Một tuần trước, phát biểu trước báo chí, ông Tavecchio chỉ rõ điều đáng lo ngại số một của bóng đá Italy lúc này là có quá nhiều cầu thủ ngoại quốc. Đây thực chất cũng là vấn đề trăn trở nhất của FIGC dưới thời cựu chủ tịch Giancarlo Abete, nhưng người ta chưa thể tìm ra lời giải. Việc Abete từ chức sau thất bại của đội tuyển Italy tại World Cup 2014 được cho là thái độ nhận trách nhiệm cho sự bất lực của ông trước tình trạng ngày càng ít tài năng bóng đá Italy được phát hiện và bồi dưỡng.
Nhiều năm qua, FIGC vẫn để những đội bóng như Udinese, Catania hay Genoa tự do lách luật để nhập khẩu vô số cầu thủ ngoài EU nhằm mục đích “buôn người”. Luật của FIGC là không cấm chuyển nhượng các cầu thủ ngoài EU trong nội bộ Italy, nên từ Udinese và Genoa, các cầu thủ ngoại cứ tự do đến Inter, Milan hay Juventus. AS Roma và Napoli hiện nay chỉ còn 1 hay 2 cầu thủ Italy được đá chính. Juve vốn là trụ cột của đội tuyển quốc gia, mùa trước cũng chỉ có 5 cầu thủ Italy ở đội hình xuất phát thường xuyên.
Kế hoạch lớn của Tavecchio là thứ nhất, ngay sau khi đề án được thông qua, tất cả các đội bóng dự Serie A phải có ít nhất 4 cầu thủ nội trong danh sách thi đấu, và từ mùa giải 2015-16, con số này là 6 người. Thứ hai, FIGC sẽ áp dụng chế tài kiểm soát chất lượng cầu thủ ngoài EU theo hình thức cấp phép lao động như mô hình đang được sử dụng rất hiệu quả tại Anh. Thứ ba, từ mùa giải 2016-17, Serie A sẽ giảm từ 20 xuống chỉ còn 18 đội và Serie B giảm từ 22 xuống còn 20 đội.
Có thể tin Tavecchio đang thực sự quyết tâm làm bằng được những gì ông ấp ủ. Thắng cử chức chủ tịch FIGC nhờ nền tảng là gần 20 năm điều hành các cấp độ bóng đá nghiệp dư ở Italy, ông chắc chắn hiểu rõ năng lực sản xuất tài năng của nước nhà và những rào cản dưới thời người tiền nhiệm. Chính thái độ bất bình với sự dễ dãi của FIGC trong việc hạn chế cầu thủ vô danh ngoài EU đã khiến ông dính vào bê bối phân biệt chủng tộc, sau một phát ngôn thiếu mực thước trong quá trình tranh cử. Và ai cũng thấy bóng đá Italy đã sa sút thế nào kể từ mùa 2004-05, thời điểm Serie A tăng từ 18 lên 20 đội (và Serie B cũng tăng từ 20 lên 22 đội) chỉ vì không giải quyết được các xung đột nảy sinh sau khi một số đội bóng phá sản.
Tavecchio đã bị phản đối, thậm chí bị căm ghét và mạt sát vì thái độ phân biệt sắc tộc, nhưng ông chắc chắn sẽ chiếm lại được tình cảm của dư luận bóng đá Italy nếu quyết tâm thực hiện kế hoạch này đến cùng, bất chấp có thành công hay không. Bởi vì Calcio hùng mạnh trở lại là ước mơ của tất cả.
Theo Thể Thao Văn Hoá