Thứ Năm, 21/11/2024Mới nhất
Zalo

Auxerre soán ngôi đầu của Bordeaux: Chaban-Delmas sụp đổ!

Thứ Hai 23/11/2009 16:13(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Chuỗi 39 trận bất bại đã dừng lại. Pháo đài từng là mồ chôn của những đại gia xứ lục lăng (PSG, Lyon) cuối cùng đã sụp đổ và trận thua trước Valenciennes là thất bại thứ hai liên tiếp của Bordeaux ở Ligue 1. Đã đến lúc đặt ra câu hỏi: Đây mới là mầm mống của một cuộc khủng hoảng, hay thực sự thì đội bóng xứ rượu vang đang nằm trong khủng hoảng rồi?

Sự sụp đổ về mặt chiến thuật?

Những con số thống kê dường như nói lên rằng giữa hai bên tồn tại một sự chênh lệch khủng khiếp: Bordeaux cầm bóng với thời lượng gấp đôi đối thủ (68% so với 32% của Valenciennes), tung ra số lần dứt điểm gấp... 8 lần (24 và 3), hưởng số lần phạt góc gấp 9 lần (9 và 1)! Nhưng kết quả đã phản ánh đúng cục diện của trận đấu: Chiến thắng của Valenciennes được xây đắp từ thành công gần như tuyệt đối về mặt chiến thuật, với đấu pháp linh hoạt được áp dụng rất bài bản và rõ nét trong từng thời điểm của trận đấu.

Sự may mắn đã giúp họ thành công ngay trong đợt bắn phá đầu tiên (Mamadou Samassa mở tỉ số từ phút thứ 7), và lấy đó làm nền tảng để dựng lên một bức tường không thể công phá. Tất nhiên, sự bế tắc của Bordeaux một phần đến từ việc trước trận đấu chỉ vài giờ đồng hồ, họ nhận tin Yoann Gourcuff không thể đá trận này vì chấn thương dính phải trong buổi tập. Như thường lệ, chỉ cần mắt xích quan trọng ấy bị lỗi, Laurent Blanc đã phải thay đổi cả hệ thống: Sơ đồ 4-1-2-1-2 với vị trí hộ công thuộc về Gourcuff bị cất vào tủ, và cách sắp xếp cổ điển 4-4-2, với Yoann Gouffran đá cánh, được trọng dụng.

Bordeaux đã gục ngã ở Chaban-Delmas


Sức sáng tạo giảm sút buộc Bordeaux phải chuyển trọng tâm tấn công từ trung lộ sang đánh biên, và Valenciennes chỉ cần bố trí một thế trận đơn giản: Sơ đồ 3-5-2 của họ (đó cũng là lần đầu tiên mùa này, VA chơi với ba trung vệ) với tuyến giữa và hàng thủ chơi rất gần nhau, thực hiện xuất sắc đồng thời hai nhiệm vụ: Bịt chặt hai biên và chia cắt hoàn toàn mối liên lạc giữa hàng tiền vệ và các chân sút của Bordeaux

Ngôi đầu là của Auxerre

Bảy năm mới có một lần

Lần cuối cùng Auxerre ngự trị ở vị trí số một trên bảng xếp hạng cách đây đã bảy năm. Ngày 3/11/2002, bất chấp thất bại 1-3 trước Lens, họ vẫn đứng trên đỉnh Ligue 1. HLV thời đó là nhà cầm quân huyền thoại Guy Roux, một tượng đài của sân Stade l'Abbé-Deschamps. Đó là thời kỳ “thịnh vượng” nhất trong một thập kỷ qua của Auxerre. Giờ đây, HLV Jean Fernandez đã tái lập lại được kỳ tích ấy, và điều đáng nói là Auxerre của ông bước lên vị trí cao nhất nhờ một chiến thắng, chứ không phải sau một thất bại như cách đây bảy năm.

Sự bế tắc do bị chia cắt ấy thể hiện rõ nhất ở những pha bóng...bắn chim liên tiếp của Wendel từ khoảng cách rất xa (ít nhất năm tình huống vào các phút 22, 27, 53, 57, 70), và việc bộ đôi đại diện cho cơ bắp (Alou Diarra) và bộ não (Gourcuff) của Bordeaux không thể thi đấu hóa ra làm suy yếu thảm hại sức mạnh của nhà ĐKVĐ. Tin xấu vẫn chưa hết: Gourcuff cũng sẽ không thể có mặt trong trận gặp Juventus ở Champions League sau đây ba ngày. Giờ đây, Bordeaux rõ ràng đang lâm vào một cuộc khủng hoảng. Dù mức độ của nó chưa lớn, nhưng khi những điểm tựa tinh thần của họ là sức mạnh đáng nể ở Chaban-Delmas và ngôi đầu Ligue 1 mùa này đã đổ sập, chưa thể biết được những ngày sắp tới sẽ còn khó khăn đến đâu.

Phía sau, “chú ngựa ô” Auxerre lặng lẽ đánh chiếm ngôi đầu, với thắng lợi 2-0 trước Monaco . Đó là chiến thắng thứ bảy liên tiếp ở Ligue 1, được xác lập nhờ một lối đá tấn công theo kiểu hiệp sĩ trung cổ: Phiêu lưu đến mức liều lĩnh. Ngược lại, sơ đồ với năm hậu vệ cũng không giúp gì cho HLV Guy Lacombe trong việc ngăn chặn sức công phá như sóng đánh vỡ đê từ phía Auxerre. Người “thổi hồn” lối đá ấy cho Auxerre là HLV Jean Fernandez, chiến lược gia đã đưa đội bóng lên đỉnh cao hiện tại qua một quá trình bền bỉ xây đắp ý tưởng của mình suốt ba năm gắn bó với Auxerre.

Giờ đây, ngôi đầu đã là của họ. Và người ta đã thấy được dấu ấn rõ nét của các nhà cầm quân ảnh hưởng lớn như thế nào đến thế cục Ligue 1 hiện tại như thế nào...

Lyon cũng vấp ngã: Các đại gia nhiễm “cúm”?

 

Bordeaux “gọi”, Lyon “trả lời”, dù không nhiệt tình cho lắm. Khi đại dịch cúm A đã tạm lắng, các “đại gia” ở Ligue 1 có vẻ như đang “hắt hơi sổ mũi” vì một chứng bệnh “đến hẹn lại lên”: Virus FIFA.

Chính con Virus nguy hiểm ấy đã loại cả Gourcuff lẫn Alou Diarra ra khỏi vòng chiến, và khiến Bordeaux phải thua trận trên sân nhà lần đầu tiên sau ba năm. Con Virus ấy cũng khiến Lyon đầu hàng trước sức kháng cự mãnh liệt ở thế cùng đường của Grenoble, đội bóng trước đó mới chỉ giành được một điểm sau 12 trận đã đấu. Chiến thắng đầy tranh cãi của ĐT Pháp chung cuộc ở loạt play-off với Ireland “cướp” đi Jeremy Toulalan, chốt chăn quan trọng nhất ở tuyến giữa Lyon. Miralem Pjanic, người đã vắt kiệt sức lực cho đội tuyển Bosnia - Herzegovina mà vẫn không thể giúp đội nhà có mặt ở World Cup sang năm, cũng không thể chơi ngay từ đầu vì tình trạng thể lực không đảm bảo.

Ngược lại, hóa ra đội bóng nhỏ cũng có những lợi thế của riêng họ. Valenciennes không có tuyển thủ quốc gia nào phải chạy “sô” suốt chiến dịch vòng loại, còn Grenoble chỉ “mất” trung vệ Bostjan Cesar, được cất lên ghế dự bị để dưỡng sức. Còn lại, thể lực vượt trội so với hai “ông lớn” đã giúp họ dễ dàng triển khai một thế trận chắc chắn, dựa trên việc chiếm ưu thế trong những pha tranh chấp tay đôi và bứt phá tốc độ. Daniel Ljuboja, người được “mệnh danh” là “Ngài 80%” (anh đã ghi 5/6 bàn Grenoble có tính đến thời điểm hiện tại), bất ngờ vào sân từ ghế dự bị sau một quãng thời gian dài nghỉ vì chấn thương và ghi bàn ấn định tỉ số 1-1. Khi để một cầu thủ vẫn còn đau bệnh như thế ghi bàn chỉ hai phút ngay sau khi Laurent Courtois của Grenoble bị đuổi khỏi sân (!), thì đúng là tình trạng thể lực của Lyon đang rất có vấn đề.

Yếu điểm ấy là “căn bệnh” chung của hầu hết các CLB lớn trên toàn châu Âu, chứ không riêng gì Bordeaux và Lyon. Không phải ngẫu nhiên mà họ lại “rủ nhau” vấp ngã trong quãng thời gian gần đây, khi chiến dịch vòng loại World Cup bước vào những khúc cua căng thẳng nhất. Thế nhưng, những khó khăn vẫn chưa kết thúc. Phía trước là Champions League, và các đại gia Ligue 1 đang bước vào vòng xoáy tất yếu của bất kỳ một đội bóng nào muốn khẳng định tầm vóc của mình ở tầm châu lục. Và thậm chí là thế giới.

Kết quả cụ thể

Bordeaux- VA 0-1
Lens - Nancy 2-1
Rennes - Le Mans 2-1
Grenoble - Lyon 1-1
Auxerre - Monaco 2-0


(Theo Thể Thao Văn Hoá)
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Lịch thi đấu bóng đá ngày 15/11: Bồ Đào Nha - Ba Lan, Đan Mạch - Tây Ban Nha

Lịch thi đấu bóng đá ngày 15/11: Bồ Đào Nha - Ba Lan, Đan Mạch - Tây Ban Nha

Lịch thi đấu bóng đá ngày 15/11: Bồ Đào Nha - Ba Lan, Đan Mạch - Tây Ban Nha

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay 15/11/2024. Lịch thi đấu UEFA Nations League Bồ Đào Nha - Ba Lan, Đan Mạch - Tây Ban Nha; lịch thi đấu V-League; lịch trực tiếp bóng đá.

Video

Xem thêm
top-arrow
X