Thứ Tư, 06/11/2024Mới nhất
Zalo

Anelka đến Juve: Nghệ sĩ hay gã gangster?

Thứ Hai 28/01/2013 17:35(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Cuối cùng thì Juve cũng có thêm tiền đạo, Llorente và Anelka. Llorente cho tương lai, và Anelka cho hiện tại. Không ai nghi ngờ đẳng cấp của chân sút người Tây Ban Nha, nhưng còn tiền đạo người Pháp? Anh có phù hợp với đội bóng áo trắng-đen?

Anelka sẽ mang lại điều gì cho Juve?

Kể từ khi nắm Juve vào năm 2011, Antonio Conte mới chỉ sử dụng 7 chân sút ở đội một, bao gồm: Del Piero, Quagliarella, Vucinic, Matri, Borriello, Giovinco và Bendtner. Trong số này, người hiệu quả nhất là Alessandro Matri, chân sút số một của Juve mùa trước, với 10 bàn sau 1949 phút thi đấu trên tất cả các mặt trận, hiệu suất 194,9 phút/bàn. Con số này là quá thấp, nếu so với Ibrahimovic của Milan (106,5 phút/bàn), hay Diego Milito của Inter (119,5 phút/bàn)…

Anelka tố Chelsea qua cầu rút ván
Anelka sẽ mang lại điều gì cho Juve

Không một chân sút nào của Juve lọt vào top 10 người “mắn” bàn nhất Serie A cả năm ngoái lẫn năm nay (Matri đứng thứ 17 năm ngoái). Chỉ Giovinco đứng thứ 9 ở danh sách này, nhưng là khi anh thi đấu cho Parma. Xét cả về số lượng bàn thắng lẫn hiệu suất ghi bàn, các tiền đạo Juve đều thể hiện kém cỏi.

Tính đến trước thời điểm kí vào bản hợp đồng 5 tháng với Juve, hiệu suất ghi bàn của Anelka cho Thân Hoa Thượng Hải chỉ là 660 phút/bàn. Xét trong 3 năm cuối với Chelsea, hiệu suất ghi bàn của tiền đạo người Pháp đạt tốt nhất vào mùa 2009/10, 249 phút/bàn. Nhưng ngay cả con số này, nếu đem so với Mirko Vucinic, tiền đạo kém hiệu quả nhất của Juve năm nay (240phút/bàn) vẫn còn thua sút. (không tính Bendtner, “chân gỗ” chưa có bàn nào cho Juve sau hơn 300 phút thi đấu).

Anelka, giống hệt như Vucinic, là một “nghệ sĩ”, không phải một cái máy làm bàn. Anh thích vân vê quả bóng, dạt sang hai cánh để chơi theo ý thích. Juve không cần người như thế. Giovinco, Vucinic, thậm chí cả Quagliarella, đều có thể đá lùi và thu hút. Thứ “Bà đầm già” đang khát là một cái máy chỉ làm nhiệm vụ duy nhất là đưa quả bóng vào gôn, bằng cách nào cũng được. Anelka, như đã phân tích, không thỏa mãn yêu cầu này. Một quả bom nổ chậm.

Anelka có thể phá hỏng Juve

Từ khi Antonio Conte đến Juve, ông đã đưa kỉ luật đội bóng lên thành tôn chỉ. Cassano từng miêu tả các cầu thủ Juve như “những người lính đá bóng”, sống bằng kỉ cương, làm việc theo luật lệ. Ba lần Juve từ chối mua Cassano cũng chính bởi ở anh tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ gây chia rẽ nội bộ. Juve là đội bóng của “Chúng tôi”, của “Chúng ta”, là một “nhà xưởng” rất hạn chế sự phá cách của các “công nhân”. Chỉ có một nghệ nhân (Pirlo) được vẽ vời, nhưng ngay cả “Il Maestro” cũng chưa bao giờ là một kẻ ích kỉ.

Vì lẽ đó, vụ Anelka là một canh bạc. Anh rời Thân Hoa Thượng Hải vì không được thi đấu theo ý thích. Anh vùng vằng rũ bỏ Chelsea bởi Torres đã được ưu ái đến mức vô lý. Anh từng chửi Donenech ở World Cup 2010 chỉ vì phải chơi tiền đạo cắm. Ở Juve, nếu phải ngồi dự bị, hoặc không hài lòng với cách Conte yêu cầu anh thi đấu, chưa biết chừng, “Nghệ sĩ” sẽ trở thành “Gangster”.

Mua Anelka, Conte phải giải quyết đồng thời hai bài toán. Thứ nhất: làm sao để tìm ra vị trí thích hợp cho anh, để anh đẻ ra thứ Juve đang rất thiếu, là bàn thắng. Và thứ hai: làm thế nào để Anelka coi việc cống hiến cho “Bà đầm già” là một nghĩa vụ, mục tiêu. Đây là yêu cầu rất khó với Anelka, gã du mục đã thay đổi CLB đến 11 lần từ khi thi đấu đỉnh cao, kẻ rất nhanh đánh mất động lực ban đầu.

Nghệ sĩ, hay gã Gangster, tùy tay Conte nhào nặn. Chỉ có điều, cả hai nhân vật này đều không phải mẫu người Juve đang tìm kiếm. Một Bendtner mới?

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X