Sau Cavani, đến lượt Jovetic và Marquinhos chào Italia ra đi để đổi lấy những ngân khoản khổng lồ. Chỉ riêng 3 cái tên “hàng hiệu” này đã đem về 130 triệu euro. Song người Italia ước rằng đây là “giao dịch kinh tế” chứ không phải bóng đá.
Thị trường chuyển nhượng mùa hè 2013 ở châu Âu thực tế mới chỉ mở được 20 ngày, vẫn còn 40 ngày nữa mới đóng cửa, nhưng Serie A đã sớm trở thành giải đấu xuất khẩu cầu thủ lớn nhất và vụ bán Edinson Cavani cho PSG trở thành thương vụ đắt giá nhất kể từ đầu hè. Được bán cho PSG với giá 35 triệu euro, trung vệ Marquinhos (Roma) cũng trở thành cầu thủ dưới 20 tuổi cao giá thứ nhì trong lịch sử, chỉ sau Rooney (đến M.U năm 2004, ở tuổi 19, với giá 39 triệu euro). Toàn những kỷ lục, nhưng chẳng có gì vui cả.
Các ngôi sao Serie A lũ lượt chạy đến PSG
Trốn chạy khỏi Italia
Kể từ đầu những năm 2000, người Italia đã phải quen dần với việc những ngôi sao bóng đá kéo nhau ra nước ngoài, bởi Serie A không còn giữ được vị thế là giải đấu hấp dẫn nhất thế giới như khoảng thời gian gần hai thập niên trước đó. Sau Zidane là Ronaldo, Mutu, Crespo, Veron, Shevchenko, Cannavaro, Zambrotta, Toni, rồi Ibrahimovic và Kaka khép lại một thập kỷ đi xuống của bóng đá Italia bằng hai thương vụ siêu khủng. Sau họ, Serie A lại tiếp tục mất đi ngôi sao theo cấp độ năm sau nhiều hơn năm trước. Mùa hè 2010 chỉ có Balotelli ra đi. Hè 2011, đến lượt Pastore, Sanchez và Eto’o lên đường. Hè 2012, Serie A mất Ibrahimovic một lần nữa, Thiago Silva và Lavezzi. Hè này, nếu Milan không giữ lại El Shaarawy và Juventus không “cự tuyệt” những đề nghị bom tấn cho Vidal, mất mát của calcio sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Không ai muốn điều đó xảy ra, nhưng người Italia phải chấp nhận thực tế rằng họ không còn đủ khả năng giữ chân ngôi sao. Về môi trường bóng đá, Serie A đang có cơ sở hạ tầng thấp kém nhất trong các giải hàng đầu. Về tài chính, họ không thể trả mức lương mà các ngôi sao dễ dàng kiếm được ở nơi khác. Về khả năng cạnh tranh danh hiệu, không đội bóng Serie A hiện tại nào đủ sức chinh phục Champions League. Về thương hiệu, Serie A tụt hậu quá nhanh và hầu như không thu hút được người hâm mộ mới. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu có ảnh hưởng lớn, nhưng các chính sách lỗi thời trong quản lý thể thao ở Italia mới là nguyên nhân chủ chốt, mà vấn đề này nằm ngoài quyền hạn của các lãnh đạo CLB.
Bao giờ đến những ngôi sao cuối cùng?
Những Cavani, Jovetic không chia tay theo ý nghĩa thông thường, mà là họ “đào thoát” khỏi Serie A chật hẹp, nơi kìm hãm giấc mơ bay cao của họ. Họ nói rằng họ muốn tìm những thử thách vĩ đại hơn và giành các danh hiệu lớn, nhưng chắc chắn không thể tìm thấy điều đó ở các đội bóng Italia, ngay cả Juventus. Đấy là chưa nói đến tiền bạc. Juventus là đội có nền tảng tài chính tốt nhất, nhưng họ cũng không đủ tiền mua Jovetic, cũng như chỉ trả được lương cao cho Tevez hay Llorente nhờ tiết kiệm được phí chuyển nhượng. Milan thậm chí phải cò kè đến đơn vị trăm nghìn euro. Còn Inter, trước khi Thohir ra tay nghĩa hiệp, chưa dám mơ đến hai chữ “ngôi sao”.
Thực tế ấy không có dấu hiệu cải thiện trong tương lai gần trừ khi Juve và Milan lại đụng nhau ở chung kết Champions League hai năm liên tiếp. Và rồi điều chắc chắn là người Italia sẽ tiếp tục phải nhìn những ngôi sao cuối cùng ra đi khi cơn khát danh vọng của họ đến mức tới hạn. Hamsik, Vidal, Pogba, El Shaarawy, Lamela, Marchisio… đều còn trẻ và giàu khao khát, trong khi những cơn điên mua sắm từ các tỷ phú dầu mỏ chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Sẽ có những ngôi sao mới ra đời từ mảnh đất hình chiếc ủng, nhưng chỉ là để chờ ngày bước chân đi khỏi giải đấu sắp tụt xuống thứ 5 ở châu Âu.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)