Rất nhiều người không ưa kiểu thi đấu trịch thượng, bố đời và cách phát ngôn "không biết sợ" của Ibrahimovic, nhưng đó là bản tính con người. Còn về mặt chuyên môn, hỏi mấy ai dám vỗ ngực mình ngang tài với chân sút khó ưa người Thụy Điển.
Những người chỉ trích Zlatan Ibrahimovic có thể chia làm 3 loại. Không có gì nhiều để tranh cãi với 2 loại đầu. Họ là những người đơn giản cho rằng anh không thật sự đủ khéo léo hay kỹ thuật, và những người lập luận quen thuộc rằng Ibra vẫn chưa tỏa sáng ở “sân khấu lớn”, tức World Cup hay Champions League. Bạn sẽ không thể thuyết phục cả hai nhóm người đó, nên tốt nhất là không cần tranh luận.
Tuy nhiên, còn một nhóm thứ ba thú vị hơn. Họ là những người thừa nhận hay thậm chí là đánh giá cao tài năng của Ibra. Và chính vì họ công nhận những phẩm chất của anh; có thể nói một cách công bằng rằng không tiền đạo cao 1,95 mét nào trong lịch sử kết hợp được sức mạnh, sự dẻo dai và kỹ thuật như thế; họ chính là những người lấy làm khó hiểu nhất về việc tại sao Ibra vẫn chưa bước được vào ngôi đền của những siêu sao như Cristiano Ronaldo và Lionel Messi.
Nếu Ibra thực sự hết sức tài năng, thì phải có gì đó sai sót trong thái độ thi đấu khiến anh vẫn chưa thể nổi bật. Có lẽ là anh lười biếng, kiêu ngạo, có cái tôi quá lớn, quá ích kỷ, hoặc là tất cả những điều đó. Tóm lại, bạn sẽ không dễ yêu mến một người như vậy.
Tuy nhiên, sự thực có phải như thế? Hãy nhớ lại Ronaldo gần đây thừa nhận anh có “vấn đề về mặt hình ảnh”. Điều tương tự có lẽ cũng đúng với cầu thủ người Thụy Điển (dù không như Ronaldo, Ibra có lẽ chẳng quan tâm). Sự căm ghét Ibrahimovic có lẽ xuất phát từ cùng lý do tại sao nhiều người đã quay lưng lại với Ronaldo, nhất là giai đoạn khởi đầu sự nghiệp của anh. Một gương mặt ngạo nghễ, mái tóc bất trị, tốc độ, những pha xử lý rườm rà trên sân, tất cả đều hoàn hảo, không tốn chút sức lực. Chúng ta được giáo dục là phải ngưỡng mộ những ai làm việc chăm chỉ, cả Ibrahimovic và Ronaldo đều không có vẻ gì như thế.
Tất nhiên, đó chỉ là ảo giác. Ibra có một tuổi thơ chẳng hề dễ dàng. Ở tuổi 15, trong khi Messi và Ronaldo được bọc trong nhung lụa để trở thành các siêu sao tương lai, Ibra suýt phải từ bỏ bóng đá và đến làm việc ở một bến cảng. Tuy nhiên, ngưỡng mộ Ibrahimovic cũng có nghĩa là ngưỡng mộ chủ nghĩa cá nhân đầy lý tính, tinh thần “tôi là trước hết”, điều mà nhiều người khó công khai, dù ai cũng nghĩ vậy.
Xuất thân của Ibra khiến không có gì ngạc nhiên khi anh phải nghĩ tới mình trước nhất, vì xét cho cùng, sẽ không có nhiều người lo lắng cho anh. Ibra lấy đai đen taekwondo năm 17 tuổi. Cuốn tiểu sử của anh có tựa đề: “Tôi Zlatan” và trong suốt sự nghiệp, anh đã không ít lần tự sắp xếp các vụ chuyển nhượng sang những đội bóng lớn vì lợi ích bản thân.
Những cá tính đó đều không hợp với một người dễ gần và các thần tượng bóng đá hoàn thiện hoàn mỹ. Nhưng bù lại, kỹ năng bóng đá của Ibra là không thể nghi ngờ, điều khiến hàng loạt HLV danh tiếng nhất đã chấp nhận cái tôi rất lớn của anh chỉ để có Ibra trong đội hình. Có thể kể ra đây Ronald Koeman, Fabio Capello, Roberto Mancini, Jose Mourinho, Pep Guardiola và giờ là Carlo Ancelotti.
Một lý do nữa khiến nhiều người ghét anh là trong khi những đội bóng cùng các HLV kể trên giành được kết quả tốt hơn với Ibra trong đội hình, họ thường chơi thứ bóng đá xấu xí hơn (nổi tiếng nhất có lẽ là ở Barcelona, nơi một nhà báo bóng đá bình luận Ibra là “vật cản khiến Messi và Andres Iniesta không thể bùng nổ”). Nhưng liệu đó thực sự có phải là lỗi của anh?
Để kết luận, cáo buộc rằng Ibra không phải là một cầu thủ “biết chơi đồng đội” theo nghĩa truyền thống là lập luận mạnh mẽ nhất chống lại anh, nhưng rất có thể, đó cũng chính là lý do khiến Ibra thành công đến như vậy.
Chiêu Văn - Bongdaplus.vn