Thứ Tư, 25/12/2024Mới nhất
Zalo

Nhìn từ vụ Kaka: Serie A giờ sính ngoại, thích "ông già"

Thứ Hai 09/09/2013 08:24(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Ricardo Kaka trở lại Milan. Diego Milito vừa ghi bàn trong trận đá tập sau 6 tháng chấn thương. Francesco Totti tỏa sáng rực rỡ ở tuổi 36, sắp được gia hạn hợp đồng thêm 2 năm. Sau khi san bằng kỷ lục của Gerd Muller, Miroslav Klose chuẩn bị gia hạn hợp đồng với Lazio. Cùng với Antonio Di Natale và Luca Toni đang là linh hồn của Udinese và Hellas Verona ở tuổi 35 và 36, Serie A cho thấy, giải đấu vẫn rất ưu ái những ông già.

Lớp trẻ là nguyên nhân hay nạn nhân?

Đó là tín hiệu đáng thất vọng, nếu chúng ta nhìn lại mùa trước. Ngọn hải đăng El Shaarawy những tưởng giúp các CLB Ý mạnh dạn tin vào lớp trẻ. Nhưng mùa này, hầu hết những măng non thi đấu ấn tượng năm ngoái đều mất vị trí tại CLB: El Sha thành kẻ ngoài cuộc tại Milan, đội chuyển sang đá 4-3-1-2 vì Kaka. Cũng vì Kaka, Saponara hết cơ hội đá chính. Florenzi ở Roma bị bật khỏi vị trí tiền đạo vì các tân binh Ljajic và Gervinho. Trong khi đó, Juve đã bán 50% giá trị Gabbiadini cho Sampdoria, đẩy Ciro Immobile đến Torino, CLB thứ 5 liên tiếp của anh sau 5 mùa giải.

Kaka (phải) đến và sẽ lấy chỗ của cả El Shaarawy lẫn Saponara.
Kaka (phải) đến và sẽ lấy chỗ của cả El Shaarawy lẫn Saponara.

Hậu vệ tuyển U21 Italy, Matteo Bianchetti cảm thán: “Có quá nhiều cầu thủ ngoại ở Italy khiến chúng tôi không còn cơ hội. Nếu tên tôi là Luis Blanco, tôi mới được đá nhiều hơn”. Chia sẻ với suy nghĩ của Bianchetti: Theo thống kê, tỉ lệ cầu thủ ngoại ở Serie A hiện cao thứ 7 thế giới (53,7%), và chỉ sau Premier League của Anh (69,4%) trong số 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Nếu xét về số lượng, Serie A có số cầu thủ ngoại cao thứ 2 thế giới (305 người), chỉ sau Premier League (366).

Tháng 1/2013, Gazzetta dello Sport cho biết chỉ có 7,8% cầu thủ “cây nhà lá vườn” trong biên chế các đội bóng Ý, so với 25,9% của TBN. Do vậy, không khó giải thích chuyện TBN đang thống trị mọi cấp độ giải đấu ở châu Âu và thế giới. Còn đội U21 Ý thì vừa thua họ đến 2-4 ở trận Chung kết giải U21 châu Âu 2013.

Người Ý vẫn bảo thủ

Sau thất bại ở World Cup 1966 trước Triều Tiên, người Ý đã cấm nhập khẩu thêm cầu thủ ngoại. Nhưng quyết định được nới lỏng dần: Năm 1980, họ cho phép mỗi đội đăng ký 2 cầu thủ ngoại. Năm 1988, số lượng tăng lên 3. Đến năm 1992, Italy phá bỏ hoàn toàn hàng rào với cầu thủ ngoại, và giải Ý bắt đầu trở thành thiên đường ngoại quốc từ khi luật Bosman có hiệu lực vào năm 1995.

Khi tuyển Anh đang gặp khó khăn trong việc giành vé đến World Cup 2014, và bóng đá Anh thất bại liên tiếp tại các giải trẻ châu lục và thế giới, họ đề xuất việc giới hạn cầu thủ ngoại. Người Ý  thì thậm chí vẫn cảm thấy bí bách với bộ sưu tập cầu thủ ngoại khổng lồ của mình: Các CLB Italy vừa đề nghị tăng số lượng cầu thủ ngoài EU được đăng ký từ 2 lên 3 người. Rất may, FIGC bác bỏ.

Theo một nghiên cứu, thu nhập của cầu thủ nước ngoài tại Ý cao hơn cầu thủ nội tới 62%. Và nếu tính đến sự khác biệt về vị trí và tuổi tác, con số này là 25-33%.

Việc các đội bóng Ý chấp nhận trả lương cao cho các ngôi sao nước ngoài là có thể hiểu được, vì họ thu lợi từ giá trị thương mại của cầu thủ ấy (ví dụ như trường hợp Kaka). Nhưng với những cầu thủ ngoại chẳng có gì nổi trội về cả tài năng lẫn giá trị thương mại, việc ưu ái là dại dột: AC Milan gần như lãng quên Michelangelo Albertazzi, cho đến khi choáng váng thấy anh khống chế hoàn toàn Constant (người Pháp gốc Guinea) trong trận mở màn Serie A. Florenzi không thua kém Gervinho, nhưng nhiều khả năng sẽ mất chỗ trên hàng công vì tân binh của Roma.

Người Ý vẫn sính ngoại, và vẫn đặt kinh nghiệm lên trên nhiệt huyết tuổi trẻ. Serie A đã cởi mở hơn, đấy là một tín hiệu vui. Nhưng tốt hơn hết, đừng bắt những Totti, Kaka, Toni, hay Di Natale, mãi sống trong cảnh cô đơn.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X