Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Milan, trong cơn đại khủng hoảng: Sao chép Juve chính là lối thoát?

Thứ Sáu 21/09/2012 17:41(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Milan chỉ có hai cách để cứu chính mình hỏi cơn đại khủng hoảng đang diễn ra. Một là thay huấn luyện viên, hai là thay đổi chiến thuật thi đấu. Khi thay HLV Allegri là việc chưa thể làm ngay một cách thiếu tính toán, thì đổi chiến thuật là cách duy nhất và có thể lập tức áp dụng. Có hai phương án cho Allegri: 4-4-2 hoặc 3-5-2.

Dù sự bi quan ở Milan đã lên đến mức đỉnh điểm sau hai trận bất lực liên tiếp trên sân nhà, trước những đối thủ yếu, chiếc ghế của Max Allegri vẫn chưa bị đe dọa như cách dư luận nhìn nhận. Các nhà báo nói rằng Milan cần phải sa thải ngay, nhưng không ít ý kiến của các nhân vật có uy tín, mới nhất là nhà cầm quân huyền thoại Arrigo Sacchi, bày tỏ sự ủng hộ với Allegri. Sacchi, người tạo nên "Milan vĩ đại" những năm cuối thập niên 1980 và đặt nền móng cho thành công của kỷ nguyên Berlusconi, nói rằng Allegri không phải thần thánh và đáng được thông cảm vì không có những cầu thủ muốn có. Giữ im lặng cho đến lúc này, các sếp Milan có lẽ cũng ý thức được một phần trách nhiệm của họ trong cơn suy thoái. Với việc bán đi Ibrahimovic và Thiago Silva, những người đã ghi bàn cho PSG trong ngày Milan bất lực trước Anderlecht, bộ sậu Berlusconi-Galliani coi như đã chặt đi cánh tay thuận của Allegri, mà thời gian thì chưa đủ cho nhà cầm quân này thích nghi với khiếm khuyết.

 

Có thể tin rằng một kết quả đáng buồn nữa trên sân Udinese cuối tuần này cũng chưa thể làm Allegri mất ghế, nhưng với điều kiện là những sai lầm đã qua không được phép lặp lại. Sơ đồ 4-3-1-2 với vị trí hộ công hoàn toàn tê liệt khi Boateng thiếu cả sức sáng tạo và sự tinh tế cần phải được loại bỏ. Sơ đồ 4-3-2-1, với ý tưởng đưa Emanuelson lên hỗ trợ Boateng (nhưng phải hi sinh một tiền đạo) ở trận Anderlecht cũng phải xóa ngay, vì không hề hiệu quả. Khi thiếu một nhân tố ngòi nổ ở giữa và cũng mất đi một chân sút có thể kéo dãn hay làm rối loạn hàng thủ đối phương để tạo khoảng trống cho tuyến hai (Ibrahimovic), tập trung số đông ở trung lộ là hạ sách. Milan lúc này cần phải đẩy bóng ra biên nhiều hơn nữa, tăng cường tấn công từ hai cánh để tìm ra cách thức mới tiếp cận khung thành đối thủ. Nhiệm vụ tạt cánh trước nay vẫn được giao cho hậu vệ biên, nhưng hiện Milan chỉ có De Sciglio và Antonini, những người không hề biết tạt bóng. Thực ra Milan lúc này cũng không có tiền vệ cánh đích thực nào vì lối chơi cũ của Allegri không cần họ, nhưng trong nhiệm vụ phải tìm ra con đường mới, vẫn bắt buộc phải thử nghiệm.

Có 2 ý tưởng cho Allegri, tập trung cơ bản vào tăng cường hiệu quả của tuyến tiền vệ. Một là 4-4-2 với Boateng dạt ra cánh phải và Emanuelson đá tiền vệ trái, vị trí sở trường của cầu thủ này. Ở trung tâm sẽ là cặp De Jong/Nocerino - Montolivo/Constant, một người thủ một người công. Đây là giải pháp không phải tốt nhất, nhưng có thể giúp Allegri tự tin hơn khi sự điều chỉnh chỉ diễn ra nơi tuyến giữa và, trên lý thuyết, là một sơ đồ cân bằng lý tưởng. Hai là 3-5-2, sao chép mô hình thành công của Juventus, Napoli, Udinese. Allegri có thể sẽ bối rối với hàng thủ 3 người mà ông chưa từng có trải nghiệm, nhưng bù lại, sẽ đưa được Abate và Emanuelson vào vị trí thích hợp nhất với hai cầu thủ này là tiền vệ cánh có khả năng phòng ngự. Ở giữa sân, Boateng và Montolivo sẽ đóng vai trò tiền vệ con thoi giống cặp Vidal-Marchisio (Juve) hay Behrami-Hamsik (Napoli), trong khi De Jong đá trụ. Milan cũng đang có một cặp tiền đạo "1 lùi, 1 cắm" như của Juventus hay Napoli. Tóm lại, đây là thứ vũ khí mà độ sắc bén đã được chứng minh và có thể cũng sẽ phát huy được tác dụng với Milan.

Đối thủ sắp tới của Milan là Udinese, đội bóng cực thành công nhờ chơi 3 hậu vệ và tập trung toàn bộ sức mạnh cho khu trung tuyến. Allegri hẳn phải biết làm thế nào để cứu Milan và qua đó, tự cứu chính ông.

Nhìn từ lịch sử

Allegri khó "sống sót"?

Chủ tịch Silvio Berlusconi không phải là người thích sa thải huấn luyện viên giữa mùa giải. Trong 26 năm lãnh đạo Milan đã qua, Berlusconi mới chỉ có 4 lần phải làm việc này vào các mùa 1986-87 (HLV Liedholm), 1996-97 (Tabarez), 2000-01 (Zaccheroni) và 2001-02 (Terim). Trong hơn một thập kỷ qua, Milan là đội duy nhất không xảy ra hiện tượng thay tướng giữa mùa. Thực tế đó sẽ giúp Allegri tự tin hơn, nhưng…

Với chỉ 4 điểm/4 trận đầu giải (tính cả Serie A và cúp châu Âu), Milan đang có sự khởi đầu tồi thứ 3 trong lịch sử 26 năm triều đại Berlusconi. Tồi nhất là mùa 1997-98, dưới sự dẫn dắt của "bố già" Fabio Capello, với chỉ 2 điểm. Tồi thứ nhì chính là Milan của Allegri mùa trước, 3 điểm (thua 1 hòa 2 ở Serie A, hòa 1 ở Champions League). Cả hai mùa giải đều không có chuyện sa thải. Nhưng trong mùa giải duy nhất trước đây Milan khởi đầu với 4 điểm/4 trận dưới thời Berlusconi, chính là mùa 1986-87, mùa trọn vẹn đầu tiên của tỷ phú truyền thông này trên cương vị chủ tịch Milan, HLV Nils Liedholm đã bị sa thải (dù rằng việc này xảy ra ở giai đoạn giữa mùa). Khi đó, Milan cũng mở màn bằng thất bại 0-1 trên sân nhà trước một đối thủ yếu (Ascoli) và sau 4 trận, chỉ có 1 trận thắng duy nhất. Đó cũng là mùa giải duy nhất trước đây Milan không ghi được bàn thắng ở trận mở màn Serie A (trong 26 năm Berlusconi). Allegri có thấy đáng lo không?

Trong danh sách những ứng cử viên có thể thay thế Allegri, bộ đôi Tassotti-Inzaghi được cho là có nhiều khả năng nhất. Lịch sử 4 lần sa thải trước của Berlusconi cho thấy, có tới 3 lần Milan sẽ sử dụng các nhà cầm quân tạm quyền cho đến cuối giải (trừ vụ Ancelotti thay Terim năm 2001). Cho tương lai, Milan đang hướng đến Spalletti, Guardiola hoặc Mangia, cựu HLV Palermo hiện dẫn dắt tuyển U21 Italia.


(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X