Thành công của Juventus không chỉ có Conte, Pirlo, Tevez, Vidal hay Pogba. Ở một góc khuất nào đó, GĐĐH Giuseppe Marotta hẳn liên tục mỉm cười mỗi khi “bầy ngựa vằn” ra sân tung vó. Ông là một phần cực quan trọng của Juve.
Đã có lúc, người ta tưởng rằng Marotta cũng bất tài như người tiền nhiệm Alessio Secco, kẻ vốn xuất thân chỉ là một cán bộ phụ trách báo chí của Juventus. Nhưng rồi càng lúc, người đàn ông 57 tuổi quê Varese này càng chứng tỏ giá trị của mình.
35 năm làm sếp
Giuseppe “Beppe” Marotta có một sự nghiệp hơn người. Ông nắm chức Giám đốc điều hành tại CLB Varese (đang chơi ở Serie B) khi chỉ vừa tròn 22 tuổi, và giữ chức vụ này suốt 35 năm qua, ở 8 đội bóng khác nhau. Trước khi đến Juventus vào tháng 5/2010, ông có 8 năm điều hành Sampdoria và góp công lớn vào thành công nhất định của đội bóng này, trong đó nổi bật là thương vụ “xin” Cassano từ Real Madrid năm 2007 và bổ nhiệm HLV Walter Mazzarri.
Ngày mới đến Juve, Marotta chịu áp lực lớn từ thất bại của Secco và trong khoảng 2 năm đầu tiên, ông tưởng không thoát khỏi vết chân sai lầm của người tiền nhiệm với việc mua Krasic, Elia, Jorge Martinez, Giovinco thi đấu không hiệu quả, đồng thời không thể mua nổi một cầu thủ tầm cỡ (để tuột Aguero năm 2011, Tevez tháng 1/2012, Llorente tháng 8/2012). Ông bị chê là không quan hệ rộng, thiếu “mánh” đàm phán, thiếu uy tín trong giới thượng tầng châu Âu. Nhưng tất cả đã thay đổi.
Tuột Tevez, chiếm lại Tevez. Tuột Llorente, vẫn có Llorente. Marotta đã rút kinh nghiệm xương máu từ những thất bại để giành được hai chân sút đẳng cấp cao mà Juve rất thèm muốn trước đó, mà không cần bỏ ra nhiều tiền. Cả Tevez lẫn Llorente, sau khi chính thức về Juve hồi tháng 7/2013, đều khẳng định họ bị thuyết phục chủ yếu bởi sự khao khát của Juve thông qua các cuộc nói chuyện với Marotta. Rồi những cầu thủ ông mua về lần lượt tỏa sáng rực rỡ. Barzagli (giá nửa triệu euro hồi tháng 1/2011), Pirlo (0 euro tháng 5/2011), mua Vidal (11 triệu euro tháng 6/2011) và Pogba (0 euro tháng 6/2012) là những thương vụ siêu đẳng tô sáng cái tên Beppe Marotta.
Những ngày này, sau khi Domenico Berardi trở thành gương mặt “hot” nhất Italy với 4 bàn dội vào lưới Milan, người ta lại phải thầm khâm phục Marotta, người đã khôn ngoan mua nửa quyền sở hữu tiền đạo 19 tuổi này hồi tháng 8/2013. Nhiều khả năng Berardi sẽ chính thức về sân Juventus mùa tới để nuôi mộng trở thành một Alex Del Piero mới.
Cùng Juve chơi trò “đếm xác”
Marotta giờ đây có thể tự hào với những đóng góp của ông trong 2 Scudetto liên tiếp của Juventus (đang thẳng tiến đến chiếc thứ ba). Nhờ những ngôi sao được ông mang về, HLV Antonio Conte có trong tay một đội hình toàn diện nhất Italy và ngày càng mạnh mẽ hơn.
Đêm nay, Juve sẽ gặp Sampdoria, đội bóng cũ của Marotta, khi trò chơi “đếm xác” của họ đang diễn ra đầy vui thú. Gần đúng một năm trước, chính là Sampdoria gây chấn động thành Turin bằng thắng lợi 2-1 với cú đúp của chân sút còn vô danh Mauro Icardi, ngay ở trận “khai xuân” 2013 của Juve. Nhưng điều bất thường đó khó lặp lại khi Juve đang có phong độ hoàn hảo. Họ vừa lập kỷ lục của riêng mình khi đánh bại 11 đối thủ gần nhất ở Serie A và Sampdoria chắc chắn sẽ là nạn nhân thứ 12, trong hành trình phá “siêu kỷ lục” toàn thắng của Inter 2006-07 (17 trận liên tiếp). Khi cả Napoli và Roma, những đội đang bám ngay sau Juve, đều thảm bại tại sân Juventus Stadium, thì Sampdoria rõ ràng không có hi vọng.
Và Marotta hẳn sẽ vẫn cười mãi không thôi.
0 Ba trong số những ngôi sao sáng nhất của Juve hiện nay, là Pirlo, Pogba và Llorente, được đem về với giá tổng cộng… 0 euro. Tất cả đều đến theo dạng chuyển nhượng tự do. 11 Juventus đã thắng 11 trận liên tiếp ở Serie A, kỷ lục mới của đội. Các nạn nhân lần lượt là Genoa, Catania, Parma, Napoli, Livorno, Udinese, Bologna, Sassuolo, Atalanta, Roma, Cagliari. 17 Kỷ lục mọi thời đại về thành tích toàn thắng tại giải VĐQG (của cả 5 giải hàng đầu châu Âu) vẫn thuộc về Inter ở mùa giải 2006-07. Khi đó, Inter thắng 17 trận Serie A liên tiếp từ 25/10/2006 đến 25/2/2007. Đội hình dự kiến: |