Cách đây tròn 25 năm về trước, một cuộc cách mạng đã diễn ra tại Barca, mở đầu cho kỷ nguyên Dream Team I. Mọi sự bắt đầu từ phòng thay đồ của đội bóng…
Johan Cruyff, huyền thoại bóng đá người Hà Lan, cựu cầu thủ Barca những năm 70, chính thức được chủ tịch Josep Lluis Nunez của FC Barcelona bổ nhiệm làm HLV của đội bóng vào ngày 04 tháng 5 năm 1988. Công cuộc dọn dẹp phòng thay đồ, tái thiết một Barca mới bắt đầu từ đấy. Về sau, Johan Cruyff đã viết nên trang chói lọi nhất nhì lịch sử FC Barcelona.
Johan Cruyff viết nên trang sử huy hoàng cho Barca |
Đó cũng là lần thứ 2 Cruyff trở lại Barca từ Ajax. Lần này, ông đến không chỉ với tư cách là người làm thuê, mà còn có toàn quyền quyết định các vấn đề chuyên môn (trước đó chủ tịch Nunez rất hay thích can thiệp) trong điều kiện tốt nhất mà ban lãnh đạo mang đến. Đến Barca vào thời kỳ này, Cruyff trải qua một giai đoạn sóng gió khi Barca diễn ra cuộc “nội chiến” giữa các cầu thủ và chủ tịch đội bóng. Sự kiện đau lòng này đi vào lịch sử bằng việc một nhóm các cầu thủ được gọi bằng cái tên “Hesperia Mutiny” (theo tên của khách sạn nơi các cầu thủ này tập trung) do chính thủ quân Alexanco và Victor Munoz dẫn đầu và được sự cổ xúy của cả HLV đương nhiệm lúc bấy giờ là Luis Aragones, kêu gọi chủ tịch Nunez từ chức nếu không thông qua một số chính sách lương thưởng cho họ. Vụ lùm xùm này bị rò rỉ ra công chúng và đã gây nên sự phẫn nộ lớn từ người hâm mộ đội bóng.
Tuy nhiên, việc lựa chọn Cruyff thay Aragones lại không phải là giải pháp mong muốn của Nunez. Thực tế lúc bấy giờ ông lại chấm HLV Javier Clemente, một đồng hương của ông (xứ Basque). Song, ý định này đã không được sự chấp thuận của đại đa số thành viên ban lãnh đạo, những người đa phần ở phe chống đối, nắn gân Nunez rằng nếu Clemente ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng Barca, ông sẽ phải từ chức.
Clemente, kẻ thù của Barcelonismo
Clemente, thời điểm còn là HLV của Athletic Bilbao, luôn thường xuyên có những cuộc tranh luận nóng với Barca, cách hành xử của ông ta cho thấy đấy là một trong những “địch thủ” của Barcelonismo. Nhất là kể từ vụ việc Maradona (lúc còn khoác áo Barca) bị chấn thương nặng sau một pha vào bóng nguy hiểm của cầu thủ Andoni Goikoetxea bên phía Bilbao. Về sau, Clemente sang dẫn dắt Espanyol và tuyển TBN, ông vẫn tiếp tục duy trì sự thù hằn với đội bóng xứ Catalunya, nhất là với Cruyff.
Trong khi đó, Cruyff được xem là quân bài chủ chốt của phe đối lập Huguet với Nunez trong ban lãnh đạo ở cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm 1989. Nhưng cuối cùng, ngài chủ tịch Nunez cũng dự đoán được ý đồ này, cuối cùng ông đã “thuận theo chiều gió”, chấp thuận Cruyff, một phần cũng bởi ông đang cần những lá phiếu ủng hộ từ người hâm mộ sau vụ việc với nhóm cầu thủ “Hesperia Mutiny”.
Dọn dẹp phòng thay đồ
Vị HLV người Hà Lan chính thức bắt đầu công việc ở Barca vào tháng 6 năm 1988. Nhưng từ trước đó, sự ảnh hưởng của ông đã tràn trề ở Camp Nou. Một ngày trước khi Cruyff chính thức trở thành HLV trưởng Barca, chủ tịch Nunez đã thông báo trước báo giới rằng tại CLB sẽ diễn ra một cuộc “thanh trừng” chưa từng có với việc gần như cả đội hình một sẽ bị “trảm”. Khoảng 15 cầu thủ trong nhóm chống đối “Hesperia Mutiny” ngày trước bị Nunez thẳng tay trừng trị. Những cái tên lẫy lừng thời đó như “thiên tần tóc vàng” Bernd Schuster, Gerardo, Victor, Archibald, Hughes hay Clos,… bị “tống” sang những CLB khác. Thủ thành Zubizarreta (hiện nay là GĐ thể thao của Barca) sau khi công khai xin lỗi trước báo chí đã được xóa tội và trụ lại, cùng những Carrasco, Lineker hay Roberto. Người dẫn đầu “nhóm bạo động”, Alexanco may được Cruyff làm lá chắn, đã được giữ lại.
Sau khi lên nắm quyền, Cruyff mang về đội bóng hàng loạt những cầu thủ như Txiki, Bakero, Eusebio, Salinas hay Laudrup,… cũng như đôn lên đội một nhiều cầu thủ trẻ, điển hình như Amor, Milla,… từ ấy viết nên một chương rự rỡ của lịch sử Barca, tiêu biểu là việc 4 lần liên tiếp giành La Liga, 1 Winners’ Cup, 1 Cúp nhà Vua, 3 Siêu cúp TBN, 1 Siêu cúp châu Âu và 1 C1.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)