Trận hòa thứ tư liên tiếp của tuyển Italy đến theo kịch bản rất quen: Dẫn trước, mất tập trung, rồi lại chạy trối chết để gỡ hòa.
Nhưng mô típ quen mà Prandelli mô tả là “sự tổng hợp của bóng đá”, pha trộn giữa ép sân và bị ép, ghi bàn rồi thủng lưới từ những sai lầm, là một miền đất mới mà ông có thể khai phá. Miền đất của Giuseppe Rossi, tiền đạo trở lại lần đầu sau hơn 2 năm đã lập tức nổ súng; của cặp Balotelli - Rossi chơi cực kỳ ăn ý, dù chưa đá cặp với nhau nhiều. Và của những nhân tố dự bị như Giaccherini, Parolo, Candreva,…Giaccherini ghi bàn gỡ hòa 2-2 cho Italy
Hoan hô Giuseppe Rossi!
Trước hết, đó là màn trình diễn đáng khen của hàng công. Ông Cesare Prandelli tiếp tục sử dụng hệ thống hai tiền đạo, với Candreva đá dưới Balotelli-Rossi, và chính cặp đôi này phối hợp tạo bàn thắng đầu tiên, theo cách rất quen thời Prandelli: Lên bóng nhanh như chớp theo trục dọc. Chỉ mất 3 đường chuyền, từ Maggio đến Rossi, để bóng vào lưới. Balotelli dùng lợi thế thể hình hút và đè hậu vệ Nigeria, trước khi kiến tạo cho Rossi. Cú bấm bóng của Rossi cũng thật lành nghề.
Bàn thứ hai thậm chí ấn tượng hơn, nếu xét về tính đồng đội. Bốn cầu thủ tấn công Balotelli, Rossi, Candreva, Giaccherini cùng tham gia pha bóng, và khác một điểm, nó quét ngang hàng thủ Nigeria. Lần này cả Rossi và Balo đều dạt biên, tạo khoảng trống để Giaccherini lao lên. Một lần nữa cần phải ngợi khen Giuseppe Rossi. Anh băng từ dưới lên khi Balo giữ bóng, nhận đường chuyền và xử lý rất hay trong phạm vi hẹp, để bàn thắng tới. Một sự bén nhạy tuyệt vời!
Đó là trận đấu mà Italy, tượng đài của bóng đá phòng ngự trong quá khứ, tấn công cởi mở hệt như tuyển Anh, tại một sân vận động Anh. Họ dứt điểm 28 lần. Họ đan lát, họ xoay trở uyển chuyển ở mọi tình huống và phạm vi. Riêng Mario Balotelli có 4 cơ hội có thể ghi bàn, trong tổng cộng 8 cú dứt điểm cả thảy. Pirlo sút phạt bị thủ môn Ejide đẩy ra. Ít phút sau, Diamanti sút phạt rung xà ngang đối thủ. Đội Ý dứt điểm mọi cự ly, sút bất cứ khi nào có thể, nhưng tiếc rằng, chỉ có thể hòa.
Vô tình tạo ra điểm yếu?
Sau trận, tiền vệ Diamanti phát biểu rằng trọng tài lẽ ra phải cho bù giờ… 15 phút, chứ không phải 2. Một cách biện hộ đáng yêu cho khả năng dứt điểm tồi của đội Ý. Như đã nói, 28 cú dứt điểm chỉ đổi lại 2 bàn thắng là quá ít. Mario Balotelli đã phát cáu vào cuối trận khi quá vô duyên. Anh đối mặt thủ môn 1 lần, và phút 78, sút bóng lên trời ở cự ly 5 mét!
Đó cũng là trận đấu mà như Prandelli thừa nhận: Đội Ý đã mắc sai lầm khi giảm nhịp độ sau khi dẫn bàn. Họ nhận 2 bàn thua ngay sau đó. Và đáng nói, nó đến từ bóng bổng, điểm yếu chí tử! Hai quả tạt của Benjamin và Ameobi tạo ra hai bàn thắng cho đội bóng châu Phi. Một thống kê: Đội Ý đã nhận 5 bàn thua từ đánh đầu chỉ sau 4 trận.
Hàng công bế tắc với Osvaldo - Balotelli đã được giải quyết phần nào với Rossi, nhưng hàng thủ vẫn mắc những sai lầm cũ. Hậu vệ Ranocchia giải thích rằng đội Ý không có nhiều thời gian luyện tập, nên lúng túng trong chống bóng bổng. La Repubblica lý giải cách khác, có vẻ thuyết phục hơn: Tuyển Ý đã chơi đến 18 trận trong năm 2013, hơn khoảng 5-6 trận so với các đội tuyển khác ở châu Âu. Nên dường như họ dễ dàng kết nối trên sân với nhau hơn, và cũng dễ thả lỏng hơn khi tình thế thuận lợi.Trận hòa này y chang trận hòa 2-2 trước Đan Mạch mà đội Ý cũng dẫn bàn, cũng trùng xuống, cũng bị vượt lên, và cũng chạy trối chết để cầm hòa. Bốn trận hòa liên tiếp thì không tích cực lắm. Nhưng cách tấn công lại rất đáng khen. Thôi thì cứ tin Ranocchia đi, rằng khi được chơi cạnh nhau nhiều hơn, tầm cao sẽ không còn là địa ngục. Còn bây giờ, hãy ngợi khen nhân vật này thật nhiều: Giuseppe Rossi - “Baggio + Zola” của Prandelli.
Theo Thể Thao Văn Hoá