Serie A từng đứng trên đỉnh thế giới. Những cầu thủ hàng đầu chơi bóng ở đây, các đội bóng Italy là khách quen của những trận chung kết Cúp châu Âu, những chiếc tivi trên khắp thế giới bật lên vào mỗi tối chủ nhật để xem “bảy chị em” - biệt danh của bảy đội bóng mạnh nhất Serie A một thời tranh tài. Với những người trẻ tuổi hiện nay, đó có thể là chuyện khó tin. Nhưng sự thực, 20 năm về trước, Serie A “là riêng, là duy nhất và không đối thủ nào có thể sánh cùng”.
Quá khứ huy hoàng
Từ năm 1989 đến 1998, chín trong 10 trận chung kết Cup C1/Champions League có đại diện Italy tham dự, và vô địch bốn lần trong trong số đó. Bảy trận chung kết UEFA Cup từ 1989 đến 1995, sáu nhà vô địch đến từ Serie A. Từ năm 1989 đến 1999, có 14 đội bóng Italy lọt vào các trận chung kết.
Marco Van Basten (phải) và Ruud Gullit (trái) nâng cao chức vô địch Champions League trong màu áo AC Milan |
Những huyền thoại như Diego Maradona, Roberto Baggio, Zinedine Zidane, Marco van Basten, Ruud Gullit, Frank Rijkaard, George Weah và Lothar Matthaus đều chơi bóng ở Serie A trong thời kỳ đỉnh cao. Mùa hè 1984, Maradona ra mắt ở Napoli trước 75.000 khán giả. Vịnh Naples trở thành tâm điểm của giới truyền thông thế giới và các cổ động viên phát điên khi chứng kiến “Cậu bé vàng” tỏa sáng ở sân San Paolo.
30 năm sau, ở sân San Siro, một cầu thủ người Chile có tên Gary Medel lặng lẽ đặt chân lên bán đảo Italy với bản hợp đồng trị giá hơn 17 triệu đôla. Tiền vệ có bảng thành tích khá khiêm tốn và ít được biết đến chính là một trong những vụ chuyển nhượng giá trị nhất của Serie A hè này. Đã qua rồi cái thời, Inter, Milan hay Juventus chi những khoản tiền lớn để đưa về Zlatan Ibrahimovic, Samuel Eto’o hay Wesley Sneijder - những ngôi sao hàng đầu thế giới.
Hiện tại suy thoái đến tận đáy
Italy không còn là mảnh đất hứa với các tài năng, đa phần họ đều đến Tây Ban Nha, hoặc Ngoại hạng Anh. Serie A cũng không còn hấp dẫn khán giả truyền hình, những người đổ xô đi xem Ngoại hạng Anh, hoặc Đức - nơi bóng đá được cho là hấp dẫn hơn.
Ngay trên sân nhà, Serie A cũng bị chính các cổ động viên Italy quay lưng. Họ chẳng buồn đến sân vận động để hò hét, cổ vũ, mà thay vào đó, chọn đến quán bar, vừa uống bia và vừa xem bóng đá qua tivi. Thành tích của các đội bóng Italy tuột dốc thảm hại và Serie A khó mơ lấy lại vị trí thứ ba từ tay người Đức trên bảng xếp hạng các nền bóng đá châu Âu chứ đừng nói đến chuyện nhòm ngó vị trí thứ nhất và thứ hai đang thuộc về Ngoại hạng Anh và La Liga.
Khoảng cách càng ngày càng xa giữa Serie A và các giải đấu khác một lần nữa được tô đậm tại kỳ chuyển nhượng năm nay. Rất nhiều ngôi sao tại các CLB Italy đang nhấm nhổm chuyện đi hay ở. Arturo Vidal, Paul Pogba... bị các đội bóng bên ngoài nhòm ngó. Serie A bị hút máu đến cùng cực.
Italy giờ đây trở thành nơi dưỡng già cho các cầu thủ. Các ngôi sao một thời như Nemanja Vidic, Patrick Evra được những đội bóng lớn ở đây trải thảm đỏ mời về. Các ông chủ ở Serie A mừng như bắt được vàng khi ký hợp đồng chuyển nhượng tự do với các cầu thủ hết thời hoặc có chút danh tiếng như Seydou Keita, Alex, Diego Lopez hay Jeremy Menez.
Những trận derby giàu truyền thống nhất bậc nhất thế giới ở Italy đang dần bị bỏ quên |
Sức mạnh của một giải đấu phản ánh qua hầu bao của các đội bóng. Từ năm 1952 đến 1992, bóng đá thế giới chứng kiến 17 lần kỷ lục chuyển nhượng bị phá vỡ và 15 trong số đó đến từ các đội bóng Italy. Chuyên gia phân tích tài chính Alex Thorpe nói với tờ Goal: “Vào những năm 1980-1990, Serie A là giải đấu sinh lời nhiều nhất. Còn bây giờ, Ngoại hạng Anh đã vượt lên trên rất nhanh. Mùa giải 1996-1997, người Anh thu về lợi nhuận 917 triệu đôla, trong khi người Italy kiếm được 738 triệu, con số chênh lệch không quá cao. Thế nhưng đến nay, Ngoại hạng Anh đã vượt qua Serie A hơn 1,7 tỉ đôla”.
“Sự so sánh giữa Ngoại hạng Anh và Serie A không hẳn là công bằng, vì đến giải đấu có lời thứ hai thế giới như Bundesliga còn kém Ngoại hạng Anh đến 1,2 tỉ đôla. Tuy nhiên, việc Serie A không còn giữ được vị thế của một giải đấu hàng đầu là sự thực”, Thorpe phân tích.
Sự thịnh vượng của Serie A trong quá khứ không thể duy trì một phần là do những nguồn tài chính chống lưng của họ không còn. Tập đoàn Cirio - cổ đông lớn của Lazio vỡ nợ, tập đoàn chống lưng cho Parma là Parmalat bị sụp đổ. Trong khi đó, Fiorentina không thể trả nợ và phải cầu cứu chính quyền, Napoli thì bị phá sản năm 2004. Serie A bị những khoản nợ ám ảnh do trình độ quản lý tài chính yếu kém.
Những kế hoạch phục hồi
Trong 20 đội tại Serie A, chỉ có Juventus và Sassuolo sở hữu sân vận động riêng. Nhưng việc Juventus khánh thành sân đấu khang trang của họ vào năm 2011 đang là lá cờ đầu để các đội bóng khác noi theo. AS Roma vừa trình làng kế hoạch xây dựng tổ hợp sân đấu, và dự kiến, sẽ hoàn thành vào năm 2016.
Sự kiệt quệ tài chính của bóng đá Italy trong những năm qua chịu ảnh hưởng lớn của nền kinh tế xuống dốc. Tuy nhiên, khi mà nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi, Serie A cũng có những bước đi mở ra thời kỳ mới. Các nhà đầu tư nước ngoài đang quay trở lại, với Inter và Roma gần đây đã được chuyển quyền sở hữu cho các ông chủ ngoại quốc.
Việc đẩy giờ thi đấu lên 12h30 trưa giúp tỉ lệ khán giả truyền hình của Serie A tăng lên nhờ lượng khán giả châu Á. Các đội bóng hàng đầu như Inter Milan, AC Milan hay Juventus đã bắt đầu vươn cánh tay của họ đến những thị trường tiềm năng bằng những chuyến du đấu, bằng những trận đấu sớm.
Bóng đá Italy có những nét rất riêng mà tiền đôi khi không phải là tất cả. Serie A cần sự chăm bẵm đầy kiên nhẫn của những người như Angelo Moratti hay Umberto Agnelli trước kia. Khi có những con người nhiệt huyết đưa con thuyền Serie A đi đúng hướng, một ngày nào đó, bóng đá Italy sẽ lại trở lại với vị thế năm nào, và sẽ có những Maradona mới lại đến.
Theo Vnexpress