Những ngày qua, câu chuyện về Wesley Sneijder đang là chủ đề nóng hổi nhất ở Inter: cầu thủ người Hà Lan vẫn không được ra sân thi đấu dù đã bình phục chấn thương. Anh đang bị “đuổi khéo” từ quyết tâm làm cách mạng triệt để của đội bóng xanh-đen.
Giám đốc thể thao Marco Branca tuyên bố thẳng thừng trên báo: Sneijder sẽ phải chọn, hoặc gia hạn hợp đồng với mức lương thấp hơn, hoặc ngồi chơi xơi nước cho đến tháng Một và ra đi. Một câu trả lời dứt khoát dành cho thắc mắc của truyền thông Italia suốt cả tháng qua: tại sao Sneijder đã bình phục hoàn toàn chấn thương mà Strama vẫn không dùng anh?Sneijder bị Inter bỏ rơi vì Mourinho?
Dù hơi phũ phàng, động thái này từ Inter cũng không khiến nhiều người bất ngờ. Một cuộc cách mạng sâu rộng thực ra đã được phát động ở Inter ngay từ đầu mùa hè, với màn chia tay không kèn không trống (dù cũng ướt át) của đội bóng với Lucio, Maicon và Julio Cesar, những công thần có đóng góp không hề kém Sneijder trong chiến công 2 năm trước. Trong khủng hoảng, một người nhân ái như Morratti cũng đã phải sờ vào ví tiền thay vì đưa tay lên trái tim. Hết thời nhưng hưởng lương cao là một điều vô lý.
Sneijder chưa hết thời, nhưng anh sở hữu một vế của câu trên. Wes đang là người lĩnh lương cao nhất tại Inter (lương sau thuế: 6 triệu euro/năm). Ở thời đại này, tất cả những người “dám” bòn rút một lượng tiền lương khổng lồ như Ibra, Pato ở Milan, hay Sneijder với Inter, đều khó mà tồn tại. Inter vẫn trân trọng tài năng và những đóng góp trong quá khứ của Sneijder khi không dứt khoát chia tay anh như với 3 người kia, mà vẫn để ngỏ cánh cửa cho anh ở lại. Nhưng tối hậu thư của Branca: hoặc gia hạn hợp đồng đến năm 2017 và giảm lương xuống còn 4 triệu euro mỗi năm, hoặc bị “giam cầm” cho đến tháng Một, chẳng khác nào một động thái “đuổi khéo” của BLĐ Inter.
Thực tế, từ cú ăn ba năm 2010, phong độ của Sneijder ở Inter đã giảm dần theo năm tháng. Từ 43 lần ra sân với 8 bàn và 12 đường kiến tạo trong mùa giải 2009/2010, Sneijder đã chỉ ghi 7 bàn và có 7 đường kiến tạo ở mùa tiếp theo. Mùa trước, các con số tương ứng của anh tiếp tục sụt giảm, chỉ còn: 29, 5 và 6. Mà đó còn là thời điểm Inter vẫn lấy anh làm trung tâm trong sơ đồ 4-3-1-2. Mùa này, kể từ trận gặp Chievo (trận đấu mà Sneijder dính chấn thương), Stramaccioni đã chuyển sang sơ đồ 3 mũi nhọn linh hoạt hơn nhiều, không còn phụ thuộc vào một “mỏ neo” nào như với Sneijder trước đó. Hồi đầu hè, Strama nói: “Sneijder là số 10 của tôi”. Còn bây giờ, ông bảo: “Lối chơi mới Inter đang gây dựng không phù hợp với Sneijder”.
Sneijder phải đối mặt với sự thật rằng, đây là lúc anh phải lùi lại phía sau cho một lứa cầu thủ mới đang lớn lên ở sân Giuseppe Meazza. Inter vừa dùng đội hình có độ tuổi trung bình dưới 23 trong trận gặp Rubin Kazan hôm giữa tuần. Với Strama, người thành danh từ chức vô địch Next Gen Series với đội U19 Inter vào năm ngoái, Morratti càng có cơ sở để tin vào một cuộc cách mạng triệt để, mà tương lai thuộc về những người trẻ. Vai trò của Sneijder ngày càng mờ nhạt cả trên sân bóng lẫn hậu trường, khi ngay cả thú vui dùng trang mạng xã hội twitter để tán gẫu với mọi người, đội bóng cũng đã nghiêm cấm anh.
Vì tình yêu với Inter, Sneijder sẽ giảm lương để ở lại? Với một người từng căm thù Real Madrid vì đã đối xử thiếu công bằng với anh trong quá khứ, thật khó tưởng tượng, Sneijder sẽ thỏa hiệp với Inter. Anh không gắn bó với Inter quá sâu đậm như Buffon với Juve, người vừa chấp nhận giảm lương để ở lại. Sneijder vẫn còn nhiều sự lựa chọn trong tương lai: tiếp tục chinh phục đỉnh cao ở Manchester (cả United và City đều muốn anh), hoặc “dưỡng già” ở Anzhi với anh bạn Eto’o với túi tiền rủng rỉnh. Khi Inter đã công khai coi Sneider là một nhân tố cản trở bước tiến của đội bóng, thì anh, cũng chẳng còn lý do nào để ở lại.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)