Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Erick Thohir và sứ mệnh hồi sinh Inter

Thứ Tư 08/10/2014 20:13(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Khởi đầu bết bát của Inter Milan đầu mùa giải này khiến CĐV của họ cực kì giận dữ. Bao kì vọng với ông chủ mới Erick Thohir giờ chuyển thành hoài nghi.

Nhưng quá trình làm thể thao của ông Thohir trong quá khứ cho thấy, vị tài phiệt này không phải một kẻ nuốt lời. Thohir có một niềm đam mê với Inter.

Thể thao là nghĩa vụ, không chỉ để vui

Đối với Thohir, sự lụi tàn của bóng đá Italy nói chung và Inter Milan nói riêng diễn ra một cách tất yếu. “Điều ấy xảy ra ở rất nhiều công ty. Khi anh ở trên đỉnh, anh thoải mái, anh ăn cho béo người và lười làm việc, thế rồi bất chợt có một công ty khác làm việc chăm chỉ và đấu tranh để giành thị phần. Đối với bóng đá, đó là Premier League của Anh và Bundesliga của Đức”, Erick Thohir bày tỏ.

Erick Thohir có tham vọng rất lớn với Inter.
Erick Thohir có tham vọng rất lớn với Inter.

Là con trai của Teddy Thohir, một trong những ông trùm tập đoàn lớn nhất tại Indonesia, Erick Thohir bắt đầu sự nghiệp trong vai trò giám đốc điều hành của chuỗi nhà hàng barbecue có tên Hanamasa của cha mình. Erick không phải là con cả của gia đình, và vì người thừa kế tài sản của gia đình là anh trai ông Garibaldi Thohir, Erick quyết định tự tách ra làm ăn riêng. Ông mua tờ báo Hồi giáo lớn nhất Indonesia, tờ Republika (Nền cộng hòa), và sau đó mở rộng ra làm ăn ở lĩnh vực tạp chí, radio và truyền hình.

Thể thao đối với Erick Thohir ban đầu chỉ là một thú vui và trách nhiệm xã hội. Erick đầu tư vào bóng rổ Indonesia vì thực sự mong muốn sự phát triển của bóng rổ ở nước này. Thế nhưng Erick Thohir giờ đây đã là một thương nhân thể thao tầm cỡ trên thế giới, đầu tư vào Philadelphia 76ers của giải bóng rổ nhà nghề Mỹ, DC United của giải bóng đá nhà nghề Mỹ, và sở hữu Inter Milan từ tay của Massimo Moratti.

Với Erick, bóng đá Italy là một sứ mạng dành riêng cho mình. Người đàn ông 44 tuổi này đã bán đi cổ phần ở 76ers và DC United chỉ để tập trung vào Inter và các tập đoàn phi thể thao khác. Kể từ sau cú ăn ba lịch sử năm 2010, Inter đã tụt dốc, văng khỏi top 4 Serie A suốt 3 năm qua. Sa sút thành tích cũng đi kèm với thiệt hại tài chính, Inter rơi xuống vị trí thứ 15 trong danh sách thu nhập của các CLB bóng đá trên thế giới.

Bóng đá phải là lợi nhuận

Bóng đá Italy đã sa sút trước cả khi Inter sa sút, khởi đầu do Calciopoli năm 2006. Serie A ngưng thu hút các ngôi sao đến thi đấu, lượng khán giả sụt mạnh, và nó trở thành một thị trường mở để các nhà đầu tư mới kéo đến. Erick Thohir chỉ là ông chủ nước ngoài thứ hai ở Serie A sau các nhà đầu tư Mỹ ở AS Roma.

Gia đình Thohir chuộng văn hóa Italy, anh trai ông, Garibaldi được đặt theo tên của người anh hùng dân tộc Ý thế kỷ XIX. Ông là một fan thể thao, và mọi thứ hòa quyện vào để tạo nên mối quan hệ của ông với Inter. Thế nhưng ông sẽ không điều hành CLB theo cách của một người Italy. “Bóng đá đang thay đổi, mô hình cũ đã lỗi thời và không cho ra lợi nhuận. Tôi muốn coi Inter như một tổ chức kiểu Mỹ, với lợi nhuận thu về từ quảng cáo, hàng hóa và các sản phẩm đăng ký bản quyền”, Erick nói.

Cấu trúc tổ chức của Inter thể hiện tư tưởng ấy. Michael Bolingbroke, cựu CEO của Manchester United, là người của Inter; giám đốc marketing của CLB là người cũ của hãng Apple; giám đốc tài chính là một người Mỹ từng làm việc cho DC United. Erick Thohir tuyệt nhiên không đưa vào bất kỳ người Indonesia nào cho những chức vụ lớn ở Inter.

Ngay cả ở những giải đấu lớn, chỉ có một ít các CLB làm ra lợi nhuận. “Tôi mua Nemanja Vidic vì nghĩ anh ấy sẽ giúp chúng tôi thu về lợi nhuận ở châu Á. Tôi đã nói chuyện với ông Moratti về chuyện ấy và ông ấy đã khuyên tôi rằng Vidic có thể giúp Inter cả về thành tích lẫn về mặt marketing”.

Theo Thể Thao Văn Hoá

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X