Chàng trai trẻ El Shaarawy đã gánh vác hàng công Milan từ đầu mùa giải cho đến nay. Nhưng ở Brussels, nếu các hậu vệ Anderlecht, vốn đã quá rõ sự nguy hiểm của “tiểu Pharaoh”, phong tỏa anh triệt để, Milan sẽ “cựa quậy” thế nào? Đây là giải pháp của Allegri: Đưa Boateng lên đá tiền đạo.
Đó hoàn toàn không phải là một câu chuyện đùa, mà đã được chính tờ nhật báo uy tín Gazzetta dello Sport đưa tin hôm qua. Sau chuyến thăm của Silvio Berlusconi, Boateng không chỉ trông “ngoan” hơn, với mái đầu được cắt ngắn và bộ râu cạo sạch sẽ, mà anh còn đang đối mặt với một thử thách lớn trong sự nghiệp. Trong buổi tập gần nhất ở Milanello, Allegri đã thử nghiệm phương án đưa “Hoàng tử tự phong” lên đá cắm trong sơ đồ 3 tiền đạo.Milan sẽ đưa... Boateng lên đá tiền đạo?
Cần phải thông cảm cho sự bí bách của Allegri ở thời điểm này. Pato, dù ghi bàn trong trận hòa hút chết trước Malaga, cũng chỉ là một thương binh mới trở lại. Bản thân “vịt con” cũng đang phải chịu một sức ép tâm lý cực lớn vì quả penalty hỏng ăn trước Fiorentina (đến nỗi, sau trận đó, một nhóm CĐV đã chặn xe anh lại và mắng xối xả); Pazzini thì không đủ thể lực và tầm vóc để “làm tường”. Niang có điều đó, nhưng anh còn quá trẻ. Và Boateng được điểm mặt chỉ tên.
Liệu phương án này có ổn? Đến Milan từ mùa 2010-2011, Boateng chính là phát minh lớn nhất của Allegri thời còn Ibra. Sức mạnh và khả năng tận dụng khoảng trống tuyệt hảo của anh đã cộng hưởng mạnh mẽ với Ibra, biến hàng công Milan khi đó trở thành một ban nhạc rock chát chúa và mạnh mẽ. Nhưng khi “giọng ca chính” Ibra ra đi, 4-3-1-2 bị bỏ xó, Boateng “bơi” trong chiếc áo số 10. Anh chưa ghi nổi bàn nào từ đầu mùa.
Áp dụng phương án này cũng có nghĩa là Allegri dứt khoát đánh đổi một tiền đạo biết ghi bàn bằng một gã công nhân vụng về nhưng giỏi tì đè. Về lý thuyết, khi El Shaarawy chắc chắn sẽ bị phong tỏa gắt gao ở một bên cánh, việc dùng Boateng làm chim mồi để thu hút, phá sức hậu vệ đối phương và tạo điểm nối trong các pha phối hợp của Milan, là hợp lý. Nhưng vấn đề là khi đó, Milan sẽ phải chấp nhận các phương án bắn phá từ xa khung thành Anderlecht. Khi chất lượng các cú dứt điểm từ hàng tiền vệ không hề cao, nó quá mạo hiểm.
Từ ngày đến Milan, Boateng mới ghi tổng cộng 27 bàn, đạt hiệu suất 0,12 bàn mỗi trận, một con số cực thấp. Thậm chí, hiệu suất ghi bàn của Arturo Vidal, người có lối chơi rất giống anh trong máu áo Juve còn cao hơn thế: 0,16 bàn/trận. Nhưng có lẽ, ngay cả Conte cũng chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ đấy Vidal lên đá tiền đạo để cải thiện hiệu suất ghi bàn cũng rất thấp của các tiền đạo Juve hiện giờ?! Một canh bạc thật sự của Allegri. Nếu thành công, nó sẽ lại là một phát kiến xuất sắc nữa của ông với Boateng, người từng là hộ công đặc biệt nhất hành tinh. Nhưng nếu thất bại...?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)