Đừng gọi Italia là những chuyên gia đổ bê tông nữa. Thời của bức tường Berlin, với những người hùng ở hàng thủ đã đưa Italia đến chức vô địch World Cup 2006 khi chỉ để thủng lưới 2 bàn trong 7 trận của giải, đã qua.
Số phận đã sắp xếp để Italia tái ngộ Tây Ban Nha. Từ "thảm họa Kiev" ở trận chung kết EURO 2012 đến "nỗi đau Jerusalem" trong trận chung kết U21 châu Âu mới đây, TBN trở thành kẻ thù đáng sợ nhất cho các đội tuyển của Italia. 0-4 ở Kiev, 2-4 Jerusalem, và sẽ bao nhiêu bàn nữa vào lưới Buffon đêm mai? Không ai biết được.
Tư duy bóng đá thay đổi...
Sự thật là người Tây Ban Nha mạnh hơn Italia về nhiều mặt. Sự khác biệt lớn nhất và dễ nhận thấy nhất là bây giờ, Tây Ban Nha mới là đội bóng phòng ngự tốt nhất thế giới. Trong khi Italia đã lọt lưới 8 bàn trong 3 trận đấu bảng, thì Tây Ban Nha chỉ để lọt lưới 1 bàn!
Số bàn thua mà Italia phải hứng chịu ở vòng bảng Confed Cup này bằng tổng số bàn thua trong 16 trận đấu chính thức trước đó của họ ở các vòng loại World Cup và EURO. Hai trận thua với 4 bàn thủng lưới trong vòng một năm cũng là điều chưa từng có với Italia kể từ sau Thế chiến II.
Tuy nhiên, Prandelli vẫn tỏ ra tự tin vào sự thay đổi tư duy bóng đá của người Ý. Trước trận gặp Brazil, ông gần như đọc chính tả cho các phóng viên Brazil, rằng: "Đây là một đội Ý hoàn toàn khác". Sau trận thua 2-4, ông lại bảo: "Phản ứng của đội tuyển trong hiệp hai khiến tôi yên tâm. Tôi tin là chúng tôi có thể chơi đôi công với bất cứ đối thủ nào". Nhưng 8 bàn thua trong 3 trận thì sao?
Buffon, sau khi phải hứng chịu 17 cú sút cầu môn trong trận thắng Nhật Bản 4-3, trấn an tất cả rằng: "Trong số 8 bàn thua ấy, thì có 4 bàn là do sai lầm của trọng tài". Cứ cho là vậy, và như Barzagli thừa nhận là "tinh thần của chúng tôi đã thay đổi", thì người ta vẫn có nhiều lí do khác để lo lắng. Những thua bàn còn lại hầu hết là từ các tình huống bóng chết. Các chuyên gia phòng ngự Ý đã để quên sự tập trung ở nhà.
...hay chỉ là ngụy biện?
Sự thật là Italia đã thay đổi quá nhiều. Ở World Cup 2006, Italia vô địch chỉ với 2 bàn thua cả giải (trong 7 trận, 0,28 bàn/trận). 6 năm sau, với Prandelli, Italia đã đoạt ngôi á quân ở EURO 2012 với tỉ lệ trung bình 0,85 bàn thua/trận.
Ở trận thua Brazil 2-4, Italia thậm chí còn phạm lỗi ít hơn đội chủ nhà (51 so với 67) và tấn công nhiều hơn Brazil (63 tình huống lên bóng so với 49). Buffon cho rằng, "chưa bao giờ chúng ta được chứng kiến một Italia cống hiến đến thế kể từ World Cup 1978". Đấy chỉ là sự bao biện cho sự sụp đổ đáng ngạc nhiên của một hàng phòng ngự mà Juventus làm nòng cốt.
Hai mùa bóng liên tiếp, Juve là đội để lọt lưới ít nhất tại Serie A và nằm trong số những đội để thủng lưới ít nhất châu Âu. Bonucci, Barzagli và Chiellini đã che chắn cực tốt cho Buffon. Nhưng bây giờ, bộ tứ ấy đang tỏ ra mệt mỏi, mắc nhiều sai lầm và thực ra, trước khi tan nát ở giải này, đã từng bị Bayern làm cho khốn khổ ở Champions League.
Nhưng một khi tạm biệt thứ đặc sản phòng ngự, thì cũng phải biết được cái giá phải trả là bao nhiêu. Điều chắc chắn là Prandelli không thể chơi đôi công với người Tây Ban Nha một khi đã mất Balotelli, và hàng thủ đang là nỗi lo lắng lớn cho tất cả. Nhiều khả năng Prandelli bố trí sơ đồ ba trung vệ kiểu Juve (Barzagli, Bonucci và Chiellini đứng trước Buffon) cho trận đấu then chốt này, đồng thời chơi thận trọng hơn, trước hết là để tránh những thủng lưới trước rồi sau đó là để tận dụng những cơ hội ghi bàn chắc chắn sẽ không nhiều, một khi Tây Ban Nha cầm bóng nhiều hơn.
Giã từ vũ khí phòng ngự, nhưng không có nghĩa là Italia được phép quên nó, mà phải biết sử dụng khi hoàn cảnh đòi hỏi.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)