng và tính cách khiêm tốn của mình, anh đã được công chúng thừa nhận, dù không hào nhoáng, nhưng đúng với con người anh, và theo đúng cách mà anh đã lựa chọn cho cuộc đời của mình.
Lịch sử luôn rất công bằng. Bạn thậm chí không cần phải ở trên đỉnh cao để được nó thừa nhận. Trong danh sách những huyền thoại chưa từng đoạt Quả bóng Vàng, có Raul Gonzalez, chân sút ghi nhiều bàn nhất mọi thời của đội bóng vĩ đại nhất thế kỷ XX, Real Madrid; Ferenc Puskas, một huyền thoại khác của đội áo trắng, từng 3 lần liên tiếp giành Cúp C1; hai trong số những hậu vệ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá thế giới, Paolo Maldini và Franco Baresi...
Họ đều không chạm đến tột đỉnh của sự thừa nhận cá nhân, nhưng vẫn giữ một vị trí trang trọng trong ngôi đền thiêng của bóng đá, đơn giản vì quá trình chơi bóng của những cá nhân ấy, không phải vì cái đích cuối cùng của họ, những danh hiệu. Andres Iniesta, trong một buổi trả lời phỏng vấn diễn ra chỉ vài ngày trước đêm Gala Quả bóng Vàng, đã mạnh dạn bảo rằng: "Điều quan trọng nhất không phải là thành công, mà là con đường đã dẫn đến thành công".
Lịch sử, như đã nói ở trên, và cả những gì cầu thủ này đã trải qua, chứng minh rằng đó không phải là câu nói sáo rỗng. Ngay từ những ngày đầu gia nhập La Masia năm 12 tuổi, Iniesta đã thường xuyên mắc "bệnh nhớ nhà", và trầm tính đến... tự kỷ. Dấu hiệu cá tính duy nhất anh thể hiện là những bức poster của thần tượng Pep Guardiola dán kín phòng riêng.
Nhưng không cần phải gây chú ý bằng lời lẽ và sự cởi mở, Iniesta vẫn nổi bật, bằng bóng đá, với biệt danh đầu tiên là "Andresito" (Andres nhỏ bé). Hai năm sau khi nhập học La Masia, đích thân Pep đã đến sân tập để xem cậu bé Iniesta chơi bóng, theo giới thiệu từ người anh trai Pere của ông, rằng "có một cậu bé đọc trận đấu còn tốt hơn tôi". Sau đó, bức poster trong phòng Iniesta được thay thế bằng một bức ảnh chụp với Pep có chữ ký của ông và dòng chữ "Cầu thủ hay nhất tôi từng xem". Thêm hai năm nữa, Pep bảo với Xavi: "Cậu khiến tôi phải giải nghệ, và thằng bé này sẽ khiến cả hai ta phải nghỉ hưu".
Con đường thầm lặng
Iniesta, trong mắt những đồng đội và các HLV đã làm việc cùng anh, là một ngôi sao hoàn thiện hơn ta tưởng. HLV Frank Rijkaard từng tiết lộ: "Tôi đã chơi cậu ta chơi ở vị trí tiền đạo ảo, tiền vệ trung tâm, kiến thiết lùi sâu, thậm chí là hộ công, và lúc nào cậu ta cũng tuyệt vời". HLV Alex Ferguson, sau trận chung kết Champions League 2008 mà M.U của ông đã bại trận tâm phục khẩu phục, không nhắc về Messi, mà bảo rằng "Guardiola và Iniesta đã làm nên Barcelona".
Andres có nhãn quan chiến thuật và khả năng kết nối của Xavi. Và anh cũng có thể rê bóng luồn lách giữa hàng thủ đối phương, bằng kỹ năng đảo chân, sử dụng gầm giày điều khiển bóng lẫn khả năng phán đoán hành động của đối thủ, điêu luyện không kém gì Messi. Ai đó phàn nàn về kỹ năng dứt điểm của tiền vệ này có thể nhớ lại bàn thắng quyết định ở trận chung kết World Cup 2010 của anh, vào lưới Hà Lan.
Cũng trong bài trả lời phỏng vấn cách thời điểm Quả bóng Vàng được trao vài ngày, khi phóng viên hỏi Iniesta rằng anh luôn nguy hiểm hơn khi chơi gần khung thành, vậy tại sao chỉ thích đá ở vị trí "số 8", tiền vệ của Barca trả lời rằng anh thích chơi ở giữa sân hơn, tạo ra tính liên kết cho đội bóng bằng đường chuyền, và đó là cách để anh cảm thấy mình "hạnh phúc", trong bóng đá.
Sau World Cup 2010, Xavi thậm chí còn thấy bất bình vì một Iniesta xuất sắc nhường ấy lại không được truyền thông để ý: "Iniesta là cầu thủ toàn diện nhất của đội tuyển TBN. Anh ấy sở hữu tất cả mọi thứ, và cần được truyền thông ủng hộ".
Nhưng Iniesta luôn là như thế. Anh chọn cách lùi lại phía sau, bởi vai trò ấy khiến anh chạm đến tột đỉnh của nỗi đam mê nghề nghiệp, dù không chạm đến tột đỉnh của thành công. Con người ấy không cần Quả bóng Vàng, vì cuộc đời bóng đá của anh không cần Quả bóng Vàng để trở nên ý nghĩa hơn.
Số cầu thủ chuyên nghiệp trong các nước thành viên FIFA lên đến con số hàng triệu, và Quả bóng Vàng thì chỉ có một. Thiên tài như Messi, người đã chạm đến đỉnh cao ấy, có lẽ phải mất hàng chục năm mới xuất hiện một lần. Nhưng Quả bóng Đồng Iniesta đã dạy cho chúng ta biết rằng nếu cố vươn đến tột đỉnh của nỗi đam mê nghề nghiệp, thì bất kỳ ai cũng có một Quả bóng Vàng cho riêng mình, một cuộc đời và con đường họ đã chọn, kiên định, bỏ qua những phù phiếm, để sống theo ý mình.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)