Thất bại tiếp nối thất bại. Sau Sampdoria là Atalanta. Sau bàn thắng của Costa là cú sút trái phá của Cigarini. Một lần nữa, Milan lại bị làm nhục trên sân San Siro, nơi trước kia là mảnh đất chinh phục với họ và đất chết với các đối thủ, bây giờ trở thành nấm mồ chôn cất chính họ. Trong suốt 82 năm qua, chưa bao giờ Milan thua liền 2 trận sân nhà đầu giải.
Khi trọng tài Orsato thổi hồi còi kết thúc trận đấu, gần như không ai nghe thấy những tiếng huýt sáo vang lên trên những khán đài của San Siro. Bởi trên sân chỉ có vẻn vẹn 23.618 khán giả có đăng kí vé xem cả mùa có mặt, con số thấp nhất chưa từng có trong 1/4 thế kỉ Milan gắn bó với Berlusconi. Những người trung thành khác quyết định ngồi nhà cảm thấy họ đã làm một điều hoàn toàn đúng đắn: họ thà làm một điều gì đó có ích hơn là ngồi trên những khán đài lạnh lẽo gặm móng tay và chứng kiến Milan như một con tàu cứ mãi chìm xuống không thể nào cưỡng lại được. Nỗi lo ngại là có thật, và không chỉ đơn giản tạo ra nỗi ám ảnh: Đây mới chỉ là giai đoạn đầu của một mùa bóng cực kì khó khăn và nhiều cay đắng, nhưng Milan đã thất bại liên tiếp và tất cả hoang mang nghĩ rằng, đấy có thể là giai đoạn đầu tiên của một cuộc khủng hoảng nặng nề sẽ kéo dài trong suốt mùa bóng, đe dọa trực tiếp lên cái ghế của Allegri, người đang chịu một sức ép rất lớn về những gì đang diễn ra. Dường như cái máy chém đang chờ ông, khi Berlusconi và Galliani đang cần tìm một kẻ tội đồ.
Milan đang gây thất vọng
Điều đó, nếu xảy ra, là một sự bất công quá lớn đối với ông. Chỉ trong một mùa hè, Allegri đã chứng kiến ông “cùng lúc” mồ côi những ngôi sao sáng giá nhất cùng đội ngũ cận vệ già, những người vô cùng cần thiết trong các giai đoạn khó khăn như thế này nhờ kinh nghiệm của họ. Không thể đơn giản tái thiết đội bóng trong một thời gian quá ngắn bằng những tên tuổi chắp vá được đưa về trong những ngày cuối của kì chuyển nhượng mùa hè. Không thể đơn giản trở thành một ứng viên cho Scudetto chỉ bằng việc tậu về De Jong, người bị Man City thải ra, như Galliani đã tuyên bố. Nhưng người ta đang tìm cách đưa Allegri lên đoạn đầu đài, hoặc ít ra là nếu không thực tâm muốn thế, thì cố gắng tạo ra một sức ép dồn nén nhằm thúc đẩy ông vượt qua khó khăn.
Nhưng những gì diễn ra ở San Siro trước Atalanta cũng không khác với trận thua Sampdoria cho thấy đội bóng đá thiếu gắn kết ở mọi tuyến và không có một thủ lĩnh thực sự có thể kiểm soát được tình hình và làm nguồn cảm hứng cho cả đội. Allegri đã đẩy đội bóng đang ở thế bế tắc chìm hơn nữa trong bi kịch khi rút ra El Sharaawy, cùng với De Jong, là cầu thủ chơi hay nhất đội. Milan chỉ có thể trông cậy vào một ngôi sao đẳng cấp nào đó trong hoàn cảnh ấy. Nhưng ai có thể làm được điều đó? Boateng, số 10 cơ bắp và “trâu bò” nhất Milan, chỉ làm cho người ta nhớ thêm những người đã đeo áo số 10 trước đó, từ Gullit, Savicevic, Boban, Rui Costa và Seedorf. Kaka thì nhất định không trở lại San Siro vì không muốn giảm lương, và cũng đêm ấy, anh ngồi dự bị nhìn Real Madrid thất bại. Siêu nhân Ibrahimovic thì đã bỏ sang PSG và từ Paris, anh chế giễu đội bóng cũ: “Milano so với Paris chẳng khác gì Malmoe với Stockholm”. “Nhà quê Milan” của anh làm sao có thể so với “thành thị PSG”…
Bây giờ thì cả Anderlecht cũng có thể khiến Milan run rẩy. Champions League sẽ đến San Siro vào đêm mai và một bi kịch nữa có thể được viết ra. Nếu đội bóng cần một sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn để vượt qua giai đoạn này, thì họ đã có được “động lực” nhờ đang rơi xuống vực và giờ phải cần đến bản năng sinh tồn để bám lấy miệng vực. Bằng không, bi kịch mới chỉ đang bắt đầu… Tại sao, Milan? 1) Hàng tiền vệ không có khả năng tạo ra đột biến và sáng tạo do thiếu hẳn một người làm bóng và điểu chỉnh nhịp độ chơi. Boateng không phải là một hộ công đích thực khi không có khả năng sáng tạo. 2) Đội bóng thiếu một điểm tựa về chiến thuật và tinh thần: Ibra đã làm tốt vai trò đó ở mùa trước, khi là người đóng góp nhiều nhất cho đội trên những khía cạnh ấy. Thiếu anh, Milan mất hẳn một cầu nối quan trọng. Thiếu anh, không chỉ thiếu gần 30 bàn anh đã ghi mùa trước, mà còn thiếu bóng cho Boateng và Nocerino bùng nổ ở hàng tiền vệ. 3) Hàng thủ không có khả năng chống đỡ bóng bổng và phản công sau khi Bonera trở thành thủ lĩnh của một phòng tuyến chỉ vì không còn Nesta và Thiago Silva. Acerbi chậm chạp và thiếu quyết đoán. 4) Allegri điều chỉnh đội hình ở hiệp hai thường là quá muộn, trong cả trận thua Sampdoria lẫn Atalanta. Việc rút El Sharaawy ra (nhường chỗ cho Bojan) là một sai lầm chết người. 0 Lần đầu tiên kể từ 82 năm qua, Milan mới lại thua liền 2 trận sân nhà đầu giải. Mùa 1930/31, Milan đã thua Juventus 0-3 và sau đó thua tiếp Lazio 0-1 ở trận sau trên sân nhà. Mùa đó, Milan kết thúc giải ở vị trí thứ 12/18. 5 Milan đã thủng lưới trong 5 trận liên tiếp ở Serie A. Lần gần nhất họ không thủng lưới chính là một trận gặp Atalanta, tháng 5/2012 (Milan thắng 2-0). 20 Boateng đã sút tổng cộng 20 lần trong 3 trận đấu ở Serie A mùa này, nhiều nhất so với các cầu thủ khác. Kết quả: không một bàn thắng.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)