Từng là chiếc nôi sản sinh ra những cỗ máy ghi bàn trứ danh như Paolo Rossi, Toto Schillaci, Roberto Baggio, Filippo Inzaghi, Christian Vieri và Alessandro Del Piero…, nhưng có ai ngờ hàng công của tuyển Ý cũng có ngày không bói ra nổi một chân sút đẳng cấp!
Từ những năm 1980 đến trước lần vô địch World Cup 2006, sự thành công của tuyển Ý ở các giải đấu lớn thường gắn liền với sự tỏa sáng của một tiền đạo. Tại Espana 1982 (Tây Ban Nha), Paolo Rossi, trong lần tái xuất sau ba năm bị cấm thi đấu vì dính líu đến cá độ, đã toả sáng rực rỡ với sáu pha lập công đưa đoàn quân áo thiên thanh đăng quang. Đến Italia 1990, Toto Schillaci tái hiện thành tích của Rossi, dù tuyển Ý chỉ giành được hạng ba. USA 1994 (Mỹ), Roberto Baggio có lẽ được nhớ tới nhiều hơn với tình huống sút vọt xà quả 11 mét quyết định trong trận chung kết gặp Brazil, nhưng xét dấu ấn xuyên suốt cả giải đấu, ngôi sao nổi tiếng với mái tóc đuôi ngựa xứng đáng được tôn vinh với năm bàn thắng và lối chơi mê hoặc lòng người. Sau thời kỳ vàng của những Rossi, Schillaci và Baggio, người Ý lần lượt có thêm Filippo Inzaghi, Christian Vieri và Alessandro Del Piero tiếp nối các bậc đàn anh để tạo nên một hàng công đáng sợ cho đoàn quân áo thiên thanh.
Ý giờ không có ai để thay thế cho những tượng đài như Roberto Baggio (trái) và Alessandro Del Piero
Ba người không bằng một Baggio
Từ hoài niệm về quá khứ, người ta bỗng giật mình khi nhìn vào hàng công của tuyển Ý hiện giờ. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, huấn luyện viên Cesare Prandelli thừa nhận những gương mặt trụ cột trên hàng công của ông là Mario Balotelli và Antonio Cassano. So về danh tiếng và tài năng, Balotelli và Cassano đúng là hai tiền đạo hàng đầu hiện nay của Ý. Nhưng khi phân tích kỹ về chân giá trị lẫn tính hiệu quả, cặp đôi này hoàn toàn kém xa so với các bậc tiền bối. Balotelli nổi tiếng với những pha ghi bàn ngẫu hứng, nhưng cũng thường xuyên dính đến các vụ scandal trong lẫn ngoài sân cỏ. Trong khi đó, Cassano chưa một lần để lại dấu ấn nào đậm nét ở các giải đấu lớn. Ngày xưa, Baggio có 27 bàn sau 56 trận khoác áo Azzurri, trong khi cả ba tiền đạo hàng đầu của Ý lúc này gồm Balotelli, Cassano và Antonio Di Natale cộng lại cũng chỉ có 25 bàn sau 91 trận!
Người Ý vẫn tiếp tục là bậc thầy trong nghệ thuật phòng ngự. Gianluigi Buffon vẫn là một trong những thủ môn xuất sắc nhất thế giới. Franco Baresi và Paolo Maldini, Pabio Cannavaro và Alessandro Nesta đều có những truyền nhân đáng tin cậy, như Giorgio Chellini. Ngoài ra, hàng tiền vệ Thiên thanh với Andrea Pirlo, Claudio Marchisio hay Thiago Motta cũng thi đấu không hề kém cạnh một đối thủ nào, nhưng các tiền đạo giỏi người Ý thì vẫn đang ngày càng trở nên hiếm hoi.
Thậm chí ở thời điểm đoàn quân áo thiên thanh vô địch World Cup 2006 và á quân của Euro 2012, dấu ấn từ những tiền đạo để lại cũng không thật sự nổi bật. Trên nước Đức cách đây sáu năm, thầy trò huấn luyện viên Marcello Lippi chinh phục được chiếc cúp vàng nhờ tạo nên hệ thống phòng ngự không thể xuyên phá với đầu tàu Cannavaro. Trong khi đó, sự xuất sắc của Pirlo đã gánh cho cả 11 cầu thủ trên hành trình vào đến chung kết của tuyển Ý tại Euro 2012.
Không có chỗ cho người trẻ
Trong môi trường bóng đá Ý, tài năng một cầu thủ được đánh giá dựa trên sự chín mùi về kỹ thuật và chiến thuật, chứ không phải tuổi tác. Thậm chí theo quan điểm một số huấn luyện viên, một cầu thủ đã luống tuổi đôi khi lại mang đến nhiều kinh nghiệm quý báu. Điều này lý giải vì sao Di Natale vẫn được tham dự Euro 2012 dù đã bước sang tuổi 34 hay Luca Toni phải đến 29 tuổi mới được trao cơ hội góp mặt ở World Cup 2006. Cạnh đó, văn hoá bóng đá Ý xưa nay không mặn mà lắm với việc mở rộng cơ hội cho các cầu thủ trẻ, như ở Đức, Tây Ban Nha hay Anh. Điển hình, tiền đạo Sebastian Giovinco từng được xem như một trong những sản phẩm tài năng của lò đào tạo trẻ Juventus, nhưng anh vẫn phải lăn lộn qua nhiều năm chinh chiến những màu áo của Empoli và Parma trước khi chính thức được “bà đầm già” mua lại vào mùa hè 2012. Giuseppe Rossi là một ví dụ khác, khi nổi lên từ rất sớm, nhưng không thể tìm thấy chỗ đứng ở Serie A, dù sau đó anh cho thấy tài năng nổi bật của mình cùng Villarreal.
Từ chuyện bóng đá ở đất nước hình chiếc ủng chỉ toàn “kết” lứa cầu thủ đứng tuổi, có thể hiểu được lý do vì sao bóng đá Ý vẫn chưa sản sinh ra những tiền đạo lừng lẫy. Đơn giản, ở một đội bóng nếu anh không được cho ra sân thi đấu thường xuyên thì lấy đâu cơ hội để tỏa sáng. Trong khi ở các giải đấu khác, các tiền đạo có khi mới chỉ xấp xỉ 20 tuổi đã trở thành một trong những trụ cột, điều đó rất khó xảy ra ở Serie A.
Chân sút trẻ không được trọng dụng nhiều, vậy nên các đội bóng lớn tại Serie A phần đông đều sử dụng các tiền đạo ngoại. Inter Milan giành cú ăn ba lịch sử ở mùa giải 2009-2010 với dấu ấn đậm nét từ Diego Milito và Samuel Eto’o. Trong khi đó, Milan có Scudetto mùa 2010-2011 bởi đôi chân tài năng của Zlatan Ibrahimovic và Juventus trở thành tân vương hồi năm ngoái lại chính nhờ vô số đường kiến tạo bởi nhạc trưởng Pirlo, một tiền vệ Ý đã qua tuổi 30. Trên thực tế, vẫn có một số chân sút khác của bóng đá Ý ít nhiều tạo nên tiếng tăm như Rossi, Giampaolo Pazzini, Alessandro Matri, Pablo Osvaldo hay Fabio Borini… Song, tất cả họ đều chưa đủ tầm trở thành một ngôi sao lớn.
Sau cùng, cái tên được nhiều người đề cập đến nhiều nhất có thể trở thành một Vieiri hay Del Piero “đệ nhị” không ai khác ngoài Balotelli. Đánh giá về tài năng, tiền đạo sinh năm 1990 này có thừa, nhưng ngặt nỗi anh không phải mẫu tiền đạo điển hình của bóng đá Ý. Ở đây, các cổ động viên thích mẫu tay săn bàn lạnh lùng trên sân như Paolo Rossi hay Roberto Baggio, chứ không phải một cái đầu nóng theo phong cách đặc trưng của Balotelli.
Cạnh đó, vấn đề “thuần Ý” cũng trở thành rào cản khiến người hâm mộ không có cảm tình lắm với chân sút đang chơi cho Manchester City, tác giả của ba thắng cho tuyển Ý tại Euro 2012 vừa qua là một cầu thủ nhập cư gốc Ghana. Còn nhớ trong lần thứ hai khoác áo đội tuyển quốc gia của Balotelli, không ít khán giả đã la ó để chế giễu anh và phản đối chính sách nhập tịch của bóng đá Ý bằng cách giương biểu ngữ có nội dung “Nói không với cầu thủ đa quốc tịch”. Chưa hết, nhật báo thể thao hàng đầu Gazzetta dello Sport cũng châm biếm chân sút này bằng một biếm hoạ so sánh Balotelli như nhân vật King Kong tại Euro 2012.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)