Thứ Ba, 15/10/2024Mới nhất
Zalo

Chấm điểm Milan 2-0 Barcelona: Hãy gọi Massimiliano Allegri là thiên tài!

Thứ Năm 21/02/2013 06:54(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
(Bongda24h) - Dưới bàn tay nhào nặn của Massimiliano Allegri, mọi ý đồ chiến thuật, cách sử dụng nhân sự hay tài biến hóa của Tito Vilanova (chỉ đạo từ xa) và Jordi Roura trở thành vô nghĩa. Hãy nhìn lại xem trong tay Allegri có gì, và ông đã làm gì với những con người ấy. Để rồi sáng nay, không ít "fan" của Barca thức dậy, những người đã "lỡ" ngủ quên đêm qua, khi chuẩn bị ca ngợi đội bóng con cưng vì chiến thắng giòn giã như mọi tuần, thì phải há hốc mồm vì trên tất cả các mặt báo đều có dòng chữ "AC Milan thắng thuyết phục".


Đúng, Milan thắng thuyết phục. Kể cả một người không theo dõi trận đấu cũng có thể biết được điều đó. Chẳng có đội bóng nào cầm bóng 72.6% trong cả trận lại chỉ sút được có 7 quả, trong đó có ... 1 trúng cầu môn như Barca của đêm qua. Barca hoa mỹ hay vẽ vời trên sân là thế, bình thường 1 trận đấu được bao nhiêu phạt góc như thế, mà lần này chỉ được hưởng 4 quả. Và quan trọng nhất, thống kê bàn thắng thì đã cho thấy quá rõ ràng: Barca thua toàn diện, và 2-0 có thể coi là một tỉ sổ... may mắn với các thầy trò Jordi Roura vì họ đã không thua thêm. Người hâm mộ Barca hoàn toàn có thể đổ lỗi cho trọng tài vì đã không quan sát thấy tình huống để bóng chạm tay của Cristian Zapata, dẫn tới bàn thắng của Kevin Prince Boateng. Tuy nhiên đó mới là bóng đá, và ông trời thì công bằng. Nếu không thua trong tình huống đó, Barca sẽ để thủng lưới trong tình huống khác: có thể là pha dốc bóng của El Shaarawy đầy dũng mãnh bên cánh trái trong hiệp 1, hoặc pha chọc khe như đặt của Boateng cho tiền đạo sinh năm 1992 này cũng trong khuôn khổ 45 phút đầu tiên. Cũng có thể là tình huống tung người móc bóng của Pazzini... Tóm lại, 2-0 là một tỉ số hợp lý, và người ta chẳng có gì để phàn nàn với màn trình diễn của Allegri và các học trò. Chiến thuật thì không có gì lạ lẫm, một chiến thuật gần như sao y bản chính của Jose Mourinho thời còn ở Chelsea và Inter Milan: phòng ngự chặt, phản công nhanh.

Tuy nhiên, hãy nhìn lại xem trong tay Allegri có những "bột" gì, và ông "gột nên hồ" như thế nào. Không cần để bất kì ai trên hàng công, toàn bộ 11 người của AC Milan lúc nào cũng túc trực nơi nửa phần sân nhà để pressing và ép Messi cùng các đồng đội về phần sân của họ ngay từ khu vực trung tuyến. Người ta nói rằng Milan không còn một Nesta cao tuổi nhưng dũng mãnh của năm ngoái để làm cho Messi gần như bật khóc đấm thùm thụp lên mặt cỏ đầy ức chế, không còn một Thiago Silva lừng lững ở đó như một bức tường thành chắc chắn và dũng cảm, không còn một Zlatan Ibrahimovic xuất chúng trên hàng công để mà ghi bàn. Đến cả những người cũ cũng chẳng hề được đánh giá cao: Mexes, Zapata chẳng phải là những cái tên xứng tầm. Constant và Abate kệch cỡm chơi ở hàng hậu vệ thay vì vị trí xuất thân của họ: tiền vệ. Montolivo thế chỗ máy chém Flamini trong sự hoài nghi. Kevin Prince Boateng cùng Sulley Ali Muntari từ đầu mùa tới giờ chơi thất vọng. Giampaolo Pazzini trận nổ trận xịt, Massimo Ambrosini giờ đã là một ông già, hay Stephan El Shaarawy chỉ là một đứa trẻ đủ khả năng tỏa sáng tại Serie A nhờ sự đóng góp không ít của thần May mắn... Người ta đã lí luận thế trước khi trận đấu diễn ra, nhưng người ta quên rằng Max Allegri chính là người đã dựng lên bao nhiêu khó khăn cho Barca mùa trước. Quên rằng Milan chẳng phải đội dễ chơi. Quên rằng Milan được đá sân nhà. Và quên rằng một tập thể khi bị đánh giá thấp nhất lại là lúc hùng mạnh và đột biến nhất. Những lí luận về lực lượng theo kiểu đánh giá từng người một như thế kia chợt trở nên vô nghĩa, sáo rỗng và giáo điều đến lạ kì.

ac milan
Milan thắng giòn giã Barcelona: Có gì mà bất ngờ?

Phòng ngự chặt, phản công nhanh và khi có cơ hội, lập tức 6 cái tên bên phía Milan băng lên với tốc độ cực cao để cho hàng thủ mơ ngủ của Barca không kịp trấn tĩnh để có được bàn thắng. Tất cả những cơ hội của Milan, thậm chí là 2 bàn thắng, đều đến từ những tình huống sử dụng tốc độ là chủ yếu, để bộ tứ vệ chậm chạp của Barca phải thức giấc. Boateng nổ súng trong một tình huống anh tung người volley cực nhanh sau tình huống khống chế bóng có phần ... không được trong sạch của Zapata, tuy nhiên việc tiền vệ người Ghana ghi bàn cũng không có gì là đáng để lên án, bởi lẽ lỗi sau đó thuộc về Victor Valdes. Đứng quá lệch về một bên khung thành, đổ người quá chậm trong một tình huống không phải một cú sút không thể cản phá. Ở bàn thứ 2, khi Puyol chưa kịp định hình là El Shaarawy sẽ sút hay chuyền, thì anh đã chứng kiến "thằng nhóc con" người Ai Cập tâng bóng qua đầu mình, đến với vị trí của Muntari, để rồi một cú ra chân rất nhanh được tung ra, và thế là 2-0. Chiến thuật mà Allegri đề ra không hề phức tạp: khi phòng thủ thì 11 người phòng thủ, khi tấn công thì 5 hoặc 6 người tấn công, số còn lại thủ ở nhà. Đến khi bị mất bóng và dính phản công nhanh, quân số ở phần sân nhà chỉ cần cố gắng kiềm lại tốc độ lên bóng của đội khách, đợi những nhân tố tấn công về kịp là đủ để tái lập bức tường phòng ngự trước mặt thủ môn Christian Abbiati, chứ không cần phải cản phá tình huống lên bóng của đội khách trong vội vàng. Quá hoàn hảo. Và để nhấn mạnh sự hoàn hảo của chiến thuật này, hãy đặt El Shaarawy cạnh Messi, Pazzini cạnh Pedro, Montolivo - Ambrosini - Muntari - Boateng cạnh Busquets - Fabregas - Xavi - Iniesta. Tất cả đều là những phép so sánh vô cùng khập khiễng, Barca mạnh hơn rất nhiều! Thực sự là mạnh hơn rất nhiều, nhưng đã phải quy hàng trong cay đắng. Người Milan thắng thuyết phục.

Về mặt cá nhân, Cesc Fabregas là cầu thủ chơi tồi nhất trận. Dù được giao trọng trách rất quan trọng là cùng với Xavi, Iniesta cầm nhịp trận đấu và kiểm soát thế trận cho Barca, nhưng Fabregas hoàn toàn mờ tịt khi bị bộ tứ tiền vệ của Milan bắt chết. Anh không thể phát huy được khả năng ở phần giữa sân của mình, và những gì tiền vệ mang áo số 4 làm được trong cả trận chỉ là ban qua chuyền lại những đường chuyền vô nghĩa. Mọi vị trí của Barca trong trận này cũng chẳng khá hơn Cesc là mấy, khi Xavi không thể tung ra được những đường chuyền đã trở thành thương hiệu, xuyên phá hàng phòng ngự 2 lớp của đối phương, Iniesta cố gắng trong vô vọng bằng những tình huống xử lý ma thuật như thường lệ nhưng không hiệu quả. Để nói cho công bằng, Iniesta chính là điểm sáng nhất của Barca trong trận vừa qua, nhưng một mình anh cũng không thể làm gì được trong khi Messi chỉ xứng đáng nhận điểm trung bình, còn Pedro thì chưa đủ trình để xoay chuyển cục diện trận đấu trong một trận cầu đinh căng thẳng như thế này. "Thiên tài tuyến giữa" Busquets thất bại hoàn toàn trong việc thu hồi bóng và kiểm soát khu trung lộ. Một trận đấu hiếm hoi người ta được thấy toàn bộ hàng tiền vệ 4 người của Milan nhận được điểm 8. Kiềm tỏa hoàn toàn những ngôi sao sáng nhất thế giới ở khu việc tuyến giữa, lại trực tiếp đóng góp 2 bàn thắng, có vẻ như 8 là mức điểm khiêm tốn giành cho những Boateng, Ambrosini, Muntari hay Montolivo. Tuy nhiên, sáng nhất trận đêm qua bên phía Milan lại là "cậu nhóc vắt mũi chưa sạch" sinh năm 1992, Stephan El Shaarawy. Tiểu Pharaoh đã cho thấy phẩm chất của tiền đạo xuất sắc nhất thế giới trong tương lai với tốc độ, sự tinh tế trong những đường chuyền, khả năng quậy phá và tinh tế trong khâu dứt điểm, khả năng ứng biến bẳng bộ não hết sức thông minh. Chính anh là người kiến tạo bàn thứ 2 cho Muntari, có không dưới 2 cơ hội nhưng bỏ lỡ vì thiếu một chút may mắn. Pazzini "xịt" nhất trận, nhưng cũng nhận được điểm 6, ngang bằng với người... cao điểm nhất bên phía Barca.

Còn gì để nói, các ông chủ tại Nou Camp? Thua tâm phục khẩu phục, nhưng chưa phải là hết hi vọng. Hãy trở về tổ ấm và đón tiếp Milan một lần nữa, và hãy nghĩ ra chiến thuật gì khác ngoài việc chuyền đi chuyền lại cực nhàm chán mà không hiệu quả. Còn San Siro, đây là lúc để mở hội, bởi vì dù không phải đội đang dẫn đầu Serie A, nhưng Massimiliano và các học trò đã làm toàn bộ nước Ý, và thậm chí cả thế giới rên lên vì ghen tị. Không cần biết lượt về sẽ diễn ra như thế nào, nhưng trận đấu này có thể đánh dấu bước ngoặt của bóng đá thế giới khi một lần nữa có đội bóng tìm ra cách khắc chế sự tinh quái của tiqui-taka. Nói là ngày tàn của Barca đã đến chỉ sau 90 phút e là hơi sớm, nhưng kể cả trong trường hợp sau trận lượt về, Milan bị loại thì họ vẫn hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu ngạo nghễ, vì đã quật ngã ông lớn của bóng đá thế giới một cách chưa bao giờ thuyết phục đến thế trong trận lượt đi.

Điểm số cụ thể:
AC Milan: Abbiati 6.0, Mexes 7.0, Zapata 7.0, Abate 7.0, Constant 8.0, Montilivo 8.0, Ambrosini 8.0, Muntari 8.0, Boateng 8.0, Pazzini 6.0, El Shaarawy 8.0.
Barcelona: Victor Valdes 6.0, Dani Alves 4.0, Pique 6.0, Puyol 4.0, Jordi Alba 5.0, Fabregas 3.0, Busquets 4.0, Xavi 5.0, Iniesta 6.0, Messi 5.0, Pedro 4.0.
  • Thành Nguyễn - Bongda24h.vn

Có thể bạn quan tâm

Video

Antonio Di Natale: Chàng hoàng tử của Zebrette

Antonio Di Natale: Chàng hoàng tử của Zebrette

Antonio Di Natale: Chàng hoàng tử của Zebrette

Được người dân Udine yêu mến gọi là “Hoàng tử” nhờ tài năng và thái độ của mình, Antonio Di Natale nên được tôn vinh như một hình mẫu trái ngược với các siêu sao có những được quyền tốt nhất bên ngoài kia. Di Natale là một người chăm chỉ, luôn xuất hiện với nụ cười và giọng điệu rất tử tế. Với những gì đã cống hiến, đã hy sinh, anh sẽ mãi mãi sống trong trái tim của những người dân Friuli. 

Xem thêm
top-arrow
X