Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Marco Fassone: "Gã hói" đứng sau sự điên rồ của AC Milan

Thứ Bảy 22/07/2017 13:20(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Đằng sau cơn điên của AC Milan trên thị trường chuyển nhượng hè 2017 là đạo diễn Marco Fassone cùng bản kế hoạch ngắn hạn hai mục tiêu dựa trên nền tảng duy nhất: Tiền đầu tư.

 
"Điều quan trọng nhất tôi muốn giải thích với các cổ đông là chúng ta phải đối mặt với sự thật rằng AC Milan phải chấp nhận hy sinh một năm, không thể khác được, rồi hy vọng vào những tín hiệu tích cực trong sân cỏ" - Đó là tuyên bố đanh thép của Marco Fassone, CEO của AC Milan vào buổi chiều ngày 18/5, ngay sau khi Đại hội Cổ đông kết thúc để thông qua kế hoạch hoạt động của câu lạc bộ trong một năm sắp tới, và xa hơn là viễn cảnh về sự phục hưng ở thì tương lai gần.
 
Bo doi Marco Fassone va Massimiliano Mirabelli giup AC Milan nao loan thi truong chuyen nhuong he 2017.
Bộ đôi Marco Fassone và Massimiliano Mirabelli giúp AC Milan náo loạn thị trường chuyển nhượng hè 2017.

Hè này, cặp đôi quyền lực Marco Fassone và Massimiliano Mirabelli mang về San Siro đến 10 bản hợp đồng gồm Mateo Musacchio (Villarreal), Ricardo Rodriguez (Wolfsburg), Andre Silva (Porto), Franck Kessie (Atalanta), Fabio Borini (Sunderland), Hakan Calhanoglu (Leverkusen), Andrea Conti (Atalanta), Leonardo Bonucci (Juventus), Antonio Donnarumma (Asteras Tripolis) và Lucas Biglia (Lazio). Mọi việc vẫn chưa dừng lại, Fassone lại khiến cả châu Âu phải sốc với tuyên bố Rossoneri sẽ thâu nạp thêm Pierre-Emerick Aubameyang (Dortmund) hoặc Andrea Belotti (Torino).
 
Cơn điên của AC Milan ngốn của câu lạc bộ khoản tiền 189,5 triệu euro, chắc chắn vượt mức 200 triệu nếu lời tuyên bố của Fassone trở thành sự thực. Theo thống kê mới nhất, vé cả mùa của AC Milan đang được bán ra với số lượng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Chỉ 15.990 vé được bán ra ở mùa 2016-17, con số này của mùa 2007-08 là 43.140 để rồi giảm dần qua từng năm.
 
Sự chênh lệch giữa số tiền chi ra và thu về khiến AC Milan phải đối mặt với nguy cơ vi phạm luật Công bằng tài chính của UEFA. Nhưng Fassone đã tiên liệu điều đó từ trước bằng lời khẳng định trước đại hội cổ đông rằng AC Milan phải chấp nhận hy sinh một mùa giải. 
 
"Tất cả mọi người, từ chủ tịch, huấn luyện viên đến các cổ đông đều kỳ vọng đội bóng vừa thi đấu tốt trên sân cỏ, vừa tạo được nền tảng tài chính mạnh mẽ. Điều đó không dễ đâu, nếu chưa muốn nói là cực kỳ khó, chúng tôi cố gắng để kết hợp hai mục tiêu đó lại. Lúc này, nhiệm vụ hàng đầu là tạo được nền tảng tài chính vững chắc trong ba năm tới, đồng thời lấy lại sự huy hoàng trên sân cỏ" - Marco Fassone.
Người dự đoán tương lai
 
Tốt nghiệp chuyên ngành Văn học hiện đại ở Trường Đại học Turin vào năm 1987, Marco Fassone bắt đầu sự nghiệp tại hai công ty hàng đầu của Italy là Ferrero và Galbani. Tháng 7/2003, Fassone bắt đầu dấn thân vào bóng đá với chức danh Giám đốc điều hành của Juventus. Thời điểm đó, Fassone đã định hướng trước cho Juventus hai vấn đề: Xây dựng biểu tượng câu lạc bộ theo hướng toàn cầu hóa và tập trung đẩy mạnh vào thị trường Trung Quốc giàu tiềm năng.
 
Duoi dinh huong cua Marco Fassone, AC Milan dang co gang phat trien o thi truong Trung Quoc.
 Marco Fassone từ sớm đã nhìn ra tiềm năng của thị trường Trung Quốc.

Chính Fassone là người góp phần quan trọng với kế hoạch xây dựng sân Juventus (hay còn gọi là Allianz Stadium - PV). Năm 2005, Juventus cũng đặt nền móng vào việc xâm nhập thị trường Trung Quốc dưới sự thúc đẩy của Fassone. Tuy nhiên ở thời điểm đó, ít người nhìn nhận ra tầm quan trọng của những vấn đề do Marco Fassone đề xướng ở đội bóng thành Turin.
 
Đến năm 2016, Juventus hiện thực hóa ý tưởng toàn cầu hóa thương hiệu câu lạc bộ bằng việc đổi logo câu lạc bộ theo hướng hiện đại, trẻ trung hơn. Đồng thời, việc một loạt câu lạc bộ tại châu Âu dần chuyển mình nhờ sự đầu tư của các ông chủ người Trung Quốc cũng cho thấy tầm nhìn chiến lược chính xác của Fassone. Với dân số khoảng 1.3 tỉ người cùng nền kinh tế đang phát triển nóng, Trung Quốc là thị trường tiềm năng cho một loạt câu lạc bộ tại châu Âu xâm nhập mà tiêu biểu là Man Utd, Man City, Atletico, Real Madrid,...
 
Khi AC Milan rơi vào tay người Trung Quốc, Fassone càng dễ bề triển khai kế hoạch xâm nhập vào thị trường quốc gia đông dân nhất thế giới. Đồng thời, Fassone cũng tính trước những bước cần đi cho Rossoneri trên con đường phục hưng: Sẽ phải chi tiền trong 1-2 năm tới trước khi nghĩ đến việc thu lại thành quả, đồng thời xây dựng một sân vận động mới để tránh chung đụng với đội bóng cùng thành phố Inter Milan.
 
"Hai năm tài chính sắp tới, AC Milan không thể đạt được chỉ tiêu cân bằng về mặt tài chính bởi giống như nhiều công ty khác trong giai đoạn khởi đầu, chúng ta cần đầu tư" hay "Điều quan trọng lúc này là đối thoại với chính quyền về việc AC Milan sẽ ở lại San Siro hay chuyển đến một sân vận động mới. Tôi muốn nhắc lại với các cổ đông rằng AC Milan không thực sự sở hữu sân vận động mà chia sẻ với Inter, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta không thể nâng cấp được".
Vận dụng sức mạnh truyền thông
 
Thực ra, AC Milan không hẳn cần nhiều cầu thủ đến vậy cho đội một. Tuy nhiên, việc náo loạn thị trường chuyển nhượng mùa hè 2017 cũng là một cách để gây sự chú ý của giới truyền thông và người hâm mộ mà Fassone đã tính toán trước. Thậm chí hè này, AC Milan còn vượt mặt Juventus về lượng người quan tâm trên các phương tiện truyền thông dù thành công trên sân cỏ kém xa đối thủ.
 
Marco Fassone trinh bay ban ke hoach day tham vong truoc hoi dong co dong cua AC Milan.
Marco Fassone trình bày bản kế hoạch đầy tham vọng trước hội đồng cổ đông của AC Milan.

Fassone từng làm giám đốc thương hiệu cho Napoli, đồng thời từng thúc đẩy tiến trình cách mạng thương hiệu hướng đến toàn cầu hóa của Juventus. Vì vậy, "gã hói" biết cách sử dụng sức mạnh truyền thông để giải quyết vấn đề. 
 
Hội đồng chống mafia thành phố Milan đang yêu cầu ban lãnh đạo câu lạc bộ giải trình ai là người chủ đích thực của AC Milan. David Gentili, chính trị gia đứng đầu hội đồng chống mafia đặt nghi vấn trên Facebook: "Tôi muốn đưa ra lại lời đề nghị với AC Milan để biết được ai là chủ sở hữu thực sự của câu lạc bộ".
 
Sở dĩ HĐ chống mafia muốn biết ai là chủ sở hữu thực sự của AC Milan nhằm biết được ai là người thực sự sở hữu sân San Siro rồi mới quyết định xem có nên giao đất hoặc giao sân cho câu lạc bộ, theo đề nghị của Fassone. Trước nghi vấn ấy, Fassone chỉ đáp một cách thông minh rằng: "Tôi chỉ biết Li Yonghong là cổ đông duy nhất của câu lạc bộ, ông ấy cũng không có ý định chia sẻ cổ phần cho bất cứ ai".
 
Trong quá trình đàm phán hợp đồng với Gianluigi Donnarumma, Fassone cũng dùng sức mạnh của truyền thông để hướng mũi dùi về phía Mino Raiola, người đại diện lắm chiêu của thủ thành 18 tuổi. Động thái của Fassone được cho là cực kỳ khôn ngoan khi chừa cơ hội ở lại cho Donnarumma, đồng thời cũng gây sức ép để Mino Raiola không thể làm quá trên bàn đàm phán.
 
"Raiola muốn kiếm được lợi ích kinh tế tối đa từ sự nghiệp của Donnarumma. Bản thân Donnarumma quả quyết rất nhiều lần với chúng tôi rằng cậu ấy muốn ở lại. Từ ngày đầu tiên đàm phán hợp đồng, Mino Raiola luôn cố làm chậm tiến trình, còn Donnarumma khẳng định chỉ muốn gắn bó với AC Milan. Ánh mắt của cậu ấy không thể giả dối được".
 
Rốt cuộc, Donnarumma gia hạn hợp đồng để tiếp tục gắn bó với AC Milan. Nhưng thay vì chĩa mũi dùi chỉ trích vào Donnarumma như những ngày đầu, người hâm mộ AC Milan giờ quay sang chỉ trích Mino Raiola vì "làm hư thằng bé". Rốt cuộc, AC Milan vẫn đạt được mục đích, còn Donnarumma thoát khỏi những áp lực của giới truyền thông khi Mino Raiola thành kẻ "giơ đầu chịu báng" theo toan tính của Fassone.
 
Chưa biết liệu AC Milan có thể phục hưng thành công nhưng với những gì đang làm, bản kế hoạch của Fassone trình ra trước đại hội cổ đông cho đến lúc này vẫn đang đi đúng hướng.

AC Milan: Gã khổng lồ chuẩn bị thức giấc
Với thành tích bết bát nhiều năm qua, AC Milan đã quyết định “thay máu” nhân sự triệt để nhằm tìm lại hào quang xưa.
 
Như Đạt (TTVN)
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X