Milan Lab, niềm tự hào những năm trước giờ hóa ra lại là điểm yếu nhất của Milan. Chính bởi sự kém hiệu quả của trung tâm này, số lượng ca chấn thương ở San Siro tăng đột biến khoảng 3 mùa giải trở lại đây. Dĩ nhiên, nó cũng ảnh hưởng lớn tới những kế hoạch đường dài của Milan.
Milan Lab được đưa vào sử dụng từ tháng 7/2002. Đây là trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ cao được áp dụng vào bóng đá do Milan xây dựng. Với Milan Lab, từng chỉ số kỹ thuật dù là nhỏ nhất của các cầu thủ, giả sử như số lần tim đập trong 10 giây khi đang chạy với tốc độ 30km/h, đều được ghi lại. Người đứng đầu Milan Lab, giáo sư Jean Pierre Meerseman, từng tuyên bố rằng trung tâm này có thể hạn chế 90% các ca chấn thương, nhờ vào việc đưa ra dự báo chính xác về tình trạng thể lực cũng như giới hạn hoạt động của từng cầu thủ. Ngoài ra, Milan Lab cũng rất thành công trong việc kéo dài tuổi thọ nghiệp cầu thủ nhờ các bài tập thể lực khoa học.
Milan Lab liên tục dự đoán sai về ngày trở lại của Pato ở mùa trước
Thực tế thì thời gian đầu, Milan Lab hoạt động rất hiệu quả. Nên nhớ chỉ sau 10 tháng kể từ ngày trung tâm này được thành lập, Milan đã vô địch Champions League 2002/03. Chưa hết, những “lão tướng” như Maldini, Gattuso, Ambrosini, Nesta… từng có thời điểm vẫn duy trì được phong độ ổn định dù đều đã quá tuổi “băm”. Thậm chí, Milan Lab nhiều thời điểm là hình mẫu của các CLB lớn ở châu Âu.
Tuy nhiên, đó đã là quá khứ. 3 năm trở lại đây, không quá chút nào nếu nói Milan Lab là thảm họa y tế của Rossoneri. Mùa giải trước, có thời điểm Milan vắng nguyên một đội hình chính thức. Chưa hết, Milan Lab cũng liên tục đưa ra những dự đoán sai về thời điểm trở lại của các cầu thủ. Ví dụ như Pato. Mùa trước, năm lần bảy lượt các bác sĩ khẳng định tiền đạo này sẽ sớm bình phục nhưng cuối cùng, ngày trở lại của Pato liên tục bị hoãn.
Trang Football-italia vừa đưa ra con số khiến người ta phải giật mình. Tổng cộng số trận vắng mặt của các cầu thủ Milan vì chấn thương kể từ mùa 2007/08 đến 2009/10 liên tục tăng, từ 151 (2007/08), 161 (2008/09) đến 218 trận (2009/10). Đến mùa 2010/11, số trận vắng mặt giảm đi chút ít xuống còn 184 trận.
Tuy nhiên, những ca chấn thương lại tăng đột biến vào mùa trước, lên tới 307 trận. Nên nhớ, cả mùa trước thì các cầu thủ Juve chỉ phải nghỉ 44 trận vì vấn đề thể lực. 5 năm trở lại đây, tổng cộng Milan có 1.021 trận thiếu quân do chấn thương, trong khi con số này ở Juventus là 742; Inter (839); Roma (707); Napoli (382). Thống kê trên cho thấy, không ở đâu tình trạng y tế thảm họa như ở Milan. Mới đây, PCT Galliani cũng phải thừa nhận: “Vấn đề lớn nhất của chúng tôi là quá nhiều cầu thủ chấn thương”.
Mùa giải hiện tại, công tác y tế ở San Siro vẫn chưa được cải thiện. Serie A mới qua được 2 vòng mà danh sách chấn thương ở nơi này đã có Pato, Robinho, Montolivo, Boateng, tất cả đều là trụ cột. Với tình trạng tồi tệ như hiện tại, thật khó để Milan đặt mục tiêu cao ở bất kỳ đấu trường nào.
(Theo báo Bóng Đá)