Có những cầu thủ đạt tới trình độ chơi bóng đỉnh cao từ rất sớm, nhưng vì ý chí không lớn nhanh như khả năng đá bóng, họ cũng sớm bị lụi tàn. Antonio Candreva là trường hợp ngược lại. Sự mạnh mẽ của con người anh lớn cùng “tốc độ” với những kĩ năng chơi bóng, để bây giờ, sau những tháng ngày phiêu bạt, anh bắt đầu tỏa sáng ở tuổi 25.
Những ngày cuối của kì chuyển nhượng mùa Đông năm 2012, các laziale hồi hộp đợi Honda và Nilmar. Là Keisuke Honda, ngôi sao lớn của bóng đá Nhật Bản, đã tỏa sáng rực rỡ ở World Cup 2010 trên đất Nam Phi; và Nilmar da Silva, tiền đạo nổi danh của “tàu ngầm vàng” Villarreal. Nhưng không có Honda nào hết. Cũng không có Nilmar nào cả. Trong những giây cuối cùng, người cập bến sân Olimpico, theo dạng cho mượn, là một anh chàng vô danh từ Cesena: Antonio Candreva.
Ngày đầu tiên cầm trên tay chiếc áo xanh Lazio trong buổi họp báo ra mắt, Candreva đã làm giới laziale dậy sóng. Chẳng là, anh thú nhận, mình là một…romanista: “Totti là thần thượng của tôi. Còn De Rossi là hình mẫu tôi muốn vươn tới”. Người Lazio, có lẽ đã hơi sốc một chút trong khoảnh khắc đó. Không nhiều cầu thủ dám thú nhận như Candreva đã làm (Trường hợp gần nhất có lẽ là Fabio Liverani, một romanista đã chơi cho Lazio 5 năm).
Candreva đang tỏa sáng ở Lazio
Nửa mùa đầu tiên với Lazio, Candreva ra sân 15 trận và ngay lập tức, trở thành một nhân tố thiết yếu trong đội hình của ông Reja. Anh ghi 3 bàn, mà 2 trong số đó có ý nghĩa cực kì quan trọng ở những chiến thắng trước Inter và Napoli, hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp một suất dự cúp châu Âu, với cùng tỉ số 3-1.
Nhưng chỉ đến khi vào tay ông Petkovic mùa này, Candreva mới phát huy được toàn bộ khả năng. Anh nhanh chóng xác lập một vị trí không thể thay thế trong sơ đồ 4-5-1 ông Petkovic thường bố trí. Tính đến hiện tại, Candreva đã có 3 bàn (chỉ kém Hernanes và Klose), cướp luôn ngôi vị “vua chuyền” mà Hernanes thường nắm giữ những năm qua (4 đường kiến tạo). Có một điều đặc biệt: ba pha lập công vào lưới Palermo, Milan, và Roma, đều là những cú đá từ xa đẹp như tranh vẽ, với kĩ thuật sút mu lai má “kiểu Ronaldo”, mà không phải ai cũng làm được.
Những màn trình diễn trên sân cỏ khiến các Laziale ngày càng yêu mến anh, và dường như, thay vì xem Candreva là một gã romanista trong thân xác laziale, họ đã coi anh là một chú đại bàng đích thực. Mỗi khi ghi bàn, “Il Timido” (chàng trai nhút nhát, biệt danh của Candreva) luôn lao về phía khu khán đài các ultra Lazio thường ngồi và ăn mừng điên dại. Những lúc như thế, chẳng còn thấy anh “nhút nhát” một chút nào.
Từng được Lippi gọi vào đội tuyển Italia (bị loại chỉ sau 1 tuần tập trung), nhưng trận gặp Armenia hôm 13/10 vừa rồi mới là lần thứ 3 Candreva khoác áo Azzurri. Đó cũng là lần trở lại đội tuyển đầu tiên của anh sau tròn 3 năm vắng mặt (từ trận giao hữu gặp Hà Lan năm 2009).
Ngày De Rossi đánh nguội Mauri trong trận derby thủ đô, Candreva ghi 1 bàn tuyệt đẹp giúp Lazio chiến thắng. Ngày De Rossi bị Prandelli loại khỏi đội tuyển vì hành vi xấu xí ấy, rất có thể, cũng là ngày Candreva trám vào vị trí “cầu thủ hình mẫu” ấy bỏ lại.
Mỗi người chỉ có 1 kiếp sống, còn Candreva thì đã có hai: là romanista trong kiếp laziale. Và từ đêm nay, bằng cách ra sân ngay từ đầu, anh rất có thể sẽ chính thức bắt đầu một kiếp sống khác nữa, kiếp sống của một chiến binh Thiên Thanh thực thụ.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)