(Bongda24h) - Trong khi La Liga vẫn là "cái rốn" của châu Âu, thu hút hầu như tất thảy những ngôi sao sáng giá nhất lục địa già, thì ĐTQG Tây Ban Nha cũng có một năm "vàng mười" trên đấu trường quốc tế với chiếc cúp vô địch thế giới lần đầu tiên trong lịch sử. Tuy nhiên, bóng đá Tây Ban Nha lại chào tạm biệt năm 2010 bằng những sự kiện không mấy vui vẻ.
1. ĐT Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010
Sự căng thẳng, kịch tích của trận chung kết, bị dồn nén trong 116 phút trước đó, bung ra tất cả sau bàn thắng của Iniesta. Tiền vệ Tây Ban Nha cởi phăng chiếc áo chạy về phía cột cờ góc mừng chiến tích. Có thể hiểu được sự phấn khích của Iniesta cùng các đồng đội khi họ đem về chiếc Cup vàng danh giá cho đất nước của những chú bò tót trong lần đầu tiên lọt vào đến trận chung kết.
Tây Ban Nha - Ông vua mới của thế giới |
Hai năm sau khi lên ngôi ở Euro 2008, Tây Ban Nha trở thành nhà vô địch của World Cup 2010. Họ trở thành đội bóng thứ hai sau Đức làm được điều thần kỳ này. Dù không đăng quang thuyết phục như tại Áo và Thụy Sỹ, thế hệ vàng của bóng đá xứ bò tót vẫn chứng tỏ sự lên ngôi của lối chơi tiqui-taca, với hàng tiền vệ giàu sức sáng tạo cùng sự chắc chắn ở khả năng phòng ngự.
Những thống kê không biết nói dối. La Furia Roja là đội chuyền bóng nhiều nhất kể từ World Cup 1966, với tổng cộng 3.547 đường chuyền, nhiều hơn Á quân Hà Lan 1.000 đường chuyền. Trong đó, Xavi là cầu thủ thực hiện nhiều đường chuyền nhất kể từ World Cup 1966, với 669 lần, tỷ lệ chính xác đạt 81%. Điều này có được từ việc trong cả 7 trận đấu ở World Cup 2010, kể cả gặp các đối thủ mạnh như Đức hay Hà Lan, TBN luôn chiếm ưu thế chủ động trên sân. Nhờ đó, lối chơi đậm chất kỹ thuật của họ vẫn được phát huy. Bởi vậy, dù ghi ít bàn nhưng suốt hành trình Đế Vương, luôn có bữa tiệc tấn công đẹp mắt trong các trận đấu có sự góp mặt của TBN.
2. Barca vô địch La Liga năm thứ 2 liên tiếp
Barca khép lại mùa bóng 2009/10 với chức vô địch La Liga lần thứ 2 liên tiếp dưới triều đại Pep Guardiola. Vị thế và đẳng cấp của Barca ở đấu trường trong nước được thể hiện bằng điểm số kỷ lục (99), chỉ thua duy nhất 1 trận trong cả mùa (trước Atletico) và chiến thắng trong cả 2 trận El Clasico. Dù các CĐV Real có tiếc nuối, họ vẫn phải công nhận một điều: Barca đăng quang thuyết phục và xứng đáng.
3. Atletico Madrid vô địch châu Âu
Atletico Madrid đã đoạt chiếc cúp vô địch Europa League 2009/10 sau khi giành chiến thắng 2-1 trước Fulham trong trận chung kết diễn ra trên sân HSH Nordbank Arena (Hamburg, Đức). Tiền đạo người Uruguay Diego Forlan đã trở thành người hùng của Atletico Madrid, bởi anh đã ghi cả hai bàn thắng vào lưới Fulham, mang lại chiến thắng chung cuộc cho đội nhà sau 120 phút thi đấu.
Atletico "chìm nghỉm" sau chức vô địch châu Âu |
Không lâu sau, với hai bàn thắng của Reyes và Aguero, Atletico Madrid đã xuất sắc vượt qua Inter để giành Siêu Cúp châu Âu. Tiếc rằng, đội bóng thành Madrid không đáp ứng được kỳ vọng từ NHM, trở thành thế lực mới ở La Liga cũng như đấu trường châu Âu (bị loại ngay từ vòng bảng Europa League 2010/11).
4. HLV Mourinho đầu quân cho Real Madrid
Ngay sau khi đưa Inter Milan bước lên đỉnh châu Âu, nhà cầm quân người Bồ Đào Nha đã lập tức khẳng định ông sẽ chuyển tới làm HLV của Real Madrid. HLV được mệnh danh là “người đặc biệt” không giấu diếm tham vọng trở thành một HLV thành công ở 3 giải bóng đá mạnh nhất Châu Âu là Premier League của Anh, Serie A của Ý và La Liga của Tây Ban Nha.
Jose Mourinho |
Bản thân sự có mặt của Mourinho trên băng ghế huấn luyện ở Bernabeu đã là một cuộc cách mạng với đội bóng áo Trắng. Bởi lẽ, ngay từ khi bắt đầu triển khai kế hoạch "Galacticos", Florentino Perez đã không thực sự xem trọng vai trò của HLV. Nhưng đã có không ít những thách thức chờ đợi Mou ở phía trước. Làm việc ở Real chưa bao giờ là dễ dàng, thêm vào đó áp lực và kỳ vọng tại Bernabeu lớn hớn rất nhiều so với Inter hay Chelsea.
5. Cuộc "chạy đua vũ trang" giữa Real - Barca
Mùa chuyển nhượng nhiều biến động ở La Liga vẫn tập trung vào hai cái tên lớn là Barcelona và Real Madrid. Tổng số tiền mà 20 đội bóng của La Liga chi ra trong kỳ chuyển nhượng 2010 là hơn 260 triệu Euro (thấp hơn 10 triệu so với năm 2009). Nhưng riêng 2 CLB, Barcelona và Real Madrid đã chiếm đến gần 60% (hơn 150 triệu Euro). Đáng chú ý là những bản hợp đồng của David Villa (40 triệu euro), Di Maria (25 triệu), Javier Mascherano (22 triệu), Oezil (15 triệu), Khedira (12 triệu)...
6. Messi và Ronaldo giành giật Pichichi
Từ khi Cristiano Ronaldo chia tay Manchester United để về thi đấu cho Real Madrid (năm 2009) với khoản tiền chuyển nhượng cao nhất từ trước tới nay, bóng đá Tây Ban Nha sở hữu hai tiền đạo thượng thặng. Đến lúc này, Ronaldo và Messi đang trở thành đối thủ của nhau, "kẻ tám lạng, người nửa cân" trong rất nhiều cuộc tranh tài, đặc biệt là cuộc đua tới danh hiệu "Vua phá lưới" Tây Ban Nha.
Với phong độ ghi bàn hiện tại của Ronaldo và Messi, người hâm mộ hoàn toàn có thể chờ đợi bộ đôi này tái hiện phong độ ghi bàn “khủng” nhất sự nghiệp. Năm 2008, CR7 từng ghi 31 bàn cho Manchester United, còn Lionel Messi có thành tích tốt nhất là 34 pha lập công mùa trước.
7. Barca "bán linh hồn" cho Quỷ dữ
Barca đã kết thúc 111 năm từ chối quảng cáo trên áo đấu với hợp đồng kỷ lục trị giá 150 triệu euro với Quỹ Tài trợ Qatar. Lần đầu tiên kể từ khi thành lập đội bóng, Barca chấp nhận khoản lợi nhuận từ tiền quảng cáo trên áo đấu khi đồng ý ký hợp đồng có thời hạn 5 mùa giải, trị giá 30 triệu euro mỗi mùa với Quỹ Tài trợ Qatar - một tổ chức giáo dục ở Trung Đông, đồng thời đang tìm cách “đánh bóng” hình ảnh cho nước chủ nhà World Cup 2022. Số tiền này có thể tăng “phi mã” lên 170 triệu euro trong 5 năm, tùy theo thành tích của Barca ở các đấu trường họ tham dự.
Rất nhiều người, đặc biệt là CĐV trung thành của Barca, cho rằng đội bóng xứ Catalan đã “bán linh hồn cho quỷ dữ”. Ngay cả Chủ tịch danh dự Johan Cruyff cũng cực lực lên án hành động của BLĐ Barca. Ông cho rằng bộ sậu chủ tịch Rosell đã làm mất sự thiêng liêng của chiếc áo Barca - biểu tượng phi lợi nhuận.
8. Messi, Xavi và Iniesta chiếm lĩnh đề cử Quả bóng vàng
Barca độc chiếm cuộc đua Quả bóng vàng FIFA |
Ở mùa bóng trước, cả ba cầu thủ này đã có nhiều đóng góp giúp Barcelona giành chức vô địch La Liga và lọt vào chung kết Champions League. Tại World Cup 2010, Iniesta và Xavi đã thi đấu xuất sắc và cùng đội tuyển Tây Ban Nha lần đầu tiên bước lên ngôi vô địch. Trong khi đó, Messi đã chơi rất mờ nhạt trong màu áo đội tuyển Argentina.
9. Tây Ban Nha bị loại khỏi cuộc đua đăng cai World Cup 2018
Giành quyền đăng cai World Cup là một cuộc đua tranh hết sức quyết liệt và có nhiều bất ngờ ngoài tầm kiểm soát của các ứng viên. Những ứng viên là các nước công nghiệp phát triển như Anh, Mỹ hay Nhật Bản dễ dàng đáp ứng các tiêu chuẩn mà FIFA đặt ra -- từ cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông vận tải đến sân bãi hay tình hình an ninh và khả năng tài chánh. Còn nói về trình độ bóng đá và kinh nghiệm tổ chức các giải bóng đá quốc tế thì các nước ứng viên như Tây Ban Nha, Hà Lan, Bồ Đào Nha hay Anh có lẽ chẳng cần phải đưa ra bất cứ một số liệu nào để minh chứng với thế giới.
Thế nhưng kết quả diễn biến của cuộc bầu chọn quốc gia để FIFA trao quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022 diễn ra tại Zurich, Thụy Sĩ đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Trong cuộc đua này, Nga đã vượt qua Anh, liên danh Bồ Đào Nha-Tây Ban Nha và liên danh Bỉ-Hà Lan. Đây chẳng khác nào cái tát muối mặt vào những người dân bán đảo Iberia. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là hai nước có nền bóng đá phát triển, đứng top 10 trên BXH FIFA, lại sở hữu những gương mặt sáng giá nhất thế giới cùng kinh nghiệm tổ chức các giải đấu lớn như EURO, World Cup...
10. ĐT Tây Ban Nha thảm bại trên đất Argentina và Bồ Đào Nha
Trở về từ Nam Phi với chiếc cúp vàng danh giá, rất nhiều cầu thủ Tây Ban Nha đã sớm tỏ ra tự mãn. Bằng chứng là ngay ở trận cầu đầu tiên dưới danh nghĩa nhà ĐKVĐ thế giới, họ phải chật vật cầm hòa Mexico 1-1, sau khi bị dẫn trước trong phần lớn thời gian thi đấu chính thức. Ít ai ngờ rằng, nhà ĐKVĐ thế giới lại trình diễn lối đá phòng ngự lỏng lẻo và tấn công bế tắc khi làm khách Argentina.
TBN đã chơi rất tệ trong các trận giao hữu sau World Cup 2010 |
Bản thân HLV Del Bosque cũng đã nhận ra nguy cơ tiềm ẩn từ sự chủ quan của các cầu thủ và lên tiếng cảnh báo học trò trước chuyến đi tới Argentina, nhưng sau thất bại muối mặt ở Monumental, những đôi chân đang bay bổng kia cũng chưa thể trở lại mặt đất. Ít lâu sau, cơn địa chấn đã xảy ra tại La Luz khi nhà vô địch World Cup 2010 bị láng giềng Bồ Đào Nha vùi dập với tỷ số 4-0. Helder Postiga lập cú đúp, hai bàn thắng còn lại được ghi bởi Martin và Almeida... khiến Tây Ban Nha có thất bại đậm nhất kể từ năm 1963.
- Phong Hải