Tạm thời, những công việc của Louis-Dreyfus tại Marseille sẽ do vợ ông, bà Margarita đảm nhận. Margarita muốn hoàn tất giấc mơ dang dở của Louis-Dreyfus. Tức là bà sẽ phiêu lưu cùng Marseille ít nhất cho tới khi CLB đoạt được danh hiệu chính thức đầu tiên (VĐQG, Cúp Quốc gia, Cúp Liên đoàn, các cúp châu Âu). Tuy nhiên nói thì vậy, nhưng thực tế lại khác. Những người yêu mến Marseille không thể không đặt ra một loạt câu hỏi sau sự ra đi đột ngột của Louis-Dreyfus.
Ai sẽ trở thành cổ đông chính của CLB?
Margarita (bìa phải) sẽ tạm thay chồng điều hành Marseille
Sinh thời, Louis-Dreyfus đầu tư vào Marseille trên danh nghĩa cá nhân. O.M không phải một chi nhánh của Tập đoàn Louis-Dreyfus. Trước khi mất, Louis-Dreyfus đã chia vốn của ông tại Les Phocéens ra thành 2 phần. Một phần lớn (51%) do ông nắm giữ. Và 49% còn lại được bán cho 6 cổ đông khác (đều là các thành viên trong gia đình). Những người thừa kế của Louis-Dreyfus là bà vợ và 3 cậu con trai (đang ở tuổi vị thành niên). Vậy, Margarita sẽ là cổ đông chính của Marseille?
Ai là người thân cận nhất của Louis-Dreyfus tại Marseille?
Hiếm khi có mặt tại Marseille, nên Louis-Dreyfus giao việc điều hành CLB cho một nhân vật rất thân tín. Chỉ có điều, không ai biết được danh tính, tuổi tác của người này. Từ năm 2008, mọi công việc tại đội bóng chủ sân Vélodrome do Jacques Veyrat điều hành. Do đó, người ta “lờ mờ” hiểu rằng, rất có thể Veyrat chính là “cận thần” của Louis-Dreyfus.
Những thay đổi nào ở BLĐ?
Bộ máy lãnh đạo của Marseille biến động cách đây 15 ngày, trước khi Louis-Dreyfus qua đời. Nhưng sau sự kiện ngày 4/7, tất cả vẫn hoạt động bình thường: Vincent Labrune tiếp tục giữ chức chủ tịch Hội đồng Giám sát, Jean-Claude Dassier là chủ tịch CLB, Jose Anigo làm GĐTT. Tuy nhiên, Louis-Dreyfus không còn, Vincent Labrune sẽ có tiếng nói quan trọng trong những quyết định của tân cổ đông chính (bà Margarita). Labrune cũng khẳng định, nếu bà Margarita muốn sáp nhập Marseille vào Tập đoàn Louis-Dreyfus hoặc bán CLB, ông không phản đối. Tháng 3/2007, Louis-Dreyfus từng muốn nhượng lại Marseille với giá 100 triệu euro.
Thành tích sân cỏ sẽ được cải thiện?
Ngay lập tức, sẽ không có những biến động về nhân sự, về chính sách chuyển nhượng tại Marseille. Nhưng liệu người kế thừa của Louis-Dreyfus có theo đuổi đến cùng giấc mơ dang dở của ông? “Cách biết ơn Louis-Dreyfus tốt nhất của BHL và cầu thủ Marseille chính là thực hiện một mùa giải đẹp nhất có thể. Người đàn ông này đã vực dậy một Marseille vô hồn, không sinh khí, thành một CLB biết cạnh tranh chức VĐQG và có nhiều tham vọng tại châu Âu. Tôi xin hứa sẽ nỗ lực hết mình để đem về sân Vélodrome những danh hiệu”, HLV Didier Deschamps khẳng định.
Còn quá sớm để nhận định về lời hứa của Deschamps, nhưng rõ ràng trước những gian nguy mới thấy được bản lĩnh của một đội bóng lớn. Marseille có vững tay chèo sau khi mất Louis-Dreyfus?
(Theo báo Bóng Đá)