22 tuổi, được đánh giá là chân sút đầy triển vọng của Milan nhưng mỗi khi mùa giải mới bắt đầu, Paloschi lại phải khăn gói ra đi. Mùa này cũng vậy. Bởi anh chưa bao giờ được đánh giá cao ở San Siro. Paloschi là hình ảnh thu nhỏ cho số phận của những tài năng bóng đá trẻ ở Italia…
Sự kiện Paloschi tới đầu quân cho Chievo theo dạng cho mượn từ Milan chẳng khiến các tifosi ngạc nhiên. Họ đã quen với những thông tin như thế. Ở Serie A, tại những đội bóng lớn như Milan, các tài năng người bản địa thường không có chỗ đứng. Vì vậy, dù được xem như truyền nhân của Inzaghi, nhưng Paloschi vẫn không có cơ hội tại sân San Siro.Giovinco là trường hợp điển hình nhất cho sự lãng phí của Juve
Quay ngược thời gian, người ta thấy rằng điều này đã trở nên vô cùng phổ biến ở Calcio suốt hơn 10 năm trở lại đây. Nói đâu xa, Inter từng sở hữu hai mầm non sáng giá là Santon và Balotelli. Nhưng rốt cuộc, họ cũng đẩy hai cầu thủ này tới nước Anh. Cũng tại Inter, họ từng ngoảnh mặt với Acquafresca. Tiền đạo sinh năm 1987 này thi đấu ấn tượng ở mùa 2008/09 trong màu áo Cagliari theo dạng cho mượn với 11 bàn nhưng vẫn không thể thuyết phục Inter ký hợp đồng dài hạn. Thậm chí, Inter còn quyết định bán đứt Acquafresca cho Genoa. Đáng nói, ở một đội bóng vừa phải như Genoa, Acquafresca vẫn phải tiếp tục kiếp du mục với mỗi năm một điểm dừng chân. 24 tuổi nhưng Acquafresca đã kinh qua tới… 6 đội bóng khác nhau. Với sự bất ổn như vậy, thật khó để Acquafresca phát huy hết tiềm năng của mình.
Juventus từng sở hữu rất nhiều cầu thủ tài năng, nhưng với triết lý làm bóng đá mang phong cách “đại gia”, họ luôn ngoảnh mặt với những nhân tố giàu triển vọng ấy. Nocerino là một trong những trường hợp như thế. Năm anh 19 tuổi, Nocerino được đánh giá cao nhưng cuối cùng cũng phải rời Juve để tới đầu quân cho Genoa (2004). Giovinco là trường hợp điển hình nhất cho sự lãng phí của Juve cũng như các đội bóng lớn ở Serie A. 20 tuổi, Giovinco được nhận định là tương lai của Bianconeri, là người kế thừa lý tưởng cho Del Piero. Nhưng như đã biết, Juve cho Empoli mượn Giovinco rồi cuối cùng nhượng lại quyền đồng sở hữu tiền vệ này cho Parma. Và bây giờ, khi Giovinco 25 tuổi, họ mới mạnh dạn đặt niềm tin.
Dòng chảy của lịch sử đã chứng minh Italia không thiếu những tài năng trẻ. Nhưng, lịch sử cũng là nhân chứng cho sự lãng phí của các ông lớn ở Serie A. Để tồn tại, các cầu thủ trẻ phải có một quyết tâm mãnh liệt mới có thể phát triển. Và, không phải ai cũng may mắn như Nocerino (tới 27 tuổi mới nổi bật trong màu áo Milan), hay Balotelli, Santon (được tạo điều kiện ra sân ở CLB mới và toả sáng) hoặc Borini (cầu thủ chơi ấn tượng trong màu áo Roma mùa trước). Trong khi đó, Acquafresca là cái tên kém may mắn và giờ đây, tiền đạo này gần như bị lãng quên.
Thật khó có thể chê trách Inter, Juve hay Milan bởi họ cần phải đạt được những mục tiêu đề ra. Nhưng không sai khi nói, những ông lớn này đang quá lãng phí thế hệ trẻ. Họ cũng lãng phí tiền bạc để đâm đầu vào những bản hợp đồng đã thành danh. Ở Serie A, khái niệm kiên nhẫn dường như vẫn là quá xa xỉ với các đội bóng lớn.
Trung bình 23,7% số cầu thủ trong đội hình 1 của các đội bóng hàng đầu châu Âu đến từ nguồn “cây nhà lá vườn”. Trong khi ở Italia, 3 năm trở lại đây, tỷ lệ này chưa tới 10% - Thống kê của CIES Football Observatory (Tổ chức quan sát bóng đá nhà nghề).
(Theo Bongdaplus)