Luật Tài chính công bằng đã lên kế hoạch tước đi quyền tham dự cúp châu Âu của 34 đội bóng trong một đợt thanh lọc cách đây vài tháng, trong đó có không ít cái tên đi theo chủ trương dùng tiền mua danh hiệu tương tự như Manchester City hay Paris Saint-Germain. Trong số đó có rất nhiều cái tên quen thuộc mà người ta phải giật mình như Atletico Madrid và Malaga của Tây Ban Nha, 2 đội bóng chi tiêu cho lực lượng rất mạnh trong thời gian gần đây, trong đó có Malaga còn lâm vào tình trạng nợ lương; để giải quyết tình hình đội bóng này đã bán đi hàng loạt trụ cột mà tiêu biểu là Cazorla và Monreal đang đầu quân cho Arsenal. Bên cạnh đó là Sporting Lisbon của Bồ Đào Nha (mỏ đào tài năng trẻ của Manchester United), Rubin Kazan, đại gia nước Nga, Partizan của Serbia và Fenerbahce SK của Thổ Nhĩ Kì.
Ở đợt thanh lọc đầu tiên này, 4 siêu đại gia của bóng đá thế giới là Man City, PSG, Real Madrid và Chelsea chưa có tên, một diễn biến rất bất ngờ đối với người hâm mộ. Thế nhưng đến lần này, chính UEFA đã lên tiếng cảnh báo 2 đại gia Man City và PSG về thói tiêu tiền không cân nhắc của mình. Thứ Hai vừa qua, cơ quan quyền lực nhất của bóng đá châu Âu đã bày tỏ quyết tâm trục xuất 2 đội bóng này khỏi các giải đấu tầm cỡ châu Âu nếu họ không tuân thủ luật Tài chính công bằng. Nghiêm trọng hơn, UEFA sẽ xử lý nặng tay với những trường hợp sử dụng vốn tự điều động hoặc tiền cá nhân được thông qua các thủ tục hợp lý hóa tài chính để sử dụng vào các hoạt động của đội bóng. Không một đội bóng nào được sử dụng tiền túi của ông chủ để lách luật Tài chính công bằng, bởi như vậy sẽ mang lại sự thiệt thòi rất lớn cho các CLB không có ông chủ quá giàu có. Man City chắc hẳn nghe tới thông tin này thì cực kì chột dạ bởi lẽ cách đây 2 năm, họ đã kí một bản hợp đồng trị giá 350 triệu bảng, kéo dài trong vòng 10 năm cùng với hợp đồng quảng cáo áo đấu với hãng hàng không Etihad. Pha lách luật quá ngoạn mục này có mấu chốt nằm ở chỗ gia đình sở hữu Etihad cũng đồng thời là chủ của chính ... Man City. Như vậy, đội bóng nước Anh "bỗng dưng" có được 350 triệu bảng hợp pháp, đã được hợp lý hóa và được tính là một khoản thu nhập, mặc dù khoản "thu nhập" đó chỉ mang tính danh nghĩa.
Những bản hợp đồng lớn như Ibra lại đang đe dọa tương lai của đội chủ sân Parc de Princes |
Tương tự với trường hợp của PSG: từ nay đến năm 2016, PSG sẽ nhận được đều đặn 200 triệu bảng mỗi năm từ Qatar Tourism Authority và họ có đầy đủ quyền hạn để sử dụng số tiền này vào các hoạt động của CLB như chuyển nhượng, trả lương thưởng hay nâng cấp sân vận động. Đây là khoản tiền hoàn toàn là tiền túi của các ông chủ tại Parc de Princes, ai cũng biết điều đó nhưng vì đã được "hợp lý hóa" nên ai có thể lên tiếng được gi? Nhìn thấy sự thật không công bằng, Tổng Thư kí UEFA Gianni Infantino lên tiếng phát biểu với nội dung không thể phạt các đội bóng nói trên vì những khoản vốn này, bởi lẽ không đủ bằng chứng để chứng minh họ tự bỏ tiền túi (tất nhiên Man City và PSG đã xóa sạch dấu vết để UEFA không thể tìm ra dấu hiệu họ phạm tội), nhưng ông cũng đồng thời khẳng định:" Họ (MC và PSG) cần phải chứng minh được rằng CLB hoàn toàn có thể điều chỉnh chi tiêu nằm trong mức doanh thu họ đạt được mà không được gian lận. Nếu chúng tôi phát hiện ra bất kì biểu hiện gì của sự phạm tội, mọi hành vi sai trái sẽ không được dung thứ."
UEFA đương nhiên sẽ không ngại ngần gì về việc gạch tên các đội bóng lớn ra khỏi các giải đấu, dù cho họ có tầm ảnh hưởng trực tiếp đến danh tiếng của UEFA. Bằng chứng là cơ quan này đã thẳng tay gạch tên những Malaga hay Besiktas khỏi Champions League vì phạm vào luật tài chính công bằng. Với UEFA, một thị trường cân bằng quan trọng hơn chất lượng giải đấu, và trên thực tế nếu cắt giảm vài đội thì chất lượng Champions League cũng chẳng có dấu hiệu giảm đi chút nào. Thậm chí, có những đội bóng tuyên bố kiện UEFA nếu cơ quan này tước đi quyền chơi cúp châu Âu của họ, nhưng theo Infantino, UEFA có nền tảng luật lệ chắc chắn để dựa vào, nên những đội bóng bị phạt thì nên cố gắng chấp nhận và sửa chữa trong tương lai thì hơn. Thậm chí, để dằn mặt trước một số ông lớn ở Anh, Infantino còn "nói bóng nói gió" về chuyện có vài đội bóng thuộc xứ sở sương mù đã vượt quá mức lỗ 45 triệu Euro tối đa cho phép suốt 3 năm tài khóa vừa qua. Tất nhiên, "vài đội bóng" này không ai khác chính là Chelsea và Manchester City.
Infantino phát biểu:" Năm ngoái, khi chúng tôi tung ra điều lệ về mức lỗ tối đa cho một CLB, UEFA đã tuyên bố đó là hồi chuông cảnh tỉnh cho các đội bóng tại châu Âu. Tuy nhiên, họ không sẵn sàng điều chỉnh tài chính, mà lại sẵn sàng cho những vụ kiện."
Cần phải nhìn nhận vào một sự thật rằng những năm vừa qua, chênh lệch giữa chi phí và doanh thu của một CLB trung bình tại châu Âu luôn nằm ở mức rất cao: chi phí nhiều hơn doanh thu 12.7% là con số mà UEFA thu được từ năm ngoái. Số tiền lỗ của toàn bộ các đội bóng châu Âu đã được thổi phồng từ 0.6 tỷ bảng năm 2007 lên tới 1.7 tỷ bảng năm 2011, một con số rất đáng báo động khi rõ ràng các ông chủ của các CLB tỏ ra chịu chơi hơn rất nhiều trong việc hét giá cầu thủ cũng như trả lương cho nhân viên, dẫn đến việc cầu thủ có giá cao hơn nhiều khủng khiếp so với giá trị thực, đồng thời giá trung bình của cầu thủ trên thị trường chuyển nhượng có tốc độ tăng trưởng chóng mặt. Thứ Năm này, UEFA sẽ có một cuộc họp nữa để quyết định bao giờ là thời điểm thích hợp để tiếp tục làm một cuộc thanh lọc mạnh tay với những đội bóng không trung thực trong vấn đề tài chính của mình. Lúc đó, không chỉ Man City và PSG, không ít CLB nữa sẽ bị sờ gáy.
- Thành Nguyễn - Bongda24h.vn